Dự án hồ chứa nước Ia Rtô (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng nhưng chậm tiến độ, đội vốn hơn 23 tỷ đồng bởi hàng loạt sai sót.
Dự án hồ chứa nước Ia Rtô, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai. |
Đề nghị xử lý người đứng đầu
Theo các tài liệu được sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp mà PV tạp chí Đời sống và Pháp luật có được, dự án hồ chứa nước Ia Rtô do ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng từ nguồn ngân sách Trung ương với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.
Tài liệu thể hiện, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2020 và phục vụ cấp nước tưới cho 600 ha cây trồng và cấp nước phục vụ sinh hoạt cho khoảng 40.000 người dân trên địa bàn thị xã Ayun Pa.
Tuy nhiên, rất nhiều bất cập trong việc triển khai dự án đã làm chậm tiến độ thi công vượt lũ và công trình không thể hoàn thành như quyết định được phê duyệt. Cụ thể, thông tin trên tài liệu chỉ rõ, tại phần đập của hồ chứa đang thiếu khoảng 200.000m3 đất đắp thượng, hạ lưu đập và 40.000m3 lõi chống thấm. Cùng với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, chi phí vận chuyển đất đắp từ các bãi vật liệu đã làm kinh phí tăng thêm hơn 8,1 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do thiết kế bãi vật liệu không đủ trữ lượng dẫn đến thiếu vật liệu đắp đập. Chưa kể, đất đắp khối chống thấm ở bãi cách xa công trình 17km là không phù hợp về cự ly theo quy định.
Còn về thay đổi biện pháp thi công xử lý thấm nền đập, theo thiết kế phải xử lý bằng tường hào chống thấm Bentonai. Tuy nhiên, ngoài việc xử lý nền đập bằng tường hào Bentonai, chủ đầu tư còn thực hiện công việc khoan phụt vữa và đã làm xong từ tháng 6/2020. Việc phát sinh này làm tăng giá trị hợp đồng đã ký 8,3 tỷ đồng, trong khi chưa được UBND tỉnh Gia Lai cho phép.
Cùng với đó, trong quá trình thực hiện dự án còn phát sinh một số khối lượng công việc khác như: Đào đá móng tràn, vai tràn xả lũ, điều chỉnh và bổ sung công trình trên kênh để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác vận hành, chi phí xây dựng nhà quản lý công trình và chi phí tư vấn lập dự án đầu tư kinh phí quản lý an toàn đập, hồ chứa... kinh phí dự kiến bổ sung khoảng hơn 6,1 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí cho các khối lượng, công việc bổ sung và phát sinh nêu trên hơn 23,1 tỷ đồng.
Tất cả những sai phạm đó thuộc trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện khảo sát, lập thiết kế công trình và triển khai thi công công trình. Chính vì vậy, sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo sở Xây dựng, sở Nội vụ kiểm tra, đánh giá năng lực chủ đầu tư, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực chủ đầu tư trong tổ chức và thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT phản hồi, không nhận được Văn bản số 502/BC-SNNPTNT ngày 6/11/2020 của sở NN&PTNT Gia Lai về việc xử lý, tồn tại, vướng mắc liên quan đến dự án hồ Ia Rtô. Vì vậy, Ban có văn bản số 405/BQL-KTQLCL ngày 12/11/2020 xin văn bản 502/BC-SNNPTNT ngày 6/11/2020 của sở NN&PTNT.
"Sở NN&PTNT không có chính kiến"?
Theo thông tin từ phía ban Quản lý dự án với PV, Ban này vẫn không nhận được văn bản qua email cũng như văn bản đến bằng đường bưu điện. Một thời gian sau, Ban liên hệ với đơn vị thi công thì được đơn vị này cấp qua Zalo nhưng không thấy đóng dấu “Mật”.
Sau khi nghiên cứu Văn bản 502/BCSNNPTNT, ngày 6/11/2020 của sở NN&PTNT, căn cứ Luật, Nghị định, Thông tư, Quyết định liên quan, ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&QLNT kiến nghị, phản bác bằng văn bản số 517/BQL-KT và QLCL ngày 14/12/2020. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng kiến nghị UBND tỉnh làm rõ nhiều nội dung khác trong văn bản 502/BCSNNPTNT ngày 06/11/2020 của sở NN&PTNT về việc xử lý, tồn tại, vướng mắc liên quan đến dự án hồ Ia Rtô chưa chính xác.
Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Giám đốc phụ trách Ban - cho rằng, việc này đơn vị đã báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai và được ghi nhận là chủ đầu tư có điều chỉnh thiết kế một số hạng mục để đảm bảo kỹ thuật, an toàn và đẩy nhanh tiến độ.
Mặt khác, trước khi tự điều chỉnh biện pháp thi công một phần hạng mục chống thấm nền đập, Ban còn cho thực hiện trước nhiều nội dung của công trình hồ chứa nước. Cụ thể, tự tổ chức xử lý đá vai tràn, bổ sung cống thoát nước ngang tại đường lên đỉnh đập; tự điều chỉnh tổng mức đầu tư để giảm các chi phí xây dựng, tư vấn để lấy kinh phí thực hiện công tác bồi thường... Nhờ vậy mà mà giải ngân được 99% vốn Trung ương cấp cho tỉnh cũng như giữ được khối lượng công trình đã thi công qua mùa mưa lũ vừa qua.
Liên quan đến việc chậm tiến độ, ban Quản lý cũng cho rằng, sở NN&PTNT đã không có chính kiến kịp thời trong việc xử lý các vướng mắc trong thời gian từ 18/6-14/10/2020.
“Việc thanh tra xây dựng đã kiến nghị sở NN&PTNT chủ trì để xác định các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động xây dựng nhằm xử lý theo quy định thì Sở lại không tổ chức thực hiện”- Ông Nguyễn Văn Yên. |
Hồ Nam
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Thứ 5 (206)