Nguyễn Duy Châu (SN 1993, quê ở tỉnh Thanh Hóa) vợ là chị Ngô Thị Cẩm T. thuê phòng trọ ở quận 9, TP.HCM.
Năm 2019, do mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng nên vợ Châu nộp đơn ly hôn. Sau khi tòa án thụ lý vụ ly hôn, người vợ chuyển đến phòng trọ do bạn trai mới là anh Nguyễn Quốc T. bỏ tiền thuê, cách phòng trọ Châu ở khoảng 1km.
Theo tin tức trên Dân trí, tối 6/8/2019, Châu qua phòng trọ tìm vợ thì thấy một đôi dép nam ở ngoài cửa. Tức giận, Châu ra tiệm tạp hóa gần đó mua một con dao, giấu sẵn trong người.
Nguyễn Duy Châu tại phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh: Dân trí)
Quay trở lại phòng trọ của vợ, Châu nghe thấy chị này nói chuyện với anh T. Vì nghĩ rằng tình địch có thể dùng hung khí tấn công mình nên Châu rút dao chờ sẵn.
Khi anh T. vừa mở cửa phòng, Châu cầm dao xông tới đâm anh T. trọng thương. Anh T. cũng cầm dao đánh trả rồi bỏ chạy ra ngoài. Không dừng lại, Châu xông vào bên trong hành hung vợ khiến chị này tử vong tại chỗ.
Giết vợ xong, Châu đi ra ngoài, do cũng bị thương nên anh ta được người dân đưa đi cấp cứu. Ngày hôm sau, Châu bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi Giết người.
Ngày 25/9/2020, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Duy Châu tù chung thân về tội Giết người. Sau đó, bị cáo Nguyễn Duy Châu có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 7/1/2021, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo, giảm án từ chung thân xuống 20 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Duy Châu về tội Giết người.
Bị cáo tại phiên xử phúc thẩm. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Tuổi trẻ thông tin, hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm nhận định bị cáo Châu vì ghen tuông mà đâm chết vợ. Hành động của bị cáo mang tính chất côn đồ nên cấp sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội.
Tuy nhiên cũng cần xem xét thêm các tình giảm nhẹ, như bị cáo gây án trong trạng thái tinh thần bị kích động. Thời điểm xảy ra vụ án, giữa bị cáo và bị hại vẫn còn tồn tại hôn nhân hợp pháp nhưng bị hại đã công khai sống cùng người khác.
Do đó, cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Duy Châu.
Khi lật lại các vụ án mạng xuất phát từ Bi kịch Tình-Tiền, ĐS&PL không chỉ nhìn nhận tính nhân văn trong việc răn đe, phòng ngừa mà còn thấy sự phá án tài tình, những chiến công và hy sinh thầm lặng của lực lượng công an.
Việc phân tích chi tiết các vụ án không chỉ giúp nhận diện những động cơ tội ác, mà còn gửi một thông điệp mạnh mẽ về hậu quả của lòng tham vô đáy và sự bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích. Đây là cách để giáo dục cộng đồng về giá trị của sự công bằng, đồng thời cảnh báo những ai có ý định phạm tội về sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật mà họ có thể phải đối mặt.