Bangladesh đang hoàn tất các thỏa thuận với Việt Nam và Ấn Độ để nhập khẩu tổng cộng 330.000 tấn gạo khi quốc gia này chạy đua để bổ sung dự trữ và hạ nhiệt giá nội địa, hai quan chức Bangladesh chia sẻ với Reuters ngày 29/8 (giờ địa phương).
Giá ngũ cốc chủ yếu của đất nước 165 triệu dân tăng vọt đang đặt ra một vấn đề đối với chính phủ Bangladesh, vốn có kế hoạch mở rộng bán gạo giảm giá để giúp những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí cao.
Các quan chức chính phủ cho biết, quốc gia Nam Á này sẽ mua 100.000 tấn gạo đồ (lúa ngâm hoặc sấy với nước nóng, phơi khô rồi mới chế biến thành gạo) từ một công ty khu vực công của Ấn Độ và 200.000 tấn gạo đồ, 30.000 tấn gạo trắng từ Việt Nam.
Giá gạo đồ từ Việt Nam sẽ là 521 USD/tấn và gạo trắng 494 USD/ tấn, các quan chức giấu tên của Bangladesh cho biết vì các thỏa thuận chưa được công khai.
Bên cạnh đó, giá gạo từ nước láng giềng Ấn Độ sẽ là 443,50 USD/tấn qua cảng biển và 428,50 USD/tấn qua đường sắt. Họ cho biết tất cả giá đã bao gồm cước phí vận chuyển, bảo hiểm và chi phí dỡ hàng.
Bangladesh đang hoàn tất các thỏa thuận với Việt Nam và Ấn Độ để nhập khẩu tổng cộng 330.000 tấn gạo. Ảnh: The Financial Express.
“Các công việc chuẩn bị đang được tiến hành để sớm ký kết các thỏa thuận”, một trong những quan chức Bangladesh cho biết, và nói thêm rằng gạo sẽ được giao trong vòng hai đến ba tháng sau khi ký kết.
Chính phủ Bangladesh cũng đang đàm phán với Myanmar để nhập khẩu gạo, loại bỏ rạn nứt về cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya.
Bangladesh trong tuần này đã giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 25% xuống 15%, đây là lần thứ hai họ cắt giảm kể từ tháng 7 trong nỗ lực thúc đẩy nhập khẩu tư nhân.
Tuy nhiên, kế hoạch nhập khẩu gạo tư nhân của họ gặp trở ngại với chỉ 36.000 tấn được mua kể từ tháng 7, sau khi chính phủ cho phép các thương nhân tư nhân nhập khẩu gần 1 triệu tấn ngũ cốc chủ yếu sau khi giảm thuế từ 62,5% xuống 25,0%.
Chính phủ sẽ bắt đầu bán gạo với giá rẻ hơn cho 5 triệu gia đình nghèo và mở rộng việc bán gạo như vậy từ tháng 9, trong nỗ lực kiềm chế giá nội địa tăng, vốn đã tăng thêm một lần nữa sau khi tăng giá dầu trong nước vào đầu tháng này.
Bangladesh, quốc gia có truyền thống là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới với khoảng 35 triệu tấn hàng năm, sử dụng gần như toàn bộ sản lượng để nuôi sống người dân. Họ vẫn thường yêu cầu nhập khẩu gạo để đối phó với tình trạng thiếu hụt do lũ lụt hoặc hạn hán.
Bích Thảo (Theo Reuters)