Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng Thăng: Việc quan anh cứ phép công anh làm!

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Có người bảo những gì Bộ trưởng Thăng làm là thể hiện quyền uy, nhưng sự quyết liệt của ông đã kéo dài hai năm, có lẽ phải nhìn nhận đó là hành động trách nhiệm.

(ĐSPL) - Có người bảo những gì Bộ trưởng Đinh La Thăng làm là thể hiện quyền uy, nhưng sự quyết liệt của ông đã kéo dài hai năm, có lẽ phải nhìn nhận đó là những hành động trách nhiệm.

Người dân lại một lần nữa cảm thấy phấn khích với sự quyết liệt của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khi ông nhanh chóng quyết định tạm đình chỉ chức vụ Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam đối với ông Nguyễn Hữu Thắng. Động thái quyết liệt này xảy ra chỉ một ngày sau phát ngôn “điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên” của ông Cục trưởng Cục Đường sắt về Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đội vốn 339 triệu USD.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng.

Điều đáng nói là, quyết định của Bộ trưởng Thăng xảy ra sau khi đối chiếu với băng ghi âm mà báo giới cung cấp. Bộ GTVT nhận định rằng: Phát ngôn của ông Cục trưởng là không đúng, thiếu trách nhiệm, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Sự quyết liệt của Bộ trưởng Thăng người dân đã biết đến kể từ khi ông mới nhậm chức. Còn nhớ, ngày 4/10/2011, tức là chỉ sau 2 tháng nhậm chức, Bộ trưởng Thăng đã “trảm tướng” ngay tại công trường nhà ga hành khách tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Khi trảm tướng, Bộ trưởng Thăng khẳng định: Chính ông sẽ chịu trách nhiệm về mọi quyết định của người mà ông chọn thay thế “tướng bị trảm” trước đó.

Lúc ấy, người dân cảm thấy phấn khích vì sự quyết liệt vốn ít xảy ra trong điều hành công vụ trước đây. Một số ý kiến cũng tỏ ra “nghi ngờ” rằng: Liệu sự quyết liệt này sẽ tồn tại trong bao lâu? Thì đây, suốt hơn 2 năm giữ cương vị tư lệnh ngành GTVT, đã có nhiều vụ việc thể hiện sự quyết liệt của Bộ trưởng. Ông loại bỏ nhà thầu Dự án QL3 mới, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, xử lý giám đốc Sở GTVT Hải Phòng… Thế nhưng, ông cũng biết rút lại quyết định “trảm tướng” của mình khi hiểu ra hoàn cảnh của họ như đối với Giám đốc Cảng hàng không Nha Trang. Vì ông cho rằng, cái gì cũng phải có lý, có tình.

Bộ trưởng Thăng không dừng lại ở việc “trảm tướng”. Ông xử lý những “tô mì tôm” có giá ngất ngưởng tại các sân bay, ông tìm việc cho thủ khoa thất nghiệp La Văn Ngọ, ông quyết định xây cầu Sam Lang sau khi báo chí phản ánh, ông thăm nhà cựu nữ thanh niên xung phong Thái Xuân Lai dưới cơn mưa tầm tã và rất nhanh chóng sau đó, người con gái thanh niên xung phong ngày nào đã có nhà để ở, ông bỏ tham gia một lễ khởi công để có mặt tại Cần Giờ sau khi vụ chìm tàu tại đây xảy ra đêm hôm trước.

Phần nhiều ý kiến cho rằng, những việc làm của Bộ trưởng Thăng đã ghi dấu ấn tốt. Ở một góc độ nào đó, Bộ trưởng Thăng có lẽ không phải quan tâm đến những chuyện “vi mô” như trên nếu như cấp dưới của ông và nền công vụ của chúng ta năng động. Nhưng trong khi phong cách làm việc hành chính quan liêu còn ì ạch, “chậm tiến độ”, thì những hành động, việc làm của Bộ trưởng Thăng cũng có những tác động tốt đến xã hội, đến cấp dưới của ông như một tấm gương tốt, một điểm sáng…

Trong việc đình chỉ chức vụ Cục trưởng Cục Đường sắt VN vừa xảy ra, có lẽ cực chẳng đã Bộ trưởng Thăng mới phải đưa ra quyết định như vậy. Và hẳn nhiên, có lẽ ông Cục trưởng cũng không bao giờ nghĩ rằng, phát ngôn của mình lại đem đến hậu quả nhãn tiền như thế. Trong cuộc trao đổi mới đây với Đời sống và Pháp luật, cựu thứ trưởng Đỗ Quý Doãn chia sẻ rằng: việc “nóng giận”, phát ngôn thiếu kiềm chế với báo chí là điều “tối kị”, và người được phân công trả lời báo chí cần phải có kỹ năng, có bản lĩnh. Có lẽ ông Cục trưởng đã không giữ được bình tĩnh khi bị báo giới “chất vấn”, khiến ông Bộ trưởng lại phải nhọc lòng ra quyết định nghiêm minh. Trước nhiều những phát ngôn của quan chức gây bức xúc dư luận thời gian gần đây về “đường cong mềm mại”, về “không công bố dịch sởi không có nghĩa là không có dịch”, về “con số 34.000 tỷ là một sai sót đáng tiếc”… cách xử lý của Bộ trưởng Thăng đối với phát ngôn “điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên” là một cách xử lý tốt và quyết liệt.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đội vốn 339 triệu USD. Ảnh: Báo GTVT.

Hẳn những người theo dõi lĩnh vực GTVT cũng phải thừa nhận rằng, dù còn đó những ngổn ngang, những đề xuất còn chưa được công luận ủng hộ, nhưng ngành này đã có những chuyển biến tích cực. Trong phát biểu nhậm chức Bộ trưởng GTVT cách đây hơn 2 năm, Bộ trưởng Thăng đã nói: “Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội”. Chưa biết ông Bộ trưởng có được toàn quyền như ông đề nghị hay không, nhưng những gì ông làm hẳn cũng khiến dư luận nức lòng. Có người bảo những gì ông làm là thể hiện quyền uy, nhưng sự quyết liệt của ông đã kéo dài hai năm, có lẽ phải nhìn nhận đó là những hành động trách nhiệm.

Bao nhiêu tướng đã bị ông Bộ trưởng “trảm”? Bao nhiêu vụ việc đã được xử lý? Điều đó có lẽ đã không còn quan trọng. Vì rõ ràng, những công trình thuộc lĩnh vực giao thông từ ngày Bộ trưởng Thăng ngồi “ghế nóng” đã bớt đi tình trạng “chậm tiến độ”. Kết quả này cho thấy: việc “trảm tướng” đã tạo ra hiệu ứng tốt, chứ không đến nỗi “thiếu người làm việc” như có ý kiến đã từng lo ngại.

Tin nổi bật