Bệnh lạ từ Mặt Trăng?
Hơn 50 năm trước, để nắm bắt cơ hội trong cuộc đua chinh phục không gian, đặc biệt sau khi Liên Xô liên tục phóng các tàu thăm dò lên Mặt Trăng, Mỹ đã tiến hành 6 sứ mệnh hạ cánh (từ Apollo 11 đến Apollo 17) để đưa người lên hành tinh này. Trong đó, 12 phi hành gia Mỹ đã trực tiếp đặt chân lên Mặt Trăng. Các cuộc đổ bộ này đã thực hiện nhiều nghiên cứu trên bề mặt và thu thập mẫu đất từ Mặt Trăng để mang về Trái Đất, phục vụ nghiên cứu sâu hơn.
Sau khi trở về, các phi hành gia tham gia sứ mệnh báo cáo rằng họ mắc phải một "bệnh lạ" với các triệu chứng như nghẹt mũi và hắt hơi nghiêm trọng. Căn bệnh này kéo dài trong vài tuần trước khi biến mất.
Eugene Cernan trên tàu Apollo 17 phủ đầy bụi mặt trăng. Ảnh: NASA
Nghiên cứu sâu hơn đã giúp các nhà khoa học phát hiện ra nguyên nhân: lớp bụi trên Mặt Trăng. Bụi Mặt Trăng là các hạt mịn nằm trên bề mặt của hành tinh. Nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy rằng việc tiếp xúc với loại bụi này có thể gây tổn thương cho tế bào phổi. Khi phi hành gia bước ra khỏi module, dù được bảo vệ bởi bộ đồ không gian, bụi Mặt Trăng vẫn bám vào người họ. Điều này xảy ra do sự khuấy động của module khi hạ cánh và các chuyển động của phi hành gia trên bề mặt.
Khi trở lại module, bụi đã lơ lửng trong không gian và thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp do không được bảo vệ bởi bộ đồ vũ trụ. Các phi hành gia nhớ lại rằng không khí có mùi khó chịu giống "thuốc súng," thực chất là mùi của bụi Mặt Trăng. Loại bụi này cực kỳ mịn, thậm chí nhỏ hơn cả bụi PM2.5, và khi xâm nhập vào đường hô hấp, nó có thể gây ra các triệu chứng bệnh lý.
Các phi hành gia lên mặt trăng trở về gặp phải vấn đề hô hấp. Ảnh minh họa: NASA
Bụi Mặt Trăng từ đâu mà có?
Theo các nhà khoa học, do Mặt Trăng không có khí quyển và trải qua các hoạt động địa chất kéo dài, kết hợp với sự va chạm của thiên thạch, đá Mặt Trăng đã bị phân hủy thành các hạt bụi mịn. Thêm vào đó, gió Mặt Trời cũng góp phần làm mài mòn và phân tán các hạt bụi này. Do trọng lực yếu trên Mặt Trăng chỉ bằng 1/6 so với Trái Đất, bụi dễ dàng lơ lửng khi bị kích động bởi hoạt động của tàu vũ trụ và phi hành gia.
Phi hành gia Harrison Schmitt từng tham gia sứ mệnh Apollo 17 mô tả hiện tượng này là "lunar hay fever." Kim Prisk, một chuyên gia từ Đại học California và là thành viên nghiên cứu của ESA, chia sẻ: "Chúng tôi chưa đánh giá được mức độ nguy hiểm thực sự của bụi này và đang tiếp tục nghiên cứu để ước lượng rủi ro trong các sứ mệnh tương lai."
Bụi Mặt Trăng có chứa silicate, một chất được tìm thấy tại các vùng có hoạt động núi lửa. Trên Trái Đất, thợ mỏ thường mắc bệnh bụi phổi silic do tiếp xúc với silicate. Tuy nhiên, không giống như các hạt bụi bị mài mòn bởi gió và nước trên Trái Đất, bụi Mặt Trăng có cấu trúc sắc nhọn và chịu tác động từ bức xạ Mặt Trời, làm tăng nguy cơ gây tổn thương khi hít phải.
Trên Mặt trăng, trọng lực thấp nên các vật chất nhỏ lại tồn tại lâu hơn, sâu hơn trong phổi.
Hít phải bụi Mặt Trăng có thể gây tổn thương phổi và não nếu tiếp xúc lâu dài, theo các nhà khoa học. Đây là một vấn đề đáng lo ngại đối với các phi hành gia, đặc biệt là những người tham gia sứ mệnh trong tương lai.
Nhiều quốc gia hiện đang chú trọng đến vấn đề này, tiến hành các nghiên cứu mô phỏng và thử nghiệm để hiểu rõ hơn về cơ chế, độ bám dính và mức độ nguy hiểm của bụi Mặt Trăng, nhằm bảo vệ sức khỏe tối đa cho phi hành gia trong các sứ mệnh sắp tới.