Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký công điện số 58/CĐ-TTg về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025.
Công điện nêu rõ, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đặc biệt hơn các năm trước, bởi đây năm nay là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông theo Chương trình GDPT 2018 với nhiều đổi mới.
Đồng thời, kỳ thi được tổ chức trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp và thay đổi trong sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra.
Trong khi đó, tình trạng sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi ngày càng tinh vi, phức tạp.
Thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ đề thi tốt nghiệp THPT 2025, bảo đảm tuyệt đối chính xác, có độ phân hóa phù hợp. Ảnh minh họa
Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đầu cấp an toàn, nghiêm túc, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm, sâu sát trong chỉ đạo, cụ thể kỹ lưỡng trong tổ chức, thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi, các gia đình và các cơ sở giáo dục.
Đề nghị lãnh đạo các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi và tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn; ban hành kế hoạch thực hiện tại địa phương phân công nhiệm vụ cụ thể theo tinh thần 6 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả” gắn với lộ trình cả nước thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp.
Chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức có liên quan trên địa bàn tham gia phối hợp hiệu quả với ngành Giáo dục chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, có phương án dự phòng cho mọi tình huống bất thường, không để xảy ra bất kỳ khâu nào của kỳ thi và tuyển sinh đầu cấp mà không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ và không có người chịu trách nhiệm.
Chỉ đạo thanh tra tỉnh khẩn trương xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu, các bước, nhất là khâu phân công trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát các văn bản chỉ đạo, hoạt động tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để có hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với các địa phương, các cơ sở giáo dục bảo đảm bám sát tình hình thực tiễn trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả đối với tất cả các khâu, các công việc trong suốt quá trình tổ chức.
Đồng thời tiếp tục rà soát, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có phương án kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức; trong đó tập trung vào những khâu tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, gian lận, mất an toàn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp.
Rà soát kỹ các khâu, các bước, các công việc, nội dung trong công tác đề thi tốt nghiệp THPT 2025 bảo đảm tuyệt đối chính xác, an toàn, có độ phân hóa phù hợp.
Chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương làm tốt công tác truyền thông với tinh thần thông tin đúng, đầy đủ, khách quan, kịp thời để phụ huynh, học sinh và toàn xã hội hiểu rõ và đồng thuận cao trong tổ chức Kỳ thi.
Bộ Công an xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức kỳ thi bảo đảm an ninh, an toàn, nhất quán, thông suốt từ trung ương đến địa phương; tăng cường công tác nắm tình hình, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kỳ thi.
Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể đối với các địa phương, cơ quan liên quan về công tác kiểm tra bảo đảm đúng quy định, tạo thuận lợi cho quá trình chuẩn bị, tổ chức kỳ thi.
Thủ tướng cũng đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các cấp bộ đoàn tham gia hỗ trợ thí sinh, người nhà thí sinh và công tác bảo đảm trật tự, an toàn trong kỳ thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 diễn ra trong hai ngày 26-27/6.
Nhóm thi tốt nghiệp lần đầu theo chương trình GDPT 2018 phải làm 4 bài thi, bắt buộc có Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, các em chọn hai môn (Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ).
Trong công thức tính điểm xét tốt nghiệp, điểm các môn thi chiếm 50%; còn lại là điểm học bạ lớp 10, 11, 12 (50%) và điểm ưu tiên nếu có. So với trước, điểm học bạ tăng 20%.
Thí sinh thi theo chương trình cũ (chương trình 2006) sẽ làm bài thi Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, cùng một trong hai bài Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).