“Con mong ước được sống, dù chỉ thêm 1 giờ…”. Ánh mắt em van nài khẩn khoản, tay phải đang truyền dịch, tay trái cố bấu víu thành giường để ngồi dậy, không đủ sức làm em chới với ngã nhào xuống giường.
Lời nói thều thào đẫm nước mắt trên là của em Vũ Công Tú, xóm 8, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tú là con thứ hai trong gia đình thuần nông nghèo khó có ba anh em. Cuối năm 2011, khi Tú đang học lớp 4, bắt đầu xuất hiện những vết xuất huyết dưới da, rồi chảy máu chân răng ngày càng nặng hơn. Sau khi khám ở bệnh viện huyện, Tú được chuyển ngay ra Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Tại đây, các bác sĩ kết luận, Tú bị ung thư máu (Lơxêmi thể L2). Kể từ đó, Tú phải nghỉ học và tiếp tục điều trị tại viện. |
Tính mạng của em Vũ Công Tú (12 tuổi) đang rất nguy kịch |
Bố Tú mất sau cơn đột quỵ đột ngột không kịp trăng trối gì, mẹ em phải xoay sở làm đủ thứ việc, từ bán rau lợn, cấy gặt thuê, phụ hồ… lo tiền thuốc men cho Tú và nuôi ba anh em. Thương mẹ phải cật lực làm việc lo cho cả nhà, nên từ lâu Tú đã phải một mình bắt xe từ Nghệ An ra Viện huyết học truyền máu Trung ương để điều trị căn bệnh ung thư máu. Phải thật nghị lực lắm cậu bé 12 tuổi nặng 23kg mới có thể sống và chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác suốt 3 năm. “Bố con đã mất rồi, mắc bệnh này con biết trước sau gì con cũng sẽ chết, nhưng con mà chết bây giờ thì mẹ con chắc không sống nổi…”. Nghe em nói lòng tôi như thắt lại, quay mặt đi giấu vội giọt nước mắt. Thì ra Tú khát khao được sống dù chỉ thêm 1 giờ là vì mẹ, em sợ khi em nằm xuống mẹ em sẽ không chịu được nỗi đau mất em. |
Rất thích đọc truyện nhưng bệnh đang diễn biến xấu nên cậu bé luôn buồn phiền
|
Chị Nguyễn Thị Tấn, mẹ một bệnh nhân cùng phòng Tú cho biết: “Đã vào đây ai cũng khổ, nhưng hoàn cảnh của Tú là khổ nhất, bố mất, mẹ phải chạy vạy vay mượn mãi mới có ít tiền cho Tú nhập viện. Tú đi nằm viện có 1 mình nên ai cũng rất thương. Nhưng cũng chẳng thể giúp được gì nhiều ngoài việc rót cho Tú cốc nước, chia sẻ một phần cơm và giặt hộ bộ quần áo”. Người đàn bà khắc khổ mặt bơ phờ mệt mỏi, ngồi nép dưới cuối giường bệnh là chị Đinh Thị Hiên, mẹ của em Tú. Chị vừa từ Nghệ An ra sau khi được bác sĩ thông báo bệnh tình của Tú đang có diễn biến xấu. Thương con lắm nhưng chị Hiên chẳng biết làm thế nào được, chồng đã mất nên một mình chị phải chạy vạy tiền thuốc men cho Tú, rồi còn một con trai đang học lớp 9 và một bé gái 5 tuổi. |
Ra Hà Nội với vỏn vẹn 250.000 đồng trong túi nên chị Hiên nhịn đói để cho con có suất cơm tử tế một chút |
Chị đã chẳng quản ngày đêm, làm biết bao công việc nhưng vẫn không thể lo đủ được tiền thuốc men cho Tú. Nhiều lần để có tiền cho Tú đi viện, chị Hiên đã phải gõ cửa từng nhà trong xóm vay từ chục ngàn lẻ, đến giờ tổng số nợ của chị đã lên đến gần 200 triệu. “Khổ quá trời ơi! Tất cả là tại mẹ, mẹ không lo được tiền đi viện cho con nên bệnh của con mới ngày càng nặng như vậy …”, chị Hiên khóc nức nở ôm chặt Tú đang mê man vì sốt.
Chẳng thể nào trách được người mẹ nghèo khó tội nghiệp của Tú được, trong khi để bắt xe từ Nghệ An ra chị phải xuống ông ngoại nhờ ông đi vay được 250.000 đồng ra với con. Nói về những ngày tiếp theo, ánh mắt chị đờ đẫn, thất thần chẳng biết tính sao khi trong túi chỉ còn tám ngàn lẻ, chẳng đủ cho bữa cơm tối nay của 2 mẹ con. |
Nỗi đau đớn của người đàn bà có chồng mất sớm, con bị ung thư máu đang hết sức nguy kịch mà tiền thì không xu dính túi |
Bác sĩ Vũ Hồng Nhung (công tác tại Viện huyết học Trung ương) cho biết: “Hoàn cảnh gia đình Tú rất khó khăn, nên các y bác sĩ ở viện đều rất quan tâm và giúp đỡ. Đợt điều trị này, cơ thể Tú không đáp ứng với thuốc, các tế bào ung thư phát triển nhanh, dễ dẫn đến suy đa phủ tạng. Cơ hội sống của Tú rất mong manh, không thể nói trước được điều gì. Hiện tại Tú phải được điều trị rất tích cực, chi phí rất tốn kém…” Chiều nay chúng tôi vào thăm Tú, thấy em đang co ro trong chiếc chăn mà người toát vã mồ hôi. Gạt nước mắt, chị Hiên nói, Tú vẫn đang bị sốt cao trên 40 độ, bệnh tình của Tú hiện rất nguy kịch, bác sĩ bảo không đoán trước được điều gì. Rồi chị lấy tay bưng mặt khóc: “Con nói muốn ăn mực, chỉ cần nghĩ đến mực là con lại chảy nước miếng, nhưng đến suất cơm giờ em cũng không mua nổi nói gì đến mua mực cho con…”.