Theo đó, chuẩn này áp dụng với các trường đại học tham gia chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" của Chính phủ, VietNamPlus dẫn thông tin cho hay.
Thí sinh muốn học hệ cử nhân, kỹ sư các ngành về vi mạch bán dẫn, nếu xét tuyển bằng kết quả thi Tốt nghiệp THPT phải sử dụng tổ hợp có môn Toán và có ít nhất một môn khoa học tự nhiên phù hợp với chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Thí sinh phải có tổng điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 80% thang điểm xét (ví dụ tối thiểu là 24/30 với tổ hợp ba môn); điểm Toán đạt ít nhất 80% thang điểm xét (ví dụ tối thiểu 8/10).
Đối với các phương thức tuyển sinh khác, điểm trúng tuyển quy đổi tương đương với các điều kiện trên.
Với người đã có bằng tốt nghiệp đại học cần có bằng tốt nghiệp phù hợp với ngành đào tạo dự tuyển và có điểm trung bình tích lũy (GPA) đạt từ 2,8/4 trở lên.
Ảnh minh họa
Với sinh viên đang học đại học ngành khác chuyển sang ngành vi mạch bán dẫn tại thời điểm xét cần có GPA đạt từ 2,5/4 trở lên.
Với trình độ thạc sĩ, yêu cầu với GPA ở bậc đại học đạt từ 2,8/4 trở lên.
Bộ GD&ĐT cũng quy định khung chương trình đào tạo, các tiêu chuẩn đầu ra cho từng chương trình đào tạo và trình độ đào tạo.
Trước đó, theo VTC News, hồi tháng 2, khi lấy ý kiến dự thảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, nhiều trường đã cho rằng tiêu chí 8 điểm mỗi môn là cứng nhắc, tạo rào cản kỹ thuật trong tuyển sinh.
Nếu áp dụng, các trường lo không thể đáp ứng mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030, theo yêu cầu của Chính phủ. Đại diện Bộ GD&ĐT khi đó bày tỏ, không thể vì đáp ứng nhu cầu nhân lực lớn mà hạ chuẩn đầu vào.