Lê Văn Hảo (SN 1992, trú tại thôn 6, Kim Bôi, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) là con của bà chủ bán thịt lợn ngay trước nhà chị D.T.H.N (SN 1993, trú tại Dốc Ga, phường Phú Sơn, TP.Thanh Hóa). Chị D.T.H.N là sinh viên khoa mầm non, một trường đại học ở Thanh Hóa.
Lê Văn Hảo 3 lần bị Công an xã Đông Thanh phạt hành chính cảnh cáo về hành vi đánh người gây thương tích và trộm cắp tài sản.
Năm 2012, Hảo bị đưa vào cơ sở giáo dục Hoàn Cát (Quảng Trị) và mới chấp hành xong hình phạt vào cuối năm 2013.
Sau khi cải tạo trở về, Hảo thường lui đến giúp mẹ rồi tán tỉnh, mang lòng yêu chị D.T.H.N.
Ngày 16/9/2014, chị D.T.H.N tổ chức sinh nhật tại quán karaoke và mời bạn bè đến dự. Khi Hảo đến thì thấy chị D.T.H.N đang cầm bánh sinh nhật chụp ảnh cùng bạn trai, Hảo nổi máu ghen tuông và bỏ về.
Theo tin tức trên Dân trí, vào khoảng 9h ngày 22/9/2014, Hảo hẹn chị D.T.H.N đến quán karaoke H.Q (số 45, đường Phạm Ngũ Lão, phường Quảng Hưng, TP.Thanh Hóa) hát karaoke.
Trong lúc hát, thấy chị D.T.H.N liên tục dùng điện thoại nhắn tin, Hảo tức giận, ghen tuông và có ý định đánh chị này.
Đến 11h, Hảo về nhà anh họ lấy 2 con dao quay lại quán hát.
Đến khoảng 16h15 cùng ngày, chị D.T.H.N có điện thoại nhưng không nghe máy mà chào Hảo ra về, Hảo nghi ngờ người yêu chị D.T.H.N gọi nên nổi cơn ghen rồi đi theo chị xuống tầng 1 và bất ngờ dùng hung khí tấn công chị N., khiến nạn nhân tử vong.
Gây án xong, Hảo vứt hung khí tại hiện trường rồi bỏ trốn. Khoảng 20h30 cùng ngày, Hảo được người thân đưa đến Công an TP.Thanh Hóa đầu thú.
Trong giờ nghị án, kẻ máu lạnh vẫn dặn người thân dù án chung thân hay tử hình đều không cần phúc thẩm. (Ảnh: Dân trí)
Sáng 15/1/2015, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động tại UBND phường Quảng Hưng đối với bị cáo Lê Văn Hảo tội danh Giết người.
Phiên xét xử lưu động gây được sự chú ý của dư luận nên người dân kéo đến xém kín cả hội trường. Hai người mẹ thân sinh ra kẻ giết người và bị hại liên tục gào khóc tại tòa.
Theo báo Người lao động, tại tòa, Hảo thừa nhận hành vi do ghen tuông nên giết chết chị D.T.H.N. Tuy nhiên hắn ta không thừa nhận việc thủ sẵn dao trong người để giết chị D.T.H.N mà là để “phòng thân”.
Kẻ giết người không tỏ ra ăn năn và trả lời rõ ràng, rành mạch hành động sát hại chị D.T.H.N như thế nào.
Trong giờ nghị án, Hảo còn nói với anh trai của mình rằng không ân hận: “Dù có chung thân hay tử hình thì đừng có đi phúc thẩm. Nếu tử hình thì đây là lần cuối được gặp em, còn nếu chung thân thì để em đi trại. Em nói dứt khoát một lời thôi, có phúc thẩm em cũng không ra”.
Khi bị dẫn giải rời phiên tòa về nơi giam giữ, Hảo còn mìm cười chào người thân trong gia đình.
Với hành vi giết người dã man, cùng với những tình tiết tăng nặng của mình, Lê Văn Hảo đã bị HĐXX tuyên phạt với mức án cao nhất “tử hình”, đồng thời phải bồi thường cho gia đình nạn nhân gần 130 triệu đồng.
Bản án nghiêm minh, tương xứng với hành vi giết người, xâm phạm đến quyền sống của con người và gây ra những đau khổ không thể bù đắp cho nạn nhân và gia đình họ. Bản án tử hình là thích đáng, nghiêm khắc để răn đe, trừng phạt những kẻ phạm tội và bảo vệ xã hội.
Khi lật lại các vụ án mạng xuất phát từ bi kịch Tình - Tiền, ĐS&PL không chỉ nhìn nhận tính nhân văn trong việc răn đe, phòng ngừa mà còn thấy sự phá án tài tình, những chiến công và hy sinh thầm lặng của lực lượng công an.
Việc phân tích chi tiết các vụ án không chỉ giúp nhận diện những động cơ tội ác, mà còn gửi một thông điệp mạnh mẽ về hậu quả của lòng tham vô đáy và sự bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích. Đây là cách để giáo dục cộng đồng về giá trị của sự công bằng, đồng thời cảnh báo những ai có ý định phạm tội về sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật mà họ có thể phải đối mặt.