Tấm áp phích kêu gọi hiến "chất thải" và được trả 50 Euro đăng tải trên mạng xã hội đã khiến nhiều người hiểu lầm và dẫn tới việc bệnh viện phải ngừng nghiên cứu.
Sau khi được đăng tải, tin tức đã lan truyền nhanh chóng khiến cộng mạng của Pháp dậy sóng. Giáo sư Harry Sokol, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Saint Antoine, người tham gia dự án nghiên cứu nói: "Ai đó đã chụp ảnh áp phích và truyền đi trên mạng khiến nội dung trở nên sai lệch. Mọi người hiểu rằng cứ hiến phân là được nhận 50 euro".
Tờ áp phích kêu gọi hiến phân của Bệnh viện Saint Antoine, ghi rõ người hiến phải trong độ tuổi 18-49, có bảo hiểm xã hội và sức khỏe tốt. Ảnh: DM. |
Việc nhầm lẫn này dẫn tới tình trạng hàng nghìn người đã gửi email đến hòm thư điện tử của Bệnh viện Saint Antoine, thậm chí đến trực tiếp đòi được hiến phân. Ngay cả khi hòm thư và đường dây liên lạc bị cắt, nhiều người vẫn tiếp tục tới bệnh viện đăng kí hiến phân.
Giáo sư Sokol cho biết nhóm nghiên cứu không "mua" phân đó về để phân tích như nhiều người vẫn nghĩ. Đó là một thử nghiệm lâm sàng về cấy ghép vi sinh vật ở phân trên những bệnh nhân chịu đựng chứng viêm loét đại tràng. Do vậy, những người hiến phân phải được lựa chọn kỹ lưỡng như người truyền máu vậy.
Trên thực tế, quá trình hiến phân rất phức tạp. Người hiến phải cung cấp hồ sơ y tế của bản thân và gia đình, sau đó làm xét nghiệm máu. Phân của họ được kiểm tra kỹ càng để đảm bảo không chứa mầm bệnh.
Bệnh viện Saint Antoine, nơi tiến hành nghiên cứu về cấy ghép phân vi sinh - Ảnh: Thinkstock. |
"50 euro không phải thù lao mà là một khoản bồi thường cho những thủ tục phiền phức trong quá trình nghiên cứu và được quy định bởi pháp luật", giáo sư Sokol lý giải.
Trước tình hình hỗn loạn không thể kiểm soát, dự án của bác sĩ Sokol cùng cộng sự đã phải tạm dừng vì lý do "không thể quản lý".
"Đúng là thảm họa. Đây là nghiên cứu nghiêm túc với rất nhiều bệnh nhân đang chờ đợi. Tôi hy vọng có thể sớm tiếp tục", ông Sokol chia sẻ.
Phương pháp chữa bệnh bằng cách cấy phân xuất hiện từ năm 1957 khi nhà vi sinh vật Stanley Falkow đề nghị bệnh nhân nuốt phân của chính họ. 60 năm sau, cấy phân dần được giới y học chấp nhận. Nhiều chuyên gia tin rằng vi sinh vật trong phân người hiến sẽ tái khởi động hệ thống vi sinh vật của người nhận. Ngày nay, phương pháp cấy phân được sử dụng để chữa trị các bệnh do Clostridium difficile (C-diff), loại vi khuẩn nguy hiểm gây tiêu chảy nặng, kéo dài. Một thử nghiệm lâm sàng cho thấy kháng sinh thông thường chỉ đạt hiệu quả 27%, còn cấy phân giúp 94% người nhiễm C-diff khỏi bệnh. |
Minh Minh (T/h)