Tối 15/9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình chủ trì cuộc họp báo thông tin về tình hình COVID-19.
Cùng chủ trì buổi họp báo có ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM… cùng sự tham gia của đại diện nhiều sở, ban, ngành TP.
Tại cuộc họp, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc sở TT&TT TP.HCM cho biết, thành phố cho phép thí điểm "thẻ xanh COVID-19" tại 3 địa phương gồm quận 7, Cần Giờ, Củ Chi và các khu chế xuất, khu công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ triển khai có lộ trình cụ thể sau khi thống nhất với các đơn vị.
Cụ thể, các tiêu chí khi mở cửa trở lại sẽ được đánh giá chặt chẽ. Đơn vị sẽ tự đánh giá gửi lên app của Sở. Theo đó, các đơn vị sẽ tự đánh giá thực hiện an toàn chống dịch. Phương án kiểm tra chéo giữa các quận huyện sẽ được thực hiện để đánh giá đúng nhất tình hình và nguy cơ, có giải pháp xử lý.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc sở TT&TT TP.HCM, thông tin về việc thí điểm "thẻ xanh COVID-19". Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Theo ông Thắng, quận 7 chỉ thí điểm 150 đơn vị, còn huyện Củ Chi và Cần Giờ thí điểm trong lĩnh vực sản xuất và doanh nghiệp du lịch.
Để bảo đảm cho các hoạt động sau 30/9, thành phố thống nhất thực hiện phương án “khai báo y tế điện tử” thành một ứng dụng thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cơ quan quản lý giúp người dân giảm bớt thủ tục, giấy tờ.
"Tiêu chí thẻ xanh không phải vaccine mà còn căn cứ trên nhiều vấn đề khác. Đây sẽ là ứng dụng cho công dân của thành phố sau khi trở lại giai đoạn bình thường mới và triển khai đô thị thông minh", Tiền Phong dẫn lời ông Thắng cho biết.
Về ứng dụng "Khai báo y tế điện tử TP.HCM" mà Sở đang phát triển, ông Thắng cho hay đây không phải là ứng dụng mới mà là ứng dụng đã triển khai trên địa bàn thành phố từ tháng 1/2021. Nhưng để đảm bảo yêu cầu chống dịch của thành phố sau ngày 15/9, sau khi tổng rà soát các ứng dụng, các giải pháp công nghệ thông tin và xin ý kiến Bộ chuyên ngành thì thành phố thống nhất phát triển ứng dụng ứng dụng "Khai báo y tế điện tử TP.HCM" thành một ứng dụng thống nhất cho người dân quản lý thông tin của mình một cách tiện lợi nhất.
"Ứng dụng này gom nhiều ứng dụng hiện nay đang gây bất tiện cho người dân và các cơ quan quản lý, và giúp người dân giảm giấy tờ. Chúng tôi chọn giải pháp phát triển ứng dụng của thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu của thành phố, ví dụ như bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực cụ thể, tiêu chí thẻ xanh.
Định hướng lâu dài của thành phố là ứng dụng này không chỉ để phục vụ phòng, chống dịch mà sẽ thành một ứng dụng cho công dân TP.HCM phục vụ các tiện ích cho người dân sau khi trở lại bình thường mới", Tuổi Trẻ Online dẫn lời ông Thắng giải thích.
Theo Công văn 3072 được UBND TP.HCM ban hành ngày 15/9, TP.HCM tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16, Kế hoạch 2715, Chỉ thị 11 của UBND TP.HCM từ 0h ngày 16/9 đến hết 30/9.
TP.HCM tiếp tục cấp giấy đi đường cho nhóm đối tượng được phép lưu thông, giấy đã cấp sẽ có hiệu lực đến hết 30/9. Người dân tiếp tục được "đi chợ hộ".
Riêng tại quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ, người dân đi chợ 1 tuần/lần...
Thủy Tiên (T/h)