Anh Lê Trường Đại, một người con của vùng đất Bạc Liêu, sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông anh em. Cuộc sống mưu sinh vất vả đã buộc anh phải từ bỏ ước mơ học hành từ sớm. Rời quê hương, anh tìm đến Cà Mau với hy vọng đổi đời. Tại đây, anh lập gia đình và bắt đầu cuộc sống mới.
Không có đất sản xuất, lại phải gánh vác trách nhiệm chăm lo cho các con còn nhỏ, anh Đại chấp nhận làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Từ đốn cây mướn đến làm thuê tại các cơ sở sản xuất đũa đước, anh không ngừng nỗ lực để cải thiện cuộc sống gia đình. Trong những khoảng thời gian rảnh rỗi, anh cùng vợ miệt mài vót đũa đước bằng phương pháp thủ công, rồi bán lẻ cho người dân địa phương để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn không ngừng thử thách anh.
Chia sẻ trên báo Cà Mau, anh Đại cho biết năm 2019, anh quyết định đưa cả gia đình lên TP.Cà Mau làm công nhân cho một công ty thủy sản, với hy vọng có một cuộc sống ổn định hơn. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, dịch COVID-19 ập đến, khiến công việc của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không còn lựa chọn nào khác, gia đình anh Đại lại khăn gói "bỏ phố về quê".
Nhờ làm đũa đước, anh Đại có thu nhập ổn định. Ảnh: Báo Cà Mau
Với số vốn ít ỏi tích cóp được và sự giúp đỡ của người thân, anh dựng tạm một căn nhà sàn ven sông và quyết tâm gây dựng lại từ đầu. Nhớ lại những ngày tháng làm thuê tại cơ sở sản xuất đũa đước, anh nhận thấy tiềm năng của nghề này, đặc biệt là khi nguồn nguyên liệu cây đước ở Ngọc Hiển vô cùng dồi dào.
Năm 2021, anh Đại quyết định mở xưởng chế biến đũa đước. Khó khăn chồng chất khó khăn, anh không chỉ phải đối mặt với việc thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý mà còn phải tự mình mày mò, sáng chế ra các loại máy móc, thiết bị để tiết kiệm chi phí. Hơn một nửa số máy móc trong xưởng đều do chính tay anh chế tạo, giúp giảm 30-40% chi phí đầu tư.
Những ngày đầu, sản phẩm của anh chỉ được bán lẻ nhỏ lẻ tại các tiệm tạp hóa, quán ăn, nhà hàng và chợ địa phương. Anh không ngại rong ruổi khắp nơi để giới thiệu và chào bán sản phẩm của mình. Dần dần, nhờ chất lượng tốt và giá cả phải chăng, đũa đước của anh nông dân chịu thương, chịu khó được nhiều người biết đến và tin dùng.
Một trong những công đoạn trong việc làm đũa đước của anh Đại. Ảnh: Báo Cà Mau
Đến nay, cơ sở sản xuất đũa đước của anh Đại đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Bình quân mỗi tháng, anh xuất bán được khoảng 50.000 đôi đũa, mang lại lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng. Không chỉ tạo thu nhập ổn định cho gia đình, cơ sở của anh còn tạo công ăn việc làm cho 3 lao động trong gia đình và 4 lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Câu chuyện của anh Lê Trường Đại là một minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó, không ngừng nỗ lực vươn lên của người dân miền Tây. Từ một chàng trai nghèo khó, anh đã từng bước xây dựng sự nghiệp, mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Cũng tại Cà Mau, anh nông dân hiền lành, chất phác Huỳnh Thanh Phong được nhiều người biết đến khi thành công trong nghề làm đũa đước.
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau), anh Huỳnh Thanh Phong cho biết đã có 15 năm kinh nghiệm làm đũa đước. Hiện tại, anh đang là chủ cơ sở sản xuất đũa đước ở ấp Xẻo Sao, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn.
Anh Phong cho biết trước đây, khi sản xuất đũa đước thủ công, số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường còn hạn chế. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc áp dụng công nghệ, cơ sở của anh đã có bước tiến vượt bậc. Năng suất tăng đáng kể, chất lượng sản phẩm cũng được cải thiện rõ rệt, từ đó lợi nhuận cũng tăng lên.
Hiện nay, cơ sở của anh có thể sản xuất từ 50-60.000 đôi đũa mỗi tháng.
Công nhân đóng gói tại cơ sở sản xuất đũa đước của anh Huỳnh Thanh Phong. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Năm Căn
Với giá bán khoảng 20.000 đồng/chục đôi đũa loại thường và 30.000 đồng/chục đôi đũa cao cấp (làm từ lõi hoặc có in chữ, hoa văn), sản phẩm đũa đước của anh Phong không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương với mức lương gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Chất lượng sản phẩm của anh Phong đã được công nhận rộng rãi, điển hình là việc đũa đước của cơ sở anh được Cục Công thương địa phương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2022.
Tuy nhiên, anh Phong vẫn mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ địa phương trong việc tiếp cận nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại hơn và tham gia các hội chợ triển lãm, qua đó đưa sản phẩm đũa đước vươn xa hơn nữa.