Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bạo động tại Pháp: Tổng thống Macron xem xét tuyên bố tình trạng khẩn cấp

(DS&PL) -

Chính phủ Pháp sẽ thảo luận với các đảng đối lập nhằm tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng liên quan đến phong trào “Áo vàng”.

Chính phủ Pháp sẽ thảo luận với các đảng đối lập nhằm tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng liên quan đến phong trào “Áo gilet vàng”.

Thủ đô Paris của Pháp đang bị bịt kín bóng ma bởi những vụ bạo lực từ những phần tử quá khích thuộc phong trào "áo gilet vàng" làm hàng trăm người bị thương.

Người biểu tình phóng hỏa đốt cháy hàng loạt ô tô ở ngay trung tâm Paris. Ảnh: EPA

Xe cảnh sát cũng bị phóng hỏa, các cửa kính bị người biểu tình dùng rìu đập vỡ.

Quang cảnh khó tin nổi trong mắt người dân và du khách tới Paris. Ảnh: AFP

Trở về từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đi thẳng từ sân bay tới Đại lộ Champ Elysee và Khải Hoàn Môn, nơi còn ngổn ngang tàn tích những chiếc xe ô tô bị đốt cháy rụi. Ông Macron lên án cuộc náo loạn, đốt phá ở Paris và cam kết sẽ trừng trị những kẻ gây rối.

Trưa 2/12, Tổng thống Emmanuel Macron có cuộc họp khẩn cấp với Thủ tướng Edouart Philippe và Bộ trưởng Nội vụ Christopher Castener để thảo luận về cách thức tiến hành đối thoại với phong trào “áo gilet vàng”.

Kết thúc cuộc họp, ông Macron đã yêu cầu Thủ tướng Pháp Édouard Philippe tổ chức ngay lập tức các cuộc gặp từ sáng thứ Hai (3/12), với lãnh đạo của các đảng đối lập có ghế trong Quốc hội Pháp cũng như các nhóm đại diện cho phong trào “áo gilet vàng”.

Người phát ngôn Chính phủ Pháp, Benjamin Griveaux nhấn mạnh chính phủ "có một phương pháp đối thoại cởi mở hơn" và sẵn sàng thảo luận với đại diện của phong trào “áo gilet vàng” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Chính phủ đang xem xét tất cả các giải pháp, bao gồm cả việc thiết lập lại “tình trạng khẩn cấp”, để ngăn ngừa bạo loạn, không chỉ ở thủ đô Paris mà còn có xu hướng lan tới các địa phương khác.

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp từ chối phát biểu trước dân chúng Pháp vào thời điểm hiện tại, đồng thời cũng không đề cập đến khả năng tái lập tình trạng khẩn cấp như cách đây 3 năm, khi diễn ra các vụ khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành. Lệnh này kéo dài đến tận tháng 11/2017.

Tổng thống Pháp Macron tới hiện trường bạo loạn Paris. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Pháp, Benjamin Griveaux một lần nữa khẳng định chính phủ sẽ không thay đổi chính sách và đề nghị người dân thể hiện tình đoàn kết dân tộc, sau khi bạo lực bùng phát ngày 1/12 tại trung tâm thủ đô Paris.

Tổng thống Pháp Macron (phải) trong cuộc họp nội các ngày 2/12. Ảnh: Reuters

Trong hơn hai tuần qua, các cuộc biểu tình của phong trào "áo gilet vàng" đã gây ra tình trạng tắc nghẽn tại nhiều tuyến đường trên toàn quốc và đây được coi là một trong những thách thức lớn và khó tháo gỡ nhất mà Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt trong 18 tháng cầm quyền.

Phong trào trên lấy tên theo những chiếc áo phản quang mà tất cả người lái xe mô tô tại Pháp phải mặc khi lái xe.

Quyết định tăng thuế nhiên liệu có hiệu lực từ tháng 10 vừa qua cùng lúc giá dầu thế giới tăng đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong người dân, đặc biệt là nông dân.

Dù chính phủ cho rằng tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích các lái xe sử dụng phương tiện ít tiêu thụ nhiên liệu hơn, từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng hàng nghìn người vẫn đổ xuống các đường phố chính ở các thành phố trên cả nước để phản đối.

Giới chức thông báo khoảng 5.000 cảnh sát và nhân viên an ninh được điều động tại Paris trong đêm 1/12.

Cảnh sát Pháp đã phải dùng tới bình xịt hơi cay, lựu đạn khói để giải tán đám đông người biểu tình "áo vàng" quá khích tìm cách phá các hàng rào an ninh trên Đại lộ Champs Elysees.

Cũng trong chiều tối ngày 2/12, Bộ Nội vụ Pháp đã đưa ra các con số thống kê mới nhất về các vụ bạo động trên toàn nước Pháp trong ngày 1/12. Theo đó, tổng cộng đã có 136 ngàn người biểu tình xuống đường trên khắp nước Pháp trong ngày thứ Bảy.

Riêng tại thủ đô Paris, các vụ đụng độ đã khiến 133 người bị thương, trong đó có 23 người thuộc lực lượng an ninh.

Những kẻ quá khích đã gây ra 249 đám cháy, trong đó đốt cháy 112 phương tiện giao thông gồm ô tô, mô tô… và 6 tòa nhà. Cảnh sát Paris cũng đã bắt giữ 412 người và hiện tạm giam 378 người. Bộ Tư pháp Pháp cho biết, 2/3 số người này sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Minh Minh (T/h)

Tin nổi bật