(ĐSPL) - Đúng 7h sáng nay (20/5), xe chuyên dụng chở bầu Kiên và đồng phạm tới TANDTP Hà Nội. Bầu Kiên mặc sơ mi trắng, dáng vẻ điềm tĩnh, sẵn sàng hầu toà.
Clip: Những hình ảnh mới nhất phiên tòa xử vụ Bầu Kiên và đồng phạm
14 h toà sẽ tiếp tục làm việc
11h15: Tòa chấm dứt phần thủ tục và tạm nghỉ.
11h00: Tòa tiếp tục làm việc.
Những người không đến, tòa sẽ tiếp tục triệu tập trong những ngày sắp tới.
Đối với những người mà luật sư và bị cáo Nguyễn Đức Kiên yêu cầu triệu tập, Tòa sẽ xem xét triệu tập sau nếu cần.
Luật sư đề nghị xem xét nguyên đơn dân sự là Cty cổ phần Thép Hòa Phát và ngân hàng ACB. Đối với Cty Thép Hòa Phát, có 2 đơn yêu cầu bồi thường dân sự nên Cty này là nguyên đơn dân sự là đúng.
Đối với ngân hàng ACB, Tòa xác định ngân hàng này là nguyên đơn dân sự. Trong quá trình xét xử, nếu xác định ngân hàng này không phải nguyên đơn dân sự thì sẽ điều chỉnh sau.
Thẩm quyền được tiếp xúc với người nhà của bị cáo Kiên, là trách nhiệm của phía công an, đề nghị thực hiện đúng.
Bị cáo đề nghị được nhận văn bản pháp luật, đây là yêu cầu chính đáng.
Việc vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá, căn cứ vào đơn của ông Giá và thông báo của bệnh viện, HĐXX thấy rằng, ông Giá đang bị bệnh hiểm nghèo nên quyết định tạm đình chỉ đối với ông Giá.
10h30: HĐXX tạm nghỉ giải lao
10h10': Bầu Kiên lên tiếng yêu cầu triệu tập 3 cơ quan có liên quan đến hoạt động của các công ty của ông, trong đó có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thông qua luật sư, bầu Kiên cũng yêu cầu bổ sung thêm 2 người là đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI do những vấn đề trong vụ án này liên quan đến hàng nghìn doanh nghiệp trong cả nước
Bị cáo này cũng yêu cầu triệu tập bà Phạm Chi Lan, người đã tham gia soạn thảo luật doanh nghiệp làm nhân chứng (Chứ không phải người liên quan).
Bầu Kiên: "Tôi khẳng định tôi không vi phạm pháp luật, đề nghị HĐXX cung cấp các văn bản pháp luật của luật sư, hết phiên tòa tôi sẽ trả lại vì không có văn bản tôi không trình bày đầy đủ rõ ràng được. Tôi thấy trong hồ sơ thiếu rất nhiều các văn bản quan trọng có lợi cho tôi. .... Tôi yêu cầu ông Trần Xuân Giá có mặt là tốt nhất..."
9h30 phút: Việc vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá không ảnh hưởng đến việc xét xử, đề nghị tòa xem xét ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Giá.
8 giờ 25 phút: Bầu Kiên được dẫn giải vào phòng xử. Bầu Kiên mặc áo sơ mi trắng, quần đen, chân đi dép quai hậu đen và không còn bị cùm, nhưng tay vẫn bị còng.
|
Xe chở các bị cáo đến toà. |
Phiên toà sơ thẩm được mở lại lần này dự kiến kéo dài đến hết ngày 6/6. Trước đó, phiên toà ngày 16/4 xét xử bầu Kiên và đồng phạm đã bị hoãn sau nửa ngày xét xử.
Trước đó, một hàng rào an ninh bao gồm nhiều cảnh sát, dân phòng, CSGT, cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã được bố trí xung quanh Toà án nhân dân TP Hà Nội để bảo đảm an toàn mọi mặt cho phiên toà xét xử đại án này.
|
Bầu Kiên mặc sơ mi trắng, điềm tĩnh hầu toà. |
Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội, thẩm phán thứ hai là ông Nguyễn Quốc Thành - Phó Chánh tòa hình sự.
Thẩm phán dự khuyết có ông Nguyễn Xuân Hùng và bà Phan Thanh Huyền.
Người giữ quyền công tố tại tòa là ông Đào Thịnh Cường và bà Đỗ Thị Thu Yến.
Kiểm sát viên dự khuyết là ông Nguyễn Sinh Sáng và bà Nghiêm Ngọc Hương.
Trong phiên sơ thẩm lần này, Tòa đã cho triệu tập 82 đơn vị và các cá nhân là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Trong số các cá nhân được triệu tập đến tòa có Huỳnh Thị Huyền Như, bà Thị Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên...
Bà Đặng Thị Ngọc Lan mặc áo hoa, vẫn giữ được dáng vẻ đài các, gương mặt trang điểm nhẹ.
|
Bà Đặng Thị Ngọc Lan, vợ bầu Kiên, vẫn đẹp mặn mà. |
Còn Huỳnh Thị Huyền Như gầy hơn so với hôm dự phiên toà xét xử bầu Kiên và đồng phạm lần trước.
|
Huỳnh Thị Huyền Như dáng vẻ mệt mỏi. |
Ngoài ra, TAND TP Hà Nội còn cho mời đại diện Ngân hàng Nhà nước; đại diện Vụ pháp chế và Vụ quản ký Đăng ký kinh doanh, Bộ KH-ĐT; đại diện Vụ pháp chế, Bộ Công thương; Tổng cục Thuế; Sở KH-ĐT Hà Nội, TP.HCM; đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Tòa cho mời ông Cao Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Tổng cục Thuế; ông Tống Quốc Đạt, Chánh Văn phòng Bộ KH-ĐT; ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ KH-ĐT; ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước; các bà Nguyễn Thị Phụng và Nguyễn Thị Lý, thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
Ông Lê Thanh Hải (Trưởng phòng pháp chế, người được GĐ ngân hàng ACB ủy quyền) có mặt với tư cách là người đại diện hợp pháp của ngân hàng ACB.
Bị cáo Trần Xuân Giá vẫn vắng mặt.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm:
Ông Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, nguyên Phó Chủ tịch HĐ sáng lập ACB) bị đưa ra xét xử về 4 tội: Kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" gồm:
- Ông Trần Xuân Giá (SN 1939, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)
- Ông Lê Vũ Kỳ (SN 1956, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)
- Ông Trịnh Kim Quang (SN 1954, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)
- Ông Phạm Trung Cang (SN 1954, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)
- Ông Lý Xuân Hải ( SN 1965, nguyên TGĐ Ngân hàng ACB)
- Ông Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng ACB)
2 bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm:
- Trần Ngọc Thanh (SN 1952, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)
- Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội).
Tiếp tục cập nhật.....