Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bỏ phố về quê nuôi loài "nhút nhát, sợ tiếng ồn", anh nông dân kiếm 400 triệu mỗi năm

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Hơn một thập kỷ khởi nghiệp với mô hình nuôi ba ba trên chính cánh đồng chiêm trũng quê nhà, anh Lê Văn Thuận đã gặt hái được thành công đáng kể.

Nuôi ba ba nơi chiêm trũng, thu nhập "khủng"

Năm 2012, anh Lê Văn Thuận quyết định từ bỏ công việc hướng dẫn viên du lịch có thu nhập ổn định ở Hà Nội để về quê hương Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Anh đã mạnh dạn thầu lại hơn 3 sào ruộng chiêm trũng với mong muốn xây dựng một trang trại chăn nuôi thành công.

Chia sẻ trên báo Dân trí, anh Thuận cho biết, ban đầu anh dồn toàn bộ số vốn tích lũy được, gần 500 triệu đồng, vào việc cải tạo mảnh đất hoang hóa. Anh cần mẫn đào ao, thả cá, xây dựng chuồng trại nuôi lợn, bò, hy vọng sẽ tạo ra một trang trại đa dạng và mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, những năm đầu tiên không hề dễ dàng. Dịch bệnh, giá cả bấp bênh, và những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường khiến lợi nhuận từ trang trại không được như mong đợi.

Anh Lê Văn Thuận bỏ phố về quê nuôi ba ba kiếm 400 triệu mỗi năm. Ảnh: Dân trí 

Năm 2018, một cơ hội mới mở ra khi mô hình nuôi ba ba và rùa câm bắt đầu phát triển mạnh tại địa phương. Nhận thấy tiềm năng của loài ba ba dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, cộng thêm lợi thế về địa hình và nguồn thức ăn dồi dào tại trang trại của mình, anh Thuận quyết định thử sức với việc nuôi ba ba. Anh bắt đầu bằng việc đầu tư nuôi thử nghiệm hơn 50 con ba ba giống.

Sự kiên trì và quyết tâm của anh Thuận đã được đền đáp. Đến nay, trang trại của anh đã phát triển ổn định với khoảng 500 con ba ba. Bên cạnh đó, anh vẫn duy trì 3 ao cá, gần 30 con lợn thịt và 3 con bò, tạo nên một mô hình kinh tế đa dạng và bền vững. Nhờ vào sự kết hợp này, mỗi năm anh Thuận thu về từ 300 đến 400 triệu đồng, trong đó lợi nhuận chủ yếu đến từ việc nuôi ba ba.

Ba ba sau hơn 3 năm nuôi có thể xuất bán với trọng lượng lý tưởng từ 3 đến 4kg mỗi con. Mỗi đợt thu hoạch, anh Thuận xuất bán gần 4 tạ ba ba với giá dao động từ 450.000 đến 500.000 đồng/kg, mang về gần 200 triệu đồng.

Trang trại nuôi ba ba của anh Thuận. Ảnh: Lao động 

Mặc dù ba ba là loài dễ nuôi, nhưng anh Thuận không chủ quan. Anh luôn dành thời gian quan sát và theo dõi sức khỏe của đàn ba ba hàng ngày. Nhờ sự chăm sóc cẩn thận, anh có thể phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh nấm da thường gặp, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của đàn ba ba.

Nuôi ba ba thành nghề "hot" 

Thông tin trên báo Lao động, tại xã Thiệu Hợp, người dân có xu hướng ưu tiên nuôi ba ba gai hơn ba ba trơn, mặc dù giá giống ba ba gai cao hơn. Lý do chính là ba ba gai có sức đề kháng tốt hơn, ít bệnh tật, và chất lượng thịt cũng thơm ngon hơn hẳn.

Hiện nay, đầu ra cho ba ba chủ yếu là các nhà hàng và khách sạn trong khu vực. Tuy nhiên, người nuôi ba ba tại đây đang hướng tới việc mở rộng thị trường, xuất bán sản phẩm tới các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Ba ba Thiệu Hợp luôn được đánh giá cao về chất lượng. Để đảm bảo uy tín, sau khi vận chuyển tới các nhà hàng, ba ba sẽ được theo dõi trong vòng 5-7 ngày. Chỉ khi ba ba không gặp vấn đề gì, người bán mới nhận được tiền thanh toán, nếu không sẽ phải mang ba ba về.

Ông Quản Văn Hải, Chủ tịch Hội làm vườn xã Thiệu Hợp cầm trên tay con ba ba nặng hơn 8kg. Ảnh: Lao động

Theo ông Quản Văn Hải, Chủ tịch Hội làm vườn xã Thiệu Hợp, giai đoạn khó khăn nhất khi nuôi ba ba là 3 tháng đầu. Lúc này, da ba ba còn rất mỏng, dễ bị tổn thương và mắc các bệnh ngoài da. Đặc biệt, do ba ba là loài háu ăn, chúng thường cào cấu tranh giành thức ăn, khiến da bị trầy xước và dễ nhiễm nấm.

"Tại Thiệu Hợp, ba ba được nuôi theo hình thức tự nhiên, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có. Nhờ vậy, ba ba Thanh Hóa thường có thời gian nuôi lâu hơn so với các vùng khác, thịt chắc và ngon hơn, giá thành cũng cao hơn. Hiện tại, xã có hơn 70 hộ nuôi ba ba, cả dưới ao và trong bể. Nuôi ba ba dưới ao giúp tiết kiệm chi phí và công sức nhưng đòi hỏi diện tích đất lớn", báo Lao động dẫn lời Chủ tịch Hội làm vườn xã Thiệu Hợp nói.

Tin nổi bật