Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hàng hóa không ghi nhãn bị xử lý như thế nào?

(DS&PL) -

Tình trạng tem, nhãn hàng hóa mập mờ, mập mờ về sở hữu trí tuệ… diễn ra công khai. Song, với nhiều quy định mới đã tạo hành lang pháp lý để ngăn chặn việc này.

Tình trạng tem, nhãn hàng hóa mập mờ, mập mờ về sở hữu trí tuệ… diễn ra công khai. Song, với nhiều quy định mới từ ngày 1/6/2017, Nghị định 43 về nhãn hàng hóa đã tạo hành lang pháp lý để ngăn chặn việc này.

Nhập nhèm tem, nhãn khiến người tiêu dùng chịu thiệt

Ông Trần Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hàng hóa trên thị trường đều phải có nhãn mác. Những loại hàng hóa mập mờ về nhãn mác thường là hàng giả, hàng nhái “ăn theo” những thương hiệu sản phẩm nổi tiếng. Hiểu một cách đơn giản, hàng hóa bất thường mới sử dụng nhãn mác không bình thường.

Anh Nguyễn Thành Trung (phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai) bày tỏ bất bình: Thấy bếp gas ghi dòng chữ “Rinai – bếp gas thương hiệu hàng đầu của Nhật”, nên yên tâm mua. Ai ngờ khi về nhà, kiểm tra mới thấy dòng chữ in chìm “Made in China” ở bên dưới.

Các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm quy định mới về nhãn hàng hóa áp dụng từ ngày 1/6/2017

Theo ông Phạm Văn Phú, chủ cửa hàng đồ gia dụng, điện tử (phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng), việc nhập nhèm tên sản phẩm bếp gas đã khiến không ít khách hàng mua phải sản phẩm kém chất lượng. Đơn cử như trường hợp, bếp gas Napolis nhập khẩu nguyên chiếc từ Italia được bán với giá hơn 6 triệu đồng, nhưng ngoài thị trường xuất hiện loại bếp có tên gọi na ná là Napoli, giá chỉ 3 triệu đồng. Bếp này do Trung Quốc sản xuất, nếu không xem xét kỹ, người tiêu dùng sẽ bị mua nhầm sản phẩm.

Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, tình trạng hàng hóa “quên” ghi ngày sản xuất, nơi sản xuất, ghi nhãn mác mập mờ, thiếu trung thực để đánh lừa người tiêu dùng khá phổ biến. Ngoài ra, tình trạng nhãn mác in sai quy cách về cỡ chữ, kiểu chữ hoặc dán nhãn mác không đúng vị trí quy định trên hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu không có tem nhãn phụ cũng là những sai phạm dễ gặp. Đáng lo ngại hơn, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng tình trạng này để trà trộn hàng nhái, hàng giả. Sản phẩm vi phạm quy định nhãn, mác phổ biến nhất là thực phẩm, quần áo, đồ điện – điện tử.

Vi phạm quy định về nhãn hàng hóa bị xử lý thế nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (Nghị định 43) của Chính phủ thì ngoại trừ những hàng hóa như: Bất động sản; hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; hàng hóa trung chuyển; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển; hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; hàng hóa đã qua sử dụng; hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa;… còn lại thì tất cả hàng hóa còn lại bắt buộc phải có nhãn hàng hóa.

Một lon bia Tiger không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng

Theo quy định hiện hành, nếu hàng hóa theo quy định phải có nhãn nhưng lại không ghi nhãn hàng hóa hoặc hàng hóa có nhãn nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung trên nhãn hàng hóa hoặc hàng hóa có nhãn bị tẩy xóa, sửa chữa nhãn gốc hoặc nhãn phụ làm sai lệch thông tin về hàng hóa, thì hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng. Mức phạt sẽ tăng lên nếu giá trị hàng hóa lớn hơn và mức tối đa của mức xử phạt là phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.

Ngoài mức phạt chính, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có nhãn vi phạm hoặc buộc ghi lại nhãn hàng hóa theo đúng quy định theo quy định tại Điều 25 của Nghị định 80/2013 của Chính phủ.

Theo quy định, hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, nhãn phụ phải được dịch nguyên bản từ nhãn gốc

Còn hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu theo quy định phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, nhãn phụ phải được dịch nguyên bản từ nhãn gốc; Nếu hành hóa không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi thì mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng và mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng theo khoản 4 Điều 26 Nghị định 80/2013 của Chính phủ.

Trở thành người tiêu dùng thông thái

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng nên đọc kỹ nhãn, mác của các loại sản phẩm. Nếu phát hiện nhãn hàng hóa ghi sai quy định hoặc nhãn, mác không ghi đúng bản chất của sản phẩm thì gửi khiếu nại đến các cơ quan chức năng để phối hợp kiểm tra, xử lý, nhằm bảo đảm các quyền lợi của người tiêu dùng.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật