Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, sáng 26/10, phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin một số vấn đề về tiền lương và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Liên quan tiền lương, Bộ trưởng Phạm Thanh Trà cho biết vừa qua, dù khó khăn như vậy nhưng Chính phủ đã dành nguồn lực khoảng 700.000 tỷ đồng; đến năm 2026 là 930.000 tỷ đồng cho điều chỉnh chính sách tiền lương.
Nói cách khác, việc thực hiện chính sách tiền lương và trợ cấp bảo hiểm, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho người có công cần một khoản nguồn rất lớn.
Tuy nhiên, bà Trà thừa nhận “thực tiễn vẫn còn bất cập” và Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trên tinh thần kết luận 83.
Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát một số đối tượng bất cập trên thực tiễn, như nhân viên hành chính sự nghiệp; giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và nhân viên y tế.
"Chúng tôi sẽ rà soát một cách tổng thể để đề nghị điều chỉnh phụ cấp cho phù hợp theo tinh thần nghị quyết của Trung ương, nhất là kết luận của Bộ Chính trị đã ban hành. Làm sao đảm bảo với những đối tượng mang tính đặc thù cần có sự quan tâm, ưu tiên hơn, đảm bảo được đời sống của họ một cách tốt hơn", Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ bà Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Báo Dân trí.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, vừa qua chúng ta đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở với mức tăng lên 50,8%; trong đó, năm 2024 là 30%. Bà đánh giá đây là mức tăng rất lớn, thể hiện sự nỗ lực.
Theo bà Trà, đến năm 2026, sẽ đánh giá lại Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, sau đó tiếp tục thực hiện cho phù hợp.
"Việc có điều chỉnh lương cơ sở hàng năm hay không sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đất nước. Năm 2025, có thể tạm thời dừng lại và sau đó điều chỉnh với một số đối tượng nêu trên", Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Nội vụ cũng cho biết năm 2026, sẽ tiếp tục có điều chỉnh để nâng cao đời sống người hưởng lương trong khu vực công nhằm đảm bảo tương đồng với yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình mới, theo báo Dân trí.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đây là chủ trương lớn, vấn đề khó, nhạy cảm nhưng vừa qua nhiều địa phương đã rất nỗ lực thực hiện.
Trong 54 địa phương nằm trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có 51 địa phương thực hiện. Còn 3 địa phương như Bình Phước, Điện Biên, Lai Châu do có những yếu tố không thể thực hiện được, có liên quan đến việc mở rộng địa giới hành chính của thành phố (hay còn gọi là đô thị) với một đơn vị hành chính nông thôn để tạo ra không gian phát triển mới nhưng lại không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nên phải dừng lại để tiếp tục hoàn thiện.
Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính của 38 địa phương. Còn lại 13 địa phương, trong đó 10 địa phương được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp nhận hồ sơ.
"Như vậy, sẽ sắp xếp 38 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 9 đơn vị hành chính cấp huyện; sắp xếp 1.176 đơn vị hành chính cấp xã và giảm 562 đơn vị hành chính cấp xã", bà Trà thông tin.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc sắp xếp này sẽ giảm số lượng rất lớn đơn vị tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp. Cùng với đó, số lượng cán bộ cũng như trụ sở công sẽ dôi dư rất nhiều.
Nhiều địa phương làm rất tốt được bà Trà dẫn chứng như Nam Định, sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 79 đơn vị hành chính cấp xã để giảm 51 đơn vị hành chính cấp xã. Ngoài ra, Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng cũng là những địa phương điển hình.
"Nhiều địa phương rất quyết liệt. Ở đâu quyết liệt ở đó thành công và người dân đồng thuận. Còn ở đâu không quyết liệt, không quyết tâm, nhất là người đứng đầu, ở đó chưa đạt được mục tiêu", Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá nhiều địa phương chưa nỗ lực, đưa ra lý do kỳ trước đã sắp xếp nhiều, chưa giải quyết được các tồn đọng nên đề nghị đẩy sang giai đoạn sau. Một số địa phương cũng ngại khó, ngại khổ vì đây là vấn đề rất khó, rất phức tạp, rất nhạy cảm.
Bà Phạm Thị Thanh Trà thông tin thêm trên thế giới chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã "lớn, khủng khiếp như Việt Nam”, kể cả đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng vậy.
Đồng thời, cũng chưa có đất nước nào chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam - 62% chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người, không còn để chi đầu tư.