Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bảo vệ môi trường Hà Nội: Kịch bản nào “giải cứu” nạn đốt rơm?

(DS&PL) -

Việc UBND TP. Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 nhằm cấm hoàn toàn đốt rác, rơm rạ từ 1/1/2021, được người dân đồng tình ủng hộ.

Việc UBND TP. Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 nhằm cấm hoàn toàn đốt rác, rơm rạ từ 1/1/2021, được người dân đồng tình ủng hộ. Song, dư luận quan tâm lần này Hà Nội sẽ làm thế nào để “giải cứu” những đống rơm, trước khi chúng bị đốt trên những cánh đồng.

Hình ảnh người dân đốt rơm. Ảnh minh họa

Biết đốt rơm rạ là sai nhưng... “chỉ đốt một tý là xong”

Chiều tối 21/9/2020, trên một cánh đồng vừa mới gặt thuộc xã Quang Tiến (Sóc Sơn, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Tùy nhìn trước ngó sau rồi nhanh tay gom đống gốc rạ để đốt lấy tro. Cánh đồng này nằm ở phía Tây của sân bay quốc tế Nội Bài. Ngay sát đó là bức tường rào ngăn cách nơi máy bay hạ cánh xuống đường băng. Những cột khói trắng cuồn cuộn cao hàng chục mét bốc lên không trung.

Thấp thoáng trong làn khói mờ mịt, những chiếc máy bay nhấp nháy đèn tín hiệu đang bay qua những thửa ruộng cháy rừng rực để tìm hướng bay về đường băng. Cách đó không xa, dòng người chen chúc giờ tan tầm trong những mảnh khẩu trang kín mít, vẫn phải “xé” màn khói bụi để lưu thông dọc tỉnh lộ 131.

Khi thấy PV tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL) giơ máy ảnh, người phụ nữ này lập tức quật mạnh những đụn rạ khác vào đám cháy để dập tắt. “Nhà không nuôi trâu bò nên mỗi khi gặt xong tôi thường cắt rơm rạ phơi khô rồi đem đi đốt để làm sạch ruộng và lấy chỗ trồng cây khác. Biết việc làm này là sai nên tôi tranh thủ lúc máy bay ít tôi đốt, chỉ một tý là xong", người phụ nữ trung niên phân trần.

Cách đó không xa, tình trạng tương tự cũng đang xảy ra trên những cánh đồng thuộc các xã Thanh Xuân, Phú Minh, Phú Cường... Các hộ dân ở đây cho biết, việc cắt gốc rạ đem đốt là để làm sạch ruộng, diệt sâu bọ, nhằm chuẩn bị cho hoạt động cày ải, cuối năm hoặc ăn Tết xong sẽ trồng dưa hoặc ngô.

Được biết, hàng năm cứ “Xuân – Thu nhị kỳ”, cảng vụ Hàng không miền Bắc lại đều đặn “đánh” văn bản gửi UBND huyện Sóc Sơn và UBND các xã Thanh Xuân, Quang Tiến, Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình (Sóc Sơn) đề nghị ngăn chặn tình trạng người dân đốt rơm rạ tại khu vực lân cận cảng hàng không quốc tế Nội Bài làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi hạ cánh xuống sân bay, tiềm ẩn nguy cơ gây uy hiếp trực tiếp đến hoạt động bay. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Trao đổi với PV, đại diện xã Thanh Xuân cho biết, xã liên tục tuyên truyền trên loa phát thanh để người dân nắm được chủ trương của Thành phố cấm đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Ngoài ra, xã cũng ký hợp đồng với một đơn vị chuyên sản xuất chế phẩm để làm nát rơm rạ của người dân sau khi thu hoạch, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí giúp dân mua chế phẩm đó. Tuy nhiên sau một năm triển khai, tình trạng đốt rơm rạ mặc dù có giảm, nhưng vẫn chưa triệt để.

Trước đó, ngày 28/7/2020, tại hội thảo chia sẻ đánh giá hiện trạng và kết quả của Thành phố trong việc hạn chế đốt rơm rạ, do sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội tổ chức, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn – ông Hồ Việt Hùng – đã thừa nhận có tình trạng đốt rơm rạ tại các xã gần sân bay quốc tế Nội Bài, như: Thanh Xuân, Quang Tiến, Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình... Để khắc phục, ông Hùng cho biết, ngày 3/6/2020, UBND huyện đã có văn bản số 1246/UBND-TNMT yêu cầu các xã tập trung cao độ kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp đốt rơm; đồng thời, quán triệt Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng đốt rơm mà không có biện pháp xử lý.

Theo sở TN&MT TP.Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn Thành phố, tỉ lệ đốt rơm rạ vẫn còn cao. Cụ thể, huyện Mê Linh còn 30% lượng rơm rạ đốt trên đồng ruộng, các huyện Phúc Thọ còn 25%, Quốc Oai 20%, Đông Anh còn khoảng 20%...

Rơm rạ không được đốt thì mang đi đâu?

Theo Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội Vũ Đăng Định, thời gian qua Thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp xử lý nằm cải thiện môi trường như lắp đặt các trạm quan trắc, kiểm soát nguồn xả thải, triển khai chương trình trồng một triệu cây xanh, chương trình cánh đồng không đốt rơm rạ... Việc tuyên truyền không đốt rơm rạ đã triển khai từ 2 năm trước.

Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại 19 quận, huyện, thị xã còn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 17/6/2020, tổ công tác liên ngành gồm sở TN&MT, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an TP.Hà Nội ghi nhận, báo cáo của các địa phương đều cho thấy, tình trạng đốt rơm rạ có giảm nhưng chưa bền vững. Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, thiếu chế tài xử lý đối với người đốt rơm, chính quyền một số địa phương chưa chủ động vào cuộc... Và quan trọng nhất, một câu hỏi mà các đoàn kiểm tra luôn nhận được từ phía nông dân: “Rơm rạ không đốt thì chúng tôi mang đi đâu?”.

Theo PGS.TS Hoàng Anh Lê (khoa Môi trường, trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) cần có các giải pháp mới nhằm hạn chế đốt rơm rạ như làm các viên nhiên liệu sinh học, sử dụng phối trộn với các vật liệu khác để làm vật liệu mới, vật liệu thay thế...

"Trong tương lai, nếu được triển khai thì đây là một trong những giải pháp để hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn TP. Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trên cả nước", PGS.TS Hoàng Anh Lê nêu quan điểm. Mới đây, tại một lớp tập huấn cho nhà báo Việt Nam có nội dung “Đưa tin về chất lượng không khí ở Việt Nam” do hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, dưới sự tài trợ của cơ quan Phát triển truyền thông Pháp (CFI), PV tạp chí ĐS&PL đã đưa câu hỏi nói trên của nông dân Việt Nam đến các chuyên gia Pháp để tham khảo giải pháp của quốc gia này. Bà Sophia – Kỹ sư chất lượng không khí thuộc tổ chức Air Parif (đơn vị đang triển khai dự án quan trắc chất lượng không khí ở Hà Nội, trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa UBND TP.Hà Nội và cơ quan Phát triển Pháp - AFD)- cho biết, ở Pháp, Chính phủ cấm hoàn toàn việc đốt rơm rạ, trừ trường hợp bị nhiễm côn trùng, sâu bệnh.

“Tất cả rác thải Nông nghiệp được chúng tôi coi là “rác thải xanh”, sẽ đưa ra các cơ sở lưu trữ, phân loại rác thải lớn để chế biến thành phân hữu cơ”, bà Sophia nói. Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Dũng – Giám đốc công ty CP Tư vấn và Tích hợp công nghệ D & L, “cha đẻ” của app đo chất lượng không khí PAM Air nổi tiếng, một start-up Việt vừa đạt giải thưởng quốc tế về công nghệ thông tin khu vực châu Á Thái Bình Dương (APICTA Awards 2019) - đã chia sẻ với PV ĐS&PL một trải nghiệm thú vị của bản thân.

Ông Dũng kể, cách đây 2-3 năm có một buổi tối người dân Hà Nội bỗng xôn xao vì tự nhiên trời mù mịt như sương mù mùa đông. Nhưng sương mù gì mà lại có khói khét lẹt? Lúc đó, người ta nói về nhiều nguyên nhân nhưng không ai nói rằng do đốt rơm rạ.

“Một thời gian sau đó, tôi có chuyến đi Malaysia, Singapore vào đúng một mùa mù mịt khói như Hà Nội, dân họ bảo do đốt rừng và rơm rạ. Lúc đó tôi có liên tưởng và đoán mò về hiện tượng trước đó ở Hà Nội. Năm 2019, sau khi hệ thống PAM air ra đời, chúng tôi phát hiện ra rằng hôm nào có ô nhiễm do đốt rơm rạ thì các điểm đặt máy quan trắc của PAM air bắt được luôn. Hệ thống phát hiện chỉ số ô nhiễm cao ở điểm đốt rồi mới gửi chỉ báo ở Hà Nội. Sau đó chúng tôi báo cáo lên UBND TP. Hà Nội hiện tượng này”, ông Dũng cho hay.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Dũng cho rằng, biết là việc đốt rơm rạ gây ra khói bụi và nhiều tạp chất độc hại nhưng hoạt động ngăn chặn chưa hiệu quả lắm vì chưa có nguồn ra cho loại phụ phẩm này. “Giải pháp thì có nhưng phải có quy trình xử lý. Theo tôi được biết thì một số công ty đã đặt vấn đề nhận thu gom rơm rạ nhưng đều bỏ cuộc vì chi phí thu gom quá lớn”, ông Dũng nói.

Minh Minh

Bài viết đang trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số 154

Tin nổi bật