Ngày 19/5, theo báo Tiền Phong, ông Nguyễn Thành Châu - Trưởng thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, tỉnh Ninh Thuận, cho biết, người dân trong thôn phát hiện một con cá Mái chèo dạt vào bờ biển.
Cụ thể, vào sáng 18/5, một con cá Mái chèo dài gần 2m, bị đứt phần đuôi dạt vào bờ biển Vĩnh Hy. Khi được phát hiện cá vẫn vùng vẫy rất mạnh, người dân sau đó đã nhanh chóng cứu hộ, thả con cá lại về với biển nhưng không lâu sau cá lại quay lại vào bờ và chết.
Nguồn: Người lao động
"Hiện tượng cá mái chèo dạt vào bờ biển trong thôn từ trước đến nay chưa từng xảy ra vì loài cá này rất hiếm chủ yếu sống ở biển sâu. Sau khi cá chết, người dân địa phương đã mai táng cho cá theo phong tục, thể hiện sự tôn kính với loài vật gắn liền với nhiều truyền thuyết biển cả", ông Châu cho hay.
Theo Chi cục thủy sản Ninh Thuận, đây là loài cá sinh sống ở tầng sâu đại dương, hiếm khi xuất hiện tại vùng nước ven bờ. Vì vậy, sự kiện lần này đang gây tò mò và thích thú cho cộng đồng địa phương.
"Đây là một họ của loài cá hố. Thường sống ở độ sâu rất lớn nên ít khi gặp. Nếu cá dạt lên bờ thì thường chúng đã rất yếu" - đại diện Chi cục Thủy sản Ninh Thuận nói, thông tin trên báo Người lao động.
Cá Mái chèo quý hiếm, dài gần 2m bất ngờ xuất hiện ở Ninh Thuận. Ảnh: Tiền Phong
Cá Mái chèo, còn gọi là cá Ruy băng, có tên khoa học là Regalecus glesne. Loài này nổi bật với thân hình dẹt dài như dải lụa bạc, có thể đạt chiều dài hơn 10 m. Đặc điểm của chúng là chiếc vây lưng đỏ rực kéo dài từ đỉnh đầu xuống phần thân, trông giống như chiếc mái chèo – nguồn gốc cho cái tên dân gian của chúng.
Theo các chuyên gia, cá Mái chèo thường sống ở độ sâu từ 200 đến 1.000 m dưới mặt biển, và chỉ dạt lên bờ khi bị thương hoặc do thay đổi đột ngột trong môi trường sống.