Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ Tài chính nêu nguyên nhân khiến việc thoái vốn diễn ra chậm chạp

(DS&PL) -

Tổng số thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2019 là 2.092 tỷ đồng, thu về 3.831 tỷ đồng.

Tổng số thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2019 là 2.092 tỷ đồng, thu về 3.831 tỷ đồng. Kế hoạch thoái vốn đã chậm so với kế hoạch đề ra, đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các đơn vị và quy trách nhiệm người đứng đầu.  

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp trả lời tại buổi họp báo. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Đây là thông tin tại buổi họp báo chuyên đề về “Kết quả thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 6 tháng đầu năm 2019; nội dung cơ bản chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 5/8.

Tiến độ chậm, chất lượng có cải thiện 

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tính lũy kế đến hết quý II/2019, có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.

Về tình hình thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp.

Tính đến hết quý II/2019, có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng. 

Như vậy, lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II/2019, thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng.

Tình hình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II/2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).

Về tình hình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN theo Đề án cơ cấu lại, tính đến hết quý II/2019, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn với tổng giá 1.333 tỷ đồng, thu về 2.174 tỷ đồng. 

Trong đó, Viettel thực hiện thoái 1.290 tỷ đồng tại Tổng công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam, thu về 2.002 tỷ đồng; Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 36 tỷ đồng, thu về 166 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đại diện Bộ Tài chính cho biết, ngày 15/8/2017, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đến hết quý II/2019, theo rà soát của Bộ Tài chính (UBCKNN) vẫn còn 622 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, bổ sung 158 doanh nghiệp vào danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Như vậy, đến nay còn 780  doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

"Công khai thì cũng công khai rồi, phê bình cũng phê bình rồi. Tuy nhiên trách nhiệm thực hiện không cao nên kéo dài thời gian thực hiện. Việc chậm như thế này vừa mất cơ hội, vừa làm giảm niềm tin”, ông Đăng Quyết Tiến cho hay.

Tuy nhiên ông Đặng Quyết Tiến cũng cho biết, mặc dù tiến độ chậm nhưng chất lượng được đảm bảo hơn. Các phương án cổ phần hóa được xây dựng chặt chẽ, đảm bảo công khai minh bạch. Việc  thoái vốn theo cơ chế thị trường và đấu giá công khai, trường hợp nào đấu giá không thành công mới chào bán cạnh tranh. Vì thế tiền thu về Quỹ cổ phần hóa đạt kết quả khá tốt.

Người đứng đầu đơn vị chưa quyết liệt

Đại diện Bộ Tài chính cho biết một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. 

Ngoài ra những hạn chế làm chậm quá trình cổ phần hóa cũng được nhắc lại. Cụ thể, quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Tỉ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

Việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, cổ phần hóa là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. 

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, đến nay cơ chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. Kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên. 

Riêng về vấn đề còn nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng không chịu niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định, tới đây sẽ công bố công khai các đơn vị chậm niêm yết CPH gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Bộ Tài chính đã giao cho trách nhiệm cho Ủy ban chứng khoán nhà nước, và cơ quan này cũng đã  xử phạt 20 đơn vị chậm niêm yết.

“Sắp tới các đơn vị công bố không báo cáo đầy đủ nguyên nhân tại sao không niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ bị xử phạt”, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định.

Huy Thắng

Tin nổi bật