Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Đã đến lúc phải từng bước mở cửa dần, đảm bảo an toàn

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Sáng 17/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp với các chuyên gia y tế, kinh tế để thảo luận về công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.

Theo đó, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh TP.HCM đang khẩn trương chuẩn bị chiến lược từng bước mở cửa, phục hồi kinh tế sau ngày 30/9.

Các góp ý tại cuộc thảo luận này được TP.HCM tổng hợp lại, phục vụ cho việc thành phố kiến nghị, đề xuất một số vấn đề với Trung ương thời gian tới. Trong 10 ý kiến phát biểu, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm rằng thành phố cần sớm mở cửa nền kinh tế, sống chung với COVID-19.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến về phòng chống dịch COVID-19 với lãnh đạo TPHCM. Ảnh: Lao Động

 

Sau khi lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng các nhà khoa học đều thống nhất một số quan điểm.

Tất cả chuyên gia nhận định không thể loại trừ dịch COVID-19 ra khỏi cộng đồng thời điểm này. Bên cạnh đó, điều kiện chuẩn bị để phòng chống dịch đến nay tương đối đảm bảo, như đã có thuốc, vaccine; người dân được tiếp cận y tế. Bên cạnh đó, người dân đã chấp hành, ủng hộ, đồng cam cộng khổ, "thắt lưng buộc bụng" cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn.

"Một điểm thống nhất là sức chịu đựng của xã hội đã đến hạn và sức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã bị tổn thương, cần phục hồi sớm", Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời Bí thư Nên nhận định.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM tán đồng quan điểm đã đến lúc phải từng bước mở cửa dần, đảm bảo an toàn, quản lý rủi ro, không chủ quan.

Chính quyền và nhân dân đang chuẩn bị chiến lược để chuyển sang giai đoạn mới, sống trong điều kiện có SARS-CoV-2, đặc biệt là biến chủng Delta. TP.HCM đã xây dựng kế hoạch với 14 chiến lược, trụ cột là y tế.

Theo lãnh đạo TP.HCM, chiến lược y tế phải quy định rõ ràng các bước phải làm khi phát hiện F0 trong cộng đồng. Trước đây, nếu phát hiện một F0 thì cả đơn vị phải đóng cửa, nhưng giờ phải tính lại cách ứng phó trong tình hình mới.

"Chính sách là huy động hết nguồn lực y tế, ai có điều kiện thì tham gia phòng chống, điều trị, quản lý, tư vấn... Tất cả phải tính toán trong chiến lược y tế để hình thành mạng lưới đủ sức lo cho dân chứ không cậy nhờ vào lực lượng tăng cường. Đây là vấn đề thành phố đang chuẩn bị", Bí thư Nên nói về chính sách thời gian tới.

Bên cạnh đó, thành phố cũng có chiến lược an sinh xã hội. Bí thư kể thời gian qua, có quận 700.000 dân nhưng danh sách gửi lên đến hơn 600.000 người cần hỗ trợ.

Theo Bí thư TP.HCM, giãn cách kéo dài khiến nhiều người mất việc, chịu đựng lâu dài, phát sinh nhiều vấn đề. Nhiều nơi, người dân sống trong không gian chật chội, không đảm bảo giãn cách như yêu cầu của ngành y tế.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

 

Tại cuộc họp, các chuyên gia nêu nhiều vấn đề trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Nhiều ý kiến chia sẻ các góc nhìn chiến lược, đưa ra nhận định cần xem xét lại ý nghĩa và hiệu quả của công tác xét nghiệm diện rộng.

Tuổi Trẻ Online dẫn lời ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, hiện không thể nói mở hay không mở cửa, mà phải nói rằng không thể không mở cửa.

Nếu nhìn vào bài toán kinh tế, phân tích lợi ích, chi phí, phân bổ nguồn lực thì việc thành phố xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân là rất tốn kém.

Bên cạnh đó, hệ lụy đối với GDP của thành phố không chỉ năm nay mà còn những năm tới, cái giá phải trả về kinh tế lớn.

Đối với doanh nghiệp, ông Tự Anh nhận định doanh nghiệp bây giờ kiệt quệ, nếu không cứu thì sau này cứu cũng không kịp nữa. Tương tự, sau 3,5 tháng chống dịch, người dân nghèo cũng đang kiệt quệ.

Đặc biệt, ngân sách thành phố , ngân sách trung ương đang gặp khó khăn. Theo ông Tự Anh, đứng từ góc độ người dân thành phố, doanh nghiệp, ngân sách thành phố... thì chi phí chống dịch quá lớn và không thể không mở cửa.

Trong khi đó, giáo sư rần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Y dược TP.HCM, xu thế ca bệnh ở thành phố thời gian gần đây bắt đầu giảm nhưng chưa đến mức an toàn theo tiêu chí của Bộ Y tế. Vì vậy, thành phố cần thảo luận lại về bộ tiêu chí này để có biện pháp thích ứng.

Nguyên viện trưởng Viện Y tế cộng đồng TP.HCM Lê Hoàng Ninh nhận định chiến lược của thành phố là phải có vắc xin, không thể tiếp tục phong tỏa, đóng cửa.

Theo ông Ninh, cần phải xét nghiệm có trọng tâm, nhóm nguy cơ cao, không nên xét nghiệm đại trà gây lãng phí nguồn lực. Đồng thời, ông Ninh cho rằng phải xác định sống cùng virus, không thể diệt hết virus.

Trước đó, Hội nghị Thành ủy TP.HCM mở rộng ngày 14/9 đã thống nhất 3 giai đoạn phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại thành phố gồm: giai đoạn 1 từ ngày 1/10 đến ngày 31/10; giai đoạn 2 từ ngày 1/11 đến ngày 15/1/2022 và giai đoạn 3 từ ngày 15/1/2022 trở đi.

Thủy Tiên (T/h)

Tin nổi bật