(ĐSPL) - Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức hợp tác cùng một doanh nghiệp khác làm "biệt thự bò" dài 45km dọc sông Hồng, sông Đáy và Châu Giang
Tại buổi ký kết hợp tác phát triển đàn bò sữa cho Hà Nam ngày 18/3, quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - Võ Trường Sơn cho biết, doanh nghiệp sẽ cùng Công ty Nutifood xây trạng trại mẫu nuôi bò sữa tại địa phương.
Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai sẽ mở các lớp tập huấn cho nông dân nuôi bò sữa về kỹ thuật, quy trình khoa học trong chăn nuôi. "Ngoài ra, với kinh nghiệm của mình công ty sẵn sàng hỗ trợ nông dân trong lựa chọn, nhập khẩu bò giống từ nước ngoài về để người dân có được những con giống tốt với chi phí hợp lý", ông Sơn nói.
Tập đoàn này đang nhập con giống từ Australia. Ông Sơn cho hay, mỗi lần doanh nghiệp thuê cả chuyến bay với sức chở khoảng 200 con. Do đó, nông dân có thể cùng thuê chung để đảm bảo số lượng hợp lý nhằm tiết giảm giá thành.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Nutifood cho biết, với việc xây dựng nhà máy sữa lớn nhất miền Bắc tại Hà Nam có công suất 200 triệu lít sữa nước, 31.000 tấn sữa bột mỗi năm, công ty cam kết thu mua toàn bộ lượng sữa bò của nông dân Hà Nam.
Theo Bí thư Hà Nam, hiện đàn bò sữa của tỉnh có chưa đầy 1.500 con, song 9 tháng tới, con số này sẽ đạt 3.000 con và đến 2020 sẽ tăng lên 8.000 con. Ông Dũng cho hay, với những cam kết từ hai doanh nghiệp lớn trong nuôi bò và chế biến sữa, tỉnh đã chọn nuôi bò sữa làm mô hình đột phá trong chiến lược công nghiệp hóa nông nghiệp.
Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức sẽ hợp tác cùng một doanh nghiệp khác làm "biệt thự bò" dài 45km dọc sông Hồng, sông Đáy và Châu Giang. |
|
Để tạo điều kiện cho người nuôi bò, ông Dũng hứa địa phương sẽ chuyển đổi đất trồng lúa, đất vùng cao kém hiệu quả sang trồng ngô, trồng cỏ.
"Chúng tôi sẽ tạo ra mối liên kết giữa người trồng trọt với người chăn nuôi chứ không nhất thiết người nuôi bò thì phải trồng cỏ hay ngược lại", ông nói.
Lãnh đạo tỉnh cũng cam kết giành 80\% nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng nông nghiệp cho mô hình này. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ lãi suất trong 15 tháng với nông dân nuôi bò sữa.
“Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch 45km dọc sông Hồng, sông Đáy và Châu Giang để làm ’biệt thự bò’. Tôi tin với sự hỗ trợ của Hoàng Anh Gia Lai và Nutifood, Hà Nam sẽ có được trang trại kiểu mẫu về nuôi bò sữa", ông Dũng lạc quan.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho biết, lần đầu nghe lãnh đạo Hà Nam nói về mô hình này, ông đã rất e dè vì nghĩ một tỉnh hẹp như Hà Nam thì không có đất phát triển đàn bò. Nhưng nhiều cuộc tiếp xúc với địa phương đã giúp ông tin đây là hướng đi đúng.
“Tôi hiểu điều này có nghĩa là người nuôi bò không còn lam lũ nữa. Thay vào đó, doanh nghiệp đưa khoa học công nghệ vào, tổ chức lại sản xuất, gắn kết nông dân với doanh nghiệp. Điều này giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông nghiệp bằng việc tạo ra những sản phẩm có quy trình như công nghiệp, mà ở đây là chất lượng một triệu lít sữa có chất lượng như nhau. Mô hình này là minh chứng cụ thể hóa chiến lược công nghiệp hóa nông nghiệp”, ông Lịch nói.
Chiều cùng ngày, Nutifood đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy sữa tại khu công nghiệp Kiện Khê, huyện Thanh Liêm (Hà Nam).
Dự án có mức đầu tư 1.600 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào quý III/2018 với công suất 200 triệu lít sữa nước, 31.000 tấn sữa bột mỗi năm.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng việc khởi công ngay trong ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho thấy quyết tâm của doanh nghiệp lẫn địa phương. “Hà Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn chứng tỏ địa phương là địa chỉ đáng tin cậy của doanh nghiệp”, Phó thủ tướng nói
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành dự án đúng tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng. “Điều đó mới giúp sản phẩm có chất lượng để cạnh tranh khi xuất khẩu vì định hướng của doanh nghiệp không chỉ là thị trường nội địa”, Phó thủ tướng lưu ý.
Video: Thấy gì từ mô hình nuôi bò của bầu Đức?
Bầu Đức: 'Nuôi bò siêu lợi nhuận hơn làm bất động sản Myanmar'
Trong buổi công bố ra mắt sản phẩm thịt bò tơ Australia - một sản phẩm mới vừa ra mắt sau 7 tháng hợp tác với Công ty Vissan - vào chiều 4/2, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Đoàn Nguyên Đức chia sẻ với báo chí: "Tôi sẽ mở rộng đàn bò vì đây là kênh hiệu quả nhất trong tất cả những ngành tập đoàn từng đầu tư. Nếu nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh".
Bầu Đức phân tích, có quá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đàn gia súc, dù vấp phải rất nhiều thách thức. Thứ nhất, nuôi bò giúp doanh nghiệp tận dụng được mọi nguồn lực đang có (đồng cỏ, nguồn nước, các phụ phẩm nông nghiệp và quỹ đất lớn). Thứ hai, đây là ngành cho doanh thu ổn định, quay vòng vốn nhanh, lợi nhuận hấp dẫn. Nhưng hơn hết, ngành này có thể tạo điều kiện để người Việt được ăn thịt bò Australia chất lượng cao, giá cạnh tranh.
Khi bị chất vấn về mức lợi nhuận cụ thể có thể thu được từ đàn bò, ông Đức từ chối công bố tại buổi ra mắt sản phẩm mới và hẹn sẽ có đáp án rõ ràng từng con số trong dịp Đại hội cổ đông sắp tới. Tuy nhiên, bầu Đức không ngần ngại đặt việc chăn nuôi đàn gia súc này lên bàn cân và khẳng định lợi nhuận từ bò hơn hẳn các ngành còn lại như: thủy điện, mía đường, bắp, cao su, cọ dầu. Ngay cả dự án khu phức hợp cao cấp Hoàng Anh Myanmar sắp mang về cho tập đoàn khoản thu hàng nghìn tỷ đồng cũng bị ông Đức ví là không sánh bằng lợi nhuận từ nuôi bò.
Chính vì thế, 7 tháng trước HAGL công bố phát triển đàn bò quy mô 110.000 con nhưng hiện nay bầu Đức cho hay ông có kế hoạch tăng lên 200.000 con. Người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư chăn nuôi bò tính riêng tại Gia Lai ước tính cần 4.000 tỷ đồng, chưa kể tại Lào và Campuchia. Vốn đầu tư giai đoạn một trong năm 2014-2015 là 3.100 tỷ đồng trong tổng số hơn 6.300 tỷ đồng.
Sau khi nuôi bò tại Gia Lai, Lào, Campuchia, nhận thấy Đắk Lắk cũng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển ngành này HAGL đã xin phép lãnh đạo tỉnh phê duyệt một dự án đầu tư nuôi bò quy mô lớn. "Dự án tại Đắk Lắk ước tính cần đầu tư 5.000-7.000 tỷ đồng nhưng hiện nay vẫn còn nằm trong kế hoạch", ông Đức cho hay.
AN NHIÊN (Tổng hợp)