Ngày 29/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce dẫn lời Ngoại trưởng Marco Rubio nói rằng đã đến lúc các bên đưa ra đề xuất cụ thể nhằm chấm dứt xung đột Ukraine.
"Nếu không có tiến triển, chúng tôi sẽ rút lại tư cách là bên hòa giải trong quá trình này", bà Bruce phát biểu.
Cùng ngày, tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhà ngoại giao Mỹ John Kelley đổ lỗi cho Nga về tình trạng leo thang giao tranh. "Hiện tại, Nga có cơ hội lớn để đạt được nền hòa bình lâu dài", ông Kelley nói, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng chấm dứt chiến tranh nằm ở Nga và Ukraine.
Hiện Kiev và Moscow được cho là đang tìm cách chứng minh với ông Trump rằng họ đang đạt được tiến triển hướng tới mục tiêu đạt được thỏa thuận hòa bình nhanh chóng sau nhiều lần Mỹ đe dọa sẽ từ bỏ nỗ lực thúc đẩy hòa bình, nhưng tại Liên hợp quốc, cả hai đều đổ lỗi cho nhau vì tiếp tục giao tranh.
Trước đó một ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày vào tháng 5 để kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Liên Xô và các đồng minh trong Thế chiến II, một động thái dường như nhằm mục đích báo hiệu rằng Nga vẫn quan tâm đến hòa bình.
Tuy nhiên, cả Mỹ, Ukraine và các nước châu Âu đều muốn một lệnh ngừng bắn toàn diện ngay lập tức.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Ảnh: Getty
Trong diễn biến khác liên quan, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết: Các thành viên mới kết nạp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều được coi là đối thủ của lực lượng vũ trang Nga.
“Quy chế không liên kết trước đây đã mang lại cho họ một số đặc quyền nhất định, nhờ vị thế địa chính trị và nhiều yếu tố khác. Nhưng giờ đây, họ là mục tiêu lực lượng vũ trang của chúng tôi, bao gồm cả các cuộc tấn công trả đũa tiềm tàng hoặc các biện pháp phòng ngừa trong khuôn khổ học thuyết quân sự của chúng tôi”, ông Medvedev cho biết.
Ông Medvedev tự hỏi các quốc gia tham gia NATO sở hữu đặc quyền an ninh gì. "Họ chỉ đơn giản là tự đưa mình vào tầm ngắm của lực lượng vũ trang Nga. Cuộc sống của họ có tốt hơn không? Không! Đây là những trò chơi chính trị", ông Medvedev khẳng định. Theo ông, hầu hết mọi người đều không hiểu điều này.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Mỹ khó có thể rút khỏi NATO dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, vì Washington sử dụng khối này như một công cụ.
“Chúng tôi chưa bao giờ đe dọa NATO, nhưng lực lượng vũ trang của chúng tôi sẵn sàng chiến đấu theo cách này hay cách khác. Lý do NATO sẽ tiếp tục tồn tại là vì Mỹ cần NATO. Chỉ thông qua NATO, Mỹ mới có thể theo đuổi chính sách của mình", ông Medvedev nói.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS
Vị quan chức nhấn mạnh rằng bất kỳ nỗ lực nào trong tương lai của Ukraine nhằm gia nhập NATO đều sẽ không được Mátxcơva chấp nhận. Ông tuyên bố Nga sẽ không dung thứ cho việc Ukraine gia nhập bất kỳ liên minh quân sự nào ủng hộ trật tự thế giới đơn cực. "Chúng ta nên làm mọi cách để ngăn chặn điều này xảy ra".
Ông Medvedev chỉ ra rằng, Liên minh châu Âu đang suy thoái nhanh chóng, và có khả năng mất đi vị thế là một thực thể quốc tế độc lập trong tương lai gần. “Đó là lý do vì sao chúng tôi đang giao tiếp với Mỹ, cùng các đối tác chính khác của chúng tôi”, ông Medvedev nói.