(ĐSPL) - Rõ ràng "hổ và ruồi" là những kẻ “ăn đòn” trong chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc, nhưng ai mới là những người chiến thắng?
|
Trung Quốc chống tham nhũng trong ngành đường sắt. |
Theo Tân Hoa Xã, kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo, Chủ tịch Tập Cận Bình đã coi chống tham nhũng là một vấn đề có ý nghĩa “sống còn” đối với ĐCS Trung Quốc (CPC) và đất nước. Ông Tập nói rằng cốt lõi của cuộc đấu tranh chống tham nhũng là phải luôn luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân.
Sau hơn 22 tháng được phát động kể từ cuối năm 2012, chiến dịch chống tham nhũng vẫn còn tiếp diễn. Hàng chục "con hổ" ở cấp bộ và cao hơn đã bị lật đổ, trong đó có một cựu thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Giáo sư Xin Ming của Trường Đảng Trung ương nói thông qua việc loại bỏ "những quả táo xấu", tính trong sạch của đảng sẽ được bảo tồn. Ông cho biết
chiến dịch chống tham nhũng đã tái khẳng định quyết tâm của ĐCS Trung Quốc trong việc củng cố lòng tin của quần chúng và nâng cao năng lực điều hành đất nước.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của chiến dịch chống tham nhũng không chỉ nhằm tiết kiệm và củng cố vai trò của CPC. Đây cũng là chiến dịch nhằm đảo ngược những xu hướng không lành mạnh trong xã hội. Đó là sự phổ biến của “luật lệ bất thành văn” và “văn hóa quà biếu”.
Các quan chức đã được giải thoát khỏi tình trạng kiện cáo bất tận trước đây và những người bình thường sẽ dễ dàng hơn trong việc nhập học cho con cái mà không phải trả tiền hối lộ. Những nạn nhân của “nền văn hóa tham nhũng” đã được khuyến khích đứng lên chiến đấu chống lại tệ nạn này.
Hồi đầu tháng này, Tân Hoa Xã đưa tin một số chủ nhà hàng ở một số nơi đã yêu cầu chính quyền địa phương thanh toán các “giấy ghi nợ” của đám quan chức “ăn tiêu vô tội vạ” mà cuối cùng sẽ do công quĩ chi trả.
Hiện thời, cua tuyết - một món ăn cao cấp ưa thích của các quan chức chính phủ - đã giảm giá mạnh lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua và những người bình thường đã có thể mua được mặt hàng đặc sản cao cấp này.
Ngoài ra, chiến dịch chống tham nhũng cũng làm cho việc kinh doanh ở Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn. Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc Joerg Wuttke nói rằng chiến dịch chống tham nhũng đang tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho việc kinh doanh.
Ý kiến của ông Joerg phản ánh thực tế rằng tham nhũng ở Trung Quốc liên quan đến quyền lực “không được kiểm soát” của giới công chức trong việc định giá, phê duyệt dự án và điều tra độc quyền. Không đưa hối lộ, đôi khi các doanh nghiệp rất khó để có được các dự án đã được phê duyệt.
Vì vậy, chống tham nhũng chính là động thực thúc đẩy những cam kết của Thủ tướng Lý Khắc Cường về việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, phân quyền cho cấp dưới và cắt giảm các thủ tục hành chính.
Zheng Yongnian, một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng chống tham nhũng không chỉ nhằm “đánh hổ, đập ruồi”, mà còn mang lại nhiều cơ hội cho cải cách và cho các quan chức trung thực. Ông nói: “Triệt tiêu đám quan chức thoái hóa và thúc đẩy các biện pháp cải cách chính là mục tiêu cuối cùng của chiến dịch chống tham nhũng”.
Giáo sư trường đảng Xin Ming nói rằng chiến dịch chống tham nhũng có thể giúp Trung Quốc tránh được "bẫy thu nhập trung bình", tình trạng bất ổn do khoảng cách giàu nghèo bất thường ở nhiều nước đang phát triển. Ông nói: "Một nền kinh tế thị trường không nhất thiết phải là một nền kinh tế tham nhũng và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không phải đạt được thông qua những cơ hội do tham nhũng tạo ra”. Giáo sư Xin Ming nói thêm rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng tốt hơn, nếu loại trừ được vấn nạn tham nhũng.