Tại các khu “chợ trời”, ngoài bán hàng cũ còn có nhiều quầy hàng quảng cáo, rao bán đồ mới, còn nguyên tem, nhãn mác, hàng ngoại, hàng xách tay. Những sản phẩm được quảng cáo nhiều nhất là đồng hồ, máy tính bảng, điện thoại,... Người bán khẳng định, các sản phẩm này được các đầu mối xách tay về từ nước ngoài. Do đó, hàng hóa bán giá rẻ hơn thị trường nhưng chất lượng vẫn đảm bảo.
Hàng xách tay, bán nửa giá
Tại quầy đồng hồ trên đường Lý Nam Đế giao đường Vĩnh Viễn – Lý Thường Kiệt (phường 7, quận 11, TP.HCM), tôi được ông chủ tên K. chào mời mua hàng ngoại xách tay. Nhận thấy sự ngạc nhiên của tôi vì đứng giữa vô vàn gian hàng thập cẩm lại có người quảng cáo bán hàng mới, K. lập tức trấn an.
Một góc "chợ trời" tấp nập, nhiều cửa hàng quảng cáo bán hàng ngoại, hàng xách tay. |
K. nói: “Tùy thành phần khách, anh mới chào hàng. Thấy em là khách sang, anh nghĩ em không đi mua đồng hồ cũ đâu. Hàng anh bán có đủ loại từ thượng hạng đến bình dân, tiền nào của ấy. Khách sành đồ ngoại thì anh cung cấp hàng xịn. Nếu em ưng ý, anh cho xem đồng hồ xách tay Thụy Sỹ”.
Ngay lập tức, K. lấy trong góc chiếc vali đang bày bán hàng trăm chiếc đồng hồ, lấy ra một chiếc hộp còn nguyên băng dính, bên ngoài ghi chữ Tissot. K. mở miếng vải bọc, lấy ra chiếc đồng hồ mạ vàng.
Vừa lau mặt kính chiếc đồng hồ, K. vừa nói: “Đây là đồng hồ thời trang nữ của Thụy Sỹ, chống nước, mạ vàng, sành điệu, thời trang mãi mãi, dùng vài chục năm không trầy xước. Em mua, anh bảo hành cho một năm. Cứ đeo thoải mái đi mưa nắng, tắm biển... có vấn đề gì mang ra đây anh đổi. Hiện, trên thị trường cái này có giá hơn chục củ (hơn 10 triệu đồng- PV). Em lấy, anh để cho nửa giá”.
Chúng tôi cầm chiếc đồng hồ kiểm tra nhãn hiệu và kiểu dáng. Dù được quảng cáo là đồng hồ mới, còn nguyên kiện, hộp nhưng quan sát, tôi thấy sản phẩm đã bị cắt bớt dây đeo.
Tôi đem phát hiện của mình nói với K., anh ta cười xòa nói: “Hàng xách tay mà em. Bạn anh đeo về mới qua được cửa an ninh sân bay. Tháng nào cũng có người mang về đều đều không mất thuế thì anh mới bán giá nửa”.
Tôi từ chối, tỏ vẻ chưa ưng sản phẩm, K. tiếp tục giới thiệu về các mặt hàng khác trong hộp đồ chứa toàn hàng ngoại như điện thoại, máy tính bảng, rượu ngoại, mỹ phẩm... K. quả quyết, chúng tôi cần bất cứ món hàng ngoại nào, anh ta đều có thể cung cấp. Nếu là những món đồ đắt tiền, chúng tôi chỉ việc đặt hàng trước.
Nghe K. nói xong, tôi đề nghị mua chiếc điện thoại iPhone 8 xách tay. K. cho biết phải đợi nửa tháng nữa mới có hàng rồi lấy số điện thoại của chúng tôi để khi hàng về sẽ báo ngay.
Nói về giá cả chiếc iPhone được đặt hàng, K. cho biết sẽ lấy giá 16 triệu đồng, bảo hành 1 năm. Chúng tôi hỏi bảo hành như thế nào, K. nói: “Dùng mà máy có hư hỏng gì cứ mang ra chỗ anh gửi, anh đem đi bảo hành cho. Hàng hóa đã mua thì được bảo hành chứ không cho hoàn trả”.
K. còn nhấn mạnh mỗi tháng, quầy hàng anh ta luôn sẵn có các nguồn hàng ngoại từ nhiều nước khác nhau trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Mỗi đơn hàng đặt, K. sẽ lên lịch hẹn cho người mang về nước.
Thông thường K. chỉ nhập hàng ngoại giá rẻ từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng như kính mát, đồng hồ bình dân, túi xách, nước hoa... để trưng bày “làm oai” cho gian hàng. Những mặt hàng công nghệ đắt tiền, giá vài chục triệu đồng trở lên, K. sẽ lấy hàng về theo đơn đặt hàng của khách để tránh bị ngâm vốn.
K. cho biết, chiếc đồng hồ Thụy Sỹ ban đầu anh ta chào mời chúng tôi là hàng đã có khách đặt nhưng quá hẹn không đến lấy nên mới có giá rẻ như cho. Tiếp đó, K. hỏi có cần đến thực phẩm chức năng như sâm Hàn Quốc, cao hổ cốt, nhung hươu, rượu ngoại,... để làm quà biếu hay không. Nếu cần, anh ta cũng có ngay tại chỗ với giá bình dân.
Lộ chiêu cò mồi
Thấy ông chủ hồ hởi chào mời và quảng cáo hàng ngoại, chúng tôi chỉ tay về phía chai rượu duy nhất ở quầy hàng và hỏi giá. K. cầm chai rượu lên và khoe là hàng này nhập từ Pháp. Giá bán trên thị trường khoảng 2 triệu đồng, nhưng giờ ai mua sẽ để lại giá mềm 800.000 đồng.
Quan sát chai rượu, chúng tôi thấy trên vỏ chai ghi toàn tiếng Anh. Đúng lúc đó, một người đàn ông trạc 40 tuổi, ngồi trên chiếc xe máy cũ kỹ chạy đến, nói lớn tiếng: “Rượu này cả tháng mới có 1 - 2 chai xách tay về đó. Anh chị mua đi biếu người sành rượu chắc được lòng lắm đây. Lần trước tôi đặt mua mãi mới được ông K. đem về cho được một chai. Nghe nói, rượu ngoại giờ mang về theo đường máy bay cũng khó khăn”.
Để tránh bị K. phật lòng vì xem nhiều, hỏi nhiều hàng mà không mua, tôi mạnh dạn trả giá chai rượu 400.000 đồng. Người này đồng ý ngay lập tức. Thậm chí, sau khi bỏ vào hộp cho khách xong, K. còn căn dặn: “Lần sau muốn mua rượu ngoại thì quay lại nhé”.
Khi rời khỏi quầy hàng của K., chúng tôi phát hiện, người đàn ông vừa tâng bốc giá trị chai rượu tại quầy hàng cũng là một người chuyên bán hàng tại khu chợ này. Tại các khu chợ trời, có rất nhiều kiểu mồi chài giá cho bạn hàng của nhau. Trong đó, có cả những người mua đi bán lại tại chỗ.
Ví như khách tìm mua chiếc máy tính bảng mà quầy hàng không có, ông chủ sẽ đi lấy chiếc máy tính ở quầy bạn hàng. Tuy nhiên, họ lại nói hàng mới lấy ở kho ra. Khi bán được, họ chia chác tiền chênh lệch. Hầu hết, “cò mồi” đều là dân buôn bán chợ trời có thâm niên, biết cách nắm bắt nhu cầu mua hàng của khách để chèo kéo.
Chợ trời luôn tấp nập khách qua lại tìm các món hàng ngoại. |
Tiếp đó, chúng tôi đi tham quan khu chợ trời trên tuyến đường Nhật Tảo (quận 11, TP.HCM). Các gian hàng ở đây hoạt động vô cùng sầm uất từ sáng sớm đến tối khuya. Thành phần khách mua có đủ loại, từ người giàu có đến người lao động nghèo. Trong số hàng chục “tiểu thương” bày hàng ra lề đường bán, nhiều “cò mồi” liên tục chạy xe qua lại chỗ các gian hàng. Phát hiện khách, những người này lập tức vẫy tay, mời mọc vào quầy xem hàng. Các “cò” sẽ hỏi khách có nhu cầu gì để tư vấn, giúp đỡ mua được món hàng vừa ý, vừa túi tiền.
Chúng tôi ghé vào một gian hàng, đề nghị mua chiếc iPad giá khoảng 1 triệu đồng hàng xách tay, H. (một “cò mồi”) chỉ vào quầy hàng của người phụ nữ nói: “Anh chị vào chọn đi. Ưng cái nào lấy cái đó, không ưng thì mô tả đặc điểm, màu sắc, kiểu dáng... em sẽ chạy về kho lấy cho. Hàng tụi em trưng bày nên có cái mới, cái cũ. Bán lề đường nên hàng bị bám bụi, nhìn không đẹp mắt chứ hàng ở kho toàn đồ mới”.
Tỏ ý không hài lòng bất cứ sản phẩm nào, chúng tôi lên xe, nổ máy. Lúc này, H. níu lại hỏi lý do. Tôi nói, sản phẩm nhìn cũ, màn hình mờ...
Ngay lập tức, anh ta liền bấm điện thoại nói vài tiếng rồi bảo chúng tôi đợi về kho lấy hàng. Quan sát, chúng tôi thấy anh này rẽ vào một con hẻm nhỏ, nơi cũng bày la liệt điện thoại, máy tính bảng, ... Lúc sau, H. mang một chiếc iPad còn nguyên hộp theo mô tả của chúng tôi rồi nói: “Cái này chắc anh chị ưng rồi chứ. Giá một củ hai (1,2 triệu đồng – PV) thôi nha, hàng xách tay chính hãng đó...”.
(Còn nữa)
Nhiều món hàng rởm gắn mác ngoại Chị T.N.T. (40 tuổi) có 5 năm trong nghề bán hàng tại chợ trời chia sẻ: “Khách mua hàng ở chợ trời có được chất lượng tốt, đúng mác hàng ngoại thật hay không là chuyện may rủi. Khá nhiều hàng ngoại là đồ Trung Quốc được người bán, cò mồi “biến hóa”, cải tiến, tân trang dán mác thương hiệu nổi tiếng để bán. Điều quan trọng, khách phải sành đồ, biết rõ về giá trị món đồ mua mới tránh việc mua trúng hàng rởm, hàng kém chất lượng. Bởi, mánh lới của người buôn bán chợ trời chính là gắn mác ngoại, hàng xách tay dù nguồn gốc nó không phải như vậy”. |
Huệ Trần