Theo báo Pháp Luật TP.HCM, Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học. Thông tư 13 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2024.
Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT không quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng, Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng; cũng không quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng.
Như vậy, thay vì phải thi, giáo viên được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, số năm công tác.
Thay vì phải thi, giáo viên được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, số năm công tác. Ảnh minh họa: Thanh Niên
Cụ thể, giáo viên mầm non hạng III muốn được xét lên hạng II phải có 2 năm công tác liền kề trước đó được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; giáo viên phổ thông và dự bị đại học phải có 3 năm đạt điều kiện này.
Để được xét từ hạng II lên hạng I, giáo viên cần có 5 năm công tác liền kề trước đó được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Bên cạnh đó, giáo viên cần có các danh hiệu thi đua, khen thưởng trong thời gian giữ hạng II. Việc này nhằm đảm bảo một danh hiệu, thành tích không được sử dụng đồng thời ở 2 lần thăng hạng (từ hạng III lên II và từ hạng II lên I).
VnExpress đưa tin, Bộ GD&ĐT cho rằng các tiêu chuẩn trên sẽ giúp đảm bảo yêu cầu tỷ lệ giáo viên hạng I tối đa 10%, hạng II không quá 50%, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, cũng như lựa chọn được những người xứng đáng.
Trước đó, giáo viên được thăng hạng thông qua hai hình thức là xét và thi (tùy địa phương), theo nghị định 115/2020 của Chính phủ. Nếu thi thì giáo viên làm 4 bài, gồm phần kiến thức chung (60 câu hỏi); ngoại ngữ (30 câu); tin học (30 câu) và thi viết chuyên ngành.
Tuy nhiên, số đợt thi thăng hạng giáo viên mỗi năm ở mỗi tỉnh, thành khác nhau, dẫn đến tình trạng giáo viên có thâm niên, thành tích ngang nhau nhưng được xếp ở các hạng khác nhau.
Đề xuất bỏ thi thăng hạng viên chức được Bộ Nội vụ nêu hồi tháng 5/2023. Lý do là vì toàn quốc có 1,8 triệu viên chức khiến kỳ thi thăng hạng hàng năm tốn kém, có nhiều tiêu cực.