Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bí ẩn ngôi đền mang bí mật hậu cung "có chết cũng không nói ra"

(DS&PL) -

Đền Cao (Hải Dương) nhiều sự linh thiêng huyền bí gắn với bí mật phía sau cánh cửa gian hậu cung và điều cấm kỵ "biết không được nói, không biết không được hỏi”.

Trong những ngày lễ hội, dù có giỗ chạp thì các "chức sắc" cũng không được thắp hương lên ban thờ gia tiên, thậm chí không được… ăn các món trên ban thờ nhà mình. Cũng thời gian này, họ phải ăn chay, tắm rửa sạch sẽ; khi làm lễ phải đội khăn, che miệng; đặc biệt “thuộc nằm lòng” quy tắc khi vào hậu cung thì bước chân phải trước, ra khỏi cung bước chân trái trước...

Ngũ Thần thờ trong đền

Đền Cao thuộc địa phận xã An Lạc, huyện Chí Linh (Hải Dương) nhiều sự linh thiêng huyền bí gắn với bí mật phía sau cánh cửa gian hậu cung và điều cấm kỵ “biết không được nói, không biết không được hỏi”.

Đền Cao được bao bọc bởi 54 cây lim cổ thụ hàng trăm năm tuổi xung quanh làm tăng thêm vẻ uy nghi cho ngôi đền cổ linh thiêng. Trong đó, cây lim thọ lâu nhất được cho là đã 800 năm tuổi, cao tới 20m. Mới đây, những cây lim này đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.

Đền không thờ tượng mà thờ bài vị của Thần. Vào ngày lễ hội, bài vị được mặc áo trông như người ngồi trên ngai, trải qua bao năm tháng mà bài vị vẫn mới tinh, dọc theo bài vị là hai dòng chữ Hán màu vàng, không một vết trầy xước.

Theo ngọc phả đền Cao, vào thời Đinh ở Nga Sơn (phủ Hà Trung - Thanh Hóa) có vợ chồng ông Vương Đức Tĩnh và bà Đào Thị Thanh sống với nhau đã lâu nhưng chưa có con nên quyết định đi tìm cuộc sống mới. Khi đến vùng đất này, thấy đây là vùng đất thiêng, bình yên, người dân thuần hậu ông bà đã ở lại sinh cơ lập nghiệp.

Mặc dù cuộc sống ngày càng giàu có nhưng ông bà ngày ngày không quên cầu trời khấn phật cho sinh quý tử. Rồi thần linh cũng thấu hiểu nỗi mong mỏi của ông bà nên đã ban phúc lành. Một đêm, bà đang tắm bên bến sông bỗng gặp gió lớn, sóng to ầm ầm như rồng hút nước, sau đó bà thụ thai. Đủ 9 tháng 10 ngày bà sinh liền một lúc 5 người con gồm 2 gái và 3 trai, đặt tên là Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu, Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng. Năm người lớn lên học hành tinh thông văn võ. Một hôm, ông bà về thăm quê hương bản quán, đến bến đò Thần Phù (Thanh Hóa) chẳng may gặp bão đắm thuyền và mất tại đó vào ngày mùng 6/3 Âm lịch.

Năm 981, quân Tống xâm lấn bờ cõi. Vua Lê Đại Hành truyền hịch đi khắp nơi cầu hiền tài ra phò vua cứu nước. Khi đó 5 anh em họ Vương đang mang tang song thân nên không dám về triều ứng thí. Đến khi nhà vua hành quân đi đánh giặc qua, thấy nơi đây địa thế hiểm yếu liền cho lập đồn trại đóng quân. Hàng ngày thấy những người con họ Vương đi ngang qua cửa doanh đồn, vua nhận thấy họ đều là những người tài năng nên liền cho thử tài và chiêu dụng, phong chức cho ba anh em trai là Quyền chưởng Trung Hoa tể đại tướng và phong cho hai chị em gái là Mẫu nghi chí tôn thiên hạ.

Sau khi nhận được tước phong, các ngài xin nhà vua cho được cầm quân đánh giặc. Khi ấy, 5 vị tướng cầm quân tiến đánh theo đường bộ, giáp chiến một trận vô cùng ác liệt khiến giặc thua to phải bỏ chạy. Giữ vững được bờ cõi Đại Việt, vua cho mở tiệc khao thưởng quân sĩ và nhân dân. Nhà vua dẫn quân về kinh thành còn 5 ngài xin ở lại mãn tang cha mẹ sẽ về sau.

Không ngờ ý trời linh hóa, đêm hôm đó trời đất tối tăm mù mịt, mưa gió ầm ầm, 5 ngài đều thăng hóa về trời (đêm 24 tháng Giêng Âm lịch). Sáng hôm sau trời đất lại trong sáng trở lại, dân kéo đến xem thì đã thấy mối đất đùn thành những ngôi mộ lớn. Người dân liền lập sớ dâng lên triều đình.

Nhà vua nghe tin vô cùng thương tiếc những bậc quân thần có công với đất nước, liền sai quan triều đình về làm lễ phúng viếng và phong mỹ tự cho 5 ngài: Vương Thị Đào được phong là “Đào hoa trinh thuận công chúa”, Vương Thị Liễu là “Liễu hoa linh ứng công chúa”, Vương Đức Minh là “Thiên Bồng đại tướng quân đại vương”, Vương Đức Xuân là “Dực thánh linh ứng đại vương”, Vương Đức Hồng là “Anh vũ dũng lược đại vương”. Năm vị được nhân dân tôn là “Thượng đẳng phúc thần” và đã xây dựng đền thờ phụng.

Ngôi mộ của các vị tướng quân họ Vương. Ảnh: K.P

Những điều luật kỳ lạ

Chúng tôi đến đền Cao lúc trời đã về chiều, gửi xe tại một quán nước dưới chân đền. Một cụ bà phúc hậu, tóc bạc trắng mời mua hương và không quên dặn dò chúng tôi những điều kiêng kị khi lên đền.

Con trai cụ mang ra cho chúng tôi hai loại hương: 9 nén màu đen và 18 nén màu vàng. Tôi hỏi: “Cụ ơi, sao lại phải thắp hai loại hương?”. Bà cụ giải thích: “Bên ngoài đền du khách thắp hương nào cũng được, tôi bán cho các anh chị 18 nén màu vàng là đủ thắp các bát hương bên ngoài. Còn bên trong đền thì bắt buộc phải thắp hương đen. Tất cả du khách đến đây chỉ cần hỏi mua hương thì chúng tôi sẽ bán cho số hương đủ để thắp lên tất cả các bát hương bên trong và bên ngoài đền, chúng tôi đã sắp sẵn số nén hương vào thành một bó”.

Hỏi chuyện cụ bà, chúng tôi được biết, sở dĩ trong đền chỉ được thắp hương đen vì khi 5 vị tướng quân họ Vương giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân xâm lược Tống và được phong tước hiệu, khi đó 5 Ngài vẫn chưa mãn tang cha mẹ. Do vậy, tục thắp hương đen trong đền tượng trưng cho 5 vị mặc quần đen, áo đen để tang cha mẹ, thể hiện lòng chí hiếu của con cái.

Một cụ cao niên sống tại xóm Đại, xã An Lạc cho biết, theo phong tục địa phương từ ngàn năm nay, mỗi năm đến ngày lễ hội thì làng phải bầu ra một "quan trùm" và bốn "quan đám". Bốn "quan đám" phụ trách việc lễ tế ở bốn ngôi đền trong quần thể đền Cao, còn "quan trùm" thì phụ trách chung mọi việc. Đã có hàng chục năm liên tục được làng bầu làm những “chức sắc” này và năm nay được “phong” làm “quan trùm” không ngõ ngách nào trong ngôi đền này cụ không biết, nhưng riêng những “bí mật” sau cánh cửa hậu cung thì cụ cao niên này “có chết cũng không nói”.

Điều cấm kỵ đầu tiên mà các "quan trùm, quan đám" phải tuân thủ là có trách nhiệm mỗi tháng phải hai lần vào hậu cung dọn dẹp và biết được một phần cảnh trí trong đó. Thế nhưng trong suốt thời gian còn giữ “chức”, họ phải tuân theo “luật” “có biết cũng không nói, tò mò không biết thì cũng không hỏi” và sau này dù có còn giữ “chức” hay không thì những gì đã được nhìn thấy trong hậu cung thì cũng “sống để bụng, chết mang đi”. Vì thế mà cho đến giờ, trong hậu cung của đền Cao có những bí mật gì vẫn là điều bí ẩn.

Phong tục kỳ lạ này còn ràng buộc những vị chức sắc chấp hành quy định cực kỳ ngặt nghèo khác. Trong những ngày lễ hội, dù có giỗ chạp thì các “chức sắc” cũng không được thắp hương lên ban thờ gia tiên, thậm chí không được… ăn các món trên ban thờ nhà mình. Cũng thời gian này, họ đều phải ăn chay, tắm rửa sạch sẽ; khi làm lễ phải đội khăn, che miệng; đặc biệt “thuộc nằm lòng” quy tắc khi vào hậu cung thì bước chân phải trước, ra khỏi cung bước chân trái trước.

Theo người dân địa phương, đền Cao là niềm tự hào của tất cả mọi người nơi đây bởi sự linh thiêng và huyền bí gắn liền với nhiều sự kiện của dân làng trải theo chiều dài của lịch sử.

Từ những năm khi thực dân Pháp xâm lược, vùng đất này luôn là nơi bị giặc càn quét và có những đêm từ bên kia sông, giặc bắn sang hàng trăm quả đại bác nhưng chưa từng một quả đạn nào rơi vào khu vực đền Cao. Đó là lý do khiến ngôi đền có tuổi thọ hàng ngàn năm mà vẫn giữ nguyên được bài vị thờ Thần, ngọc phả và 12 đạo sắc phong từ thời tiền Lê để lại.

Tin nổi bật