(ĐS&PL) - Suốt mấy chục năm qua, người dân xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vẫn thường rỉ tai nhau về câu chuyện bí ẩn ở ngôi đền Song Đồng Ngọc Nữ cứu vớt xác chết trôi sông.
Rất nhiều gia đình có người thân bị chết đuối đã đến đền thắp hương, cầu khấn xin tìm thấy xác để đưa về mai táng. Một điều kỳ lạ là hầu như những người đến đây khấn vái đều tìm thấy xác người nhà đuối nước nổi lên ở khúc sông dưới chân đền. Và qua thực tế còn có những câu chuyện nhuốm màu sắc tâm linh xung quanh ngôi đền khiến cho người dân nơi đây ai cũng phải tôn thờ.
Lạ kỳ ngôi đền níu xác người
Đền Song Đồng Ngọc Nữ tọa lạc trên một ngọn núi cao, ven bờ sông Con, thuộc xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Nó nằm ở địa thế tuyệt đẹp tọa lạc trên đỉnh núi Vực Lồ quay mặt về hướng Tây - Bắc. Phía trước là dãy núi hình “Hổ phục”; phía trên là đám mây trắng có hình “Rồng chầu” xuống đền; phía dưới là dòng sông Con làm yếu tố minh đường.
Xung quanh ngôi đền có nhiều cây đại thụ tạo nên sự linh thiêng. Ông Nguyễn Xuân Đôn (79 tuổi), người trông coi ngôi đền này cho biết: “Khi tôi còn nhỏ đã thấy đền hai bà sừng sững trên núi rồi. Không ai biết chính xác ngôi đền bao nhiêu tuổi, nhưng theo các cụ kể lại đền Song Đồng Ngọc Nữ khoảng hơn 300 tuổi”.
Cụ Đôn cho biết, mỗi khi có người chết đuối không tìm thấy xác họ lại đến đây thắm hương cầu khấn mong tìm được xác người thân. Một điều kỳ lạ là hầu như ai đến cầu xin cũng tìm được thi thể người thân của mình. Cho đến nay, ngôi đền đã “giúp” tìm được hàng trăm xác chết đuối trên sông. Riêng cụ Đôn trực tiếp vớt được hơn 50 xác chết nổi trước cửa đền.
Cụ Đôn kể chuyện về ngôi đền linh thiêng. |
Người dân địa phương kể lại, cách đây vài năm, trong làng có hai anh em trai khoảng 10 tuổi đi chăn trâu, xuống tắm sông rồi chẳng may bị chết đuối. Nước sông khá sâu, chảy xiết nên dù rất cố gắng nhưng dân làng không tìm được xác. Gia đình hai cậu bé đã thuê cả thợ lặn về tìm nhưng mấy ngày trời vẫn “bặt vô âm tín”. Bố mẹ và người thân của nạn nhân khóc lóc rất thảm thiết, tâm nguyện của họ chỉ mong tìm được xác con để về an táng.
Nghe theo lời khuyên của dân làng, họ đã mua lễ vật đưa lên đền Song Đồng Ngọc Nữ thắp hương khấn vái, nhờ thần đền chỉ xác con để gia đình đưa về chôn cất. Đêm hôm đó, ông Đôn và một nhóm thanh niên trong làng đứng ở sông để tìm xem xác của hai bé trai xấu số trên có nổi lên không. Vào khoảng 12 giờ đêm, bỗng mọi người nghe thấy có vật gì đó lăn từ trên đền rơi “tõm” xuống sông. Thấy tiếng động lạ, họ vội vàng cầm đèn xuống chỗ phát hiện ra tiếng động thì thấy xác của một trong hai anh em nổi lên ở đó…
Khoảng vài tiếng đồng hồ sau, họ bỗng nghe tiếng quạ kêu thất thanh phía trên ngọn núi. Một lần nữa, mọi người chia nhau đi dọc con sông tìm kiếm thì thấy thi thể của cậu em cũng nỗi lên. Sau khi đã chôn cất hai bé trai, những người thân vội làm một lễ vật lên đền thắp hương “tạ ơn hai bà giúp đỡ”.
Tiếp đó là một nam thanh niên ở huyện Nghĩa Đàn bị lũ cuốn trôi cũng có sự trùng hợp kỳ lạ. Gia đình thanh niên này tìm kiếm mấy ngày trời vẫn không thấy xác. Nghe đồn đền Song Đồng Ngọc Nữ linh thiêng, họ cũng đến thắp hương cầu xin. Chẳng biết do lời cầu khấn linh nghiệm hay chỉ là sự trùng hợp, mà chỉ vài tiếng sau, thi thể thanh niên nọ nổi lên phía dưới chân ngôi đền.
Tiếng lành đồn xa, trong nhiều năm qua cứ hễ có người chết đuối không tìm thấy xác, người thân của họ đều tìm về thắp hương cầu xin ở đền Song Đồng Ngọc Nữ. Nhưng một điều khiến người dân ở đây thấy lạ là không hiểu sao, các xác chết của trâu, bò, lợn, gà… thì đều cho qua, nhưng xác người thì được giữ lại dưới chân đền này. Theo người dân nơi đây, kể từ khi có đền Song Đồng Ngọc Nữ có hàng trăm xác trôi sông được tìm thấy ở khúc sông chân cầu.
Sự tích kỳ ảo về ngôi đền thiêng
Cụ Đôn kể: “Theo truyền thuyết của làng thì ngày xưa nơi đây là vùng đất hoang vu cây cối rậm rạp, người dân sống thưa thớt. Thời đó, có rất nhiều thú rừng như hổ, báo…sinh sống. Một ngày nọ có hai chị em họ Trần trong làng khoảng 18 tuổi đi cắt cỏ ở khu vực này. Khi đang cắt cỏ hai chị em thấy cây thị ở cạnh sông rất sai quả nên liền leo lên cây hái xuống ăn. Không may cả hai chị em bị rơi xuống sông chết đuối. Lúc đó có một con hổ nhìn thấy, liền nhảy xuống sông kéo xác hai người lên bờ rồi bới một hố sâu vùi xác bên cạnh cây thị. Sau khi biết tin, gia đình và dân làng liền kéo nhau lên núi đưa xác hai cô gái xấu số về nhà an táng trong nghĩa trang của dòng họ.
Tuy nhiên, vừa chôn cất xong thì tối hôm đó con hổ lại tìm về rồi đưa xác họ đến chôn ở gốc thị trên núi. Người dân cho rằng, có lẽ thần linh muốn hai cô gái được an táng trên núi nên đành để nguyên mộ của họ trên đó. Họ xây một ngôi miếu để thờ cúng hai chị em. Sau đó câu chuyện đến tai nhà vua, ngài liền sắc phong ngôi đền là “Song Đồng Ngọc Nữ”.
Các cụ cao niên trong làng kể lại, theo lịch sử của làng hai chị em chết đuối là con gái của ông Trần Đình Kiên, đời thứ năm của dòng họ Trần ở xã Nghĩa Đồng. Người dân sống ở gần đền cũng cho rằng, thời kháng chiến chống Mỹ, bom đạn của Mỹ thường xuyên ném bom ở khúc sông này để ngăn không cho bộ đội ta chuyển lương thực vũ khí vào miền Nam. Nhưng tất cả bom đạn của kẻ thù đều rơi xuống sông chứ không có một quả bom nào rơi xuống ngôi đền.
Cụ Đôn cho biết, cụ làm nghề chèo đò hơn 20 năm tại bến sông, nên cụ cũng thường xuyên lên thắp hương trên ngôi đền để cầu cho những chuyến đò của mình được an toàn mỗi khi sang sông. Không hiểu nhờ ngôi miếu linh thiêng phù hộ hay do ông lái đò cẩn thận mà trong suốt mấy chục năm chèo đò ở bến sông chưa hề có một vụ tai nạn chìm đò nào, chính điều đó khiến cụ Đôn phải suy nghĩ.
Theo lời kể của ông Đôn, một buổi chiều ông cầm hương lên ngôi đền cầu khấn: “Nếu hai bà có linh thiêng thì mọc lên hai cây thị trước cửa đền để che bóng mát cho du khách đi ngang nghỉ ngơi. Tôi hứa sẽ xây lại đền để thờ hai bà”. Đúng hai tháng sau, trước cửa ngôi đền mọc lên một cây thị.
Thấy vậy, cụ đã quyết tâm phải xây lại ngôi đền có nhiều điều linh ứng. Năm 1990, ông lão chèo đò đó đã dùng toàn bộ tiền tiết kiệm trong nhiều năm của hai vợ chồng mua gỗ, gạch đá về xây lại đền. Vì không có tiền thuê thợ xây, hai cụ vận động 9 người con của mình cùng bố hàng ngày xây đền. Hằng ngày 10 cha con gánh đá dựng cột xây dựng còn vợ ông thì gánh cơm và thức ăn phục vụ mấy cha con. Cứ như vậy trong vòng nửa năm ngôi đền đã được xây xong. Một thời gian sau khi xây đền, cụ Đôn cũng nghĩ không làm nghề chèo đò nữa vì tuổi cao, sức yếu. Cụ dành nhiều thời gian làm thủ từ trông coi ngôi đền.
Gắn bó lâu với đền Song Đồng Ngọc Nữ, cụ cho biết: “Ngôi đền của hai bà rất linh thiên. Cách đây hơn 10 năm có gia đình hai vợ chồng sống trong làng tự ý lên lấy bức tượng ông tướng trong đền về đập lấy gạch xây nhà. Sau khi xây xong nhà, bỗng hai vợ chồng lăn ra ốm, đi khám ở bệnh viện bác sĩ cho biết họ bị ung thư, chỉ vài tháng sau thì chết. Thấy vậy, người dân trong làng đều cho rằng vợ chồng nhà này bị thần linh trừng phạt vì tội dám mạo phạm đền thiêng. Từ đó không ai còn dám lên phá phách hay ăn trộm các đồ vật trong đền nữa”.
Ngôi đền thiêng đang được trùng tu sửa chữa. |
Ngoài ra, ngôi đền này còn là nơi nhiều người dân tìm đến cầu phúc, cầu duyên, cầu tự…Có trường hợp một đôi vợ chồng ở thị xã Thái Hòa lấy nhau hơn 10 năm nhưng không có con. Nghe đồn ở xã Nghĩa Hợp có ngôi đền linh thiêng họ liền vượt 50 km xuống thắp hương cầu khấn. Sau đó mấy tháng, người vợ bỗng mang thai, sau 9 tháng 10 ngày chị sinh hạ một bé trai rất bụ bẫm. Gia đình nhỏ vô cùng mừng rỡ và hạnh phúc, họ liền sắp lễ vật lên đền tạ ơn.
Ông Trần Đình Trọng (57 tuổi) đời thứ 17 của dòng họ Trần cho biết: “Hiện dòng họ chúng tôi, đã đến bàn bạc với cụ Đôn để tôn tạo xây dựng lại ngôi đền được khang trang hơn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách thập phương có nơi nghỉ ngơi dâng hương ở ngôi đền. Chúng tôi không có ý định trục lợi gì ở đây, vì họ đến với đền với lễ vật ít tiền và xuất phát từ cái tâm mà thôi”.
Có thể là sự trùng hợp
Trao đổi với chúng tôi về những câu chuyện linh thiêng của ngôi đền này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hợp cho biết: “Ngôi đền Song Đồng Ngọc Nữ có lịch sử lâu đời ở địa phương. Hàng năm, người dân địa phương cũng như người dân đến đây dâng hương cầu may tại ngôi đền này. Đặc biệt là những gia đình có người thân chết đuối thường đến để cầu xin thần thánh. Một điều thật trùng hợp hầu như những người đến đây cầu xin đều tìm thấy được xác dưới chân đền. Tuy nhiên, về việc ngôi đền có khả năng tìm được xác người chết đuối thì không ai dám khẳng định chắc chắn. Đây cũng có thể cũng có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi”.
Hà Hằng