Tử Cấm Thành, cung điện lớn nhất thế giới, là chứng nhân cho những thăng trầm lịch sử kéo dài hàng nghìn năm của Trung Quốc. Không chỉ đồ sộ về quy mô, nơi đây còn ẩn chứa vô vàn bí mật cùng những bảo vật vô giá. Ngày nay, Tử Cấm Thành đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Tử Cấm Thành đã qua nhiều lần trùng tu. Một câu chuyện đặc biệt xảy ra trong quá trình tu sửa vào thời điểm kết thúc chế độ phong kiến vẫn còn được nhiều người nhớ đến. Chuyện kể rằng, trong quá trình dọn dẹp Thục Phương Trai – nơi nghỉ ngơi của vua Càn Long, một người đàn ông họ Lý đã phát hiện một chiếc hộp được giấu dưới lớp gạch lát nền.
Đống "vải vụn" đó thực chất là sáu bức tranh và là một phần của bộ tranh "Thập Bát La Hán Tượng" (mười tám vị La Hán). Ảnh: Sohu
Ban đầu, ông Lý cho rằng đây có thể là một món bảo vật quý giá được cất giấu cẩn thận. Tuy nhiên, khi mở chiếc hộp, ông không khỏi bất ngờ khi bên trong chỉ là một tấm vải lụa. Vì thất vọng, ông đã để tấm vải sang một bên. Sau đó, một người khác đã quét dọn và vô tình bỏ tấm vải vào túi đựng rác.
Lão Lưu, một người xuất thân nghèo khó, thường xuyên tìm kiếm thức ăn và vật dụng trong những thùng rác ở Tử Cấm Thành để kiếm sống qua ngày. Một lần, ông nhìn thấy một đống vải vụn bị vứt bỏ, liền nảy ra ý định nhặt chúng về để may một tấm rèm che cho chiếc cửa sổ đã bị hỏng của mình.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, nhiều năm sau, Trung Quốc bắt đầu chú trọng đến việc khôi phục và thu hồi các di tích văn hóa bị thất lạc trong dân gian. Phong trào tìm kiếm "báu vật" nổi lên khắp nơi, người người nhà nhà đều đổ xô đi tìm kiếm vận may. Con trai của lão Lưu lúc bấy giờ đã trưởng thành.
Cậu nhìn thấy tấm rèm cửa cũ kỹ mà cha mình đã từng dùng, nhận ra xuất xứ của nó từ Tử Cấm Thành. Với hy vọng mong manh, cậu quyết định thử "vận may" bằng cách mang tấm vải đến một cửa hàng đồ cổ để thẩm định và bán. Tuy nhiên, sau khi được xem xét, tấm vải chỉ được định giá và bán với giá vỏn vẹn 20 tệ (tương đương hơn 68.000 đồng tiền Việt Nam).
Ông chủ tiệm đồ cổ, sau khi nhận được tấm vải từ con trai lão Lưu, cũng không nhận thấy bất kỳ điều gì đặc biệt ở món đồ mà ông coi là "vải vụn" này, nên đã bỏ xó nó trong nhiều năm.
Một ngày nọ, một chuyên gia khảo cổ tìm đến cửa hàng với mong muốn tìm kiếm những món đồ cổ có giá trị sưu tầm. Vị chuyên gia này đã vô tình phát hiện ra đống "vải vụn" nằm lẫn trong những món đồ cũ kỹ.
Ngay khi nhìn thấy chúng, ông đã vô cùng kinh ngạc và lập tức hỏi chủ tiệm về nguồn gốc của những mảnh vải này. Hóa ra, đây không phải là vải vụn thông thường mà chính là những bức họa của Lữ Lăng Già, một đệ tử của họa sĩ nổi tiếng thời nhà Đường – Ngô Đạo Tử.
Đống "vải vụn" đó thực chất là sáu bức tranh, và là một phần của bộ tranh "Thập Bát La Hán Tượng" (mười tám vị La Hán). Theo các nhà nghiên cứu, bộ tranh này đã bị một vị thái giám đánh cắp và cất giấu bí mật bên dưới nền gạch của cung điện.
Điều đáng tiếc là những bức tranh còn lại trong bộ "Thập Bát La Hán Tượng" đã bị thất lạc. Theo nhận định của vị chuyên gia khảo cổ, giá trị của sáu bức tranh này ít nhất là 400 triệu nhân dân tệ (tương đương gần 1.400 tỷ đồng tiền Việt Nam). Đây được coi là một bảo vật quốc gia vô giá. Vị chuyên gia cũng khuyên ông chủ tiệm nên giao những bức tranh này cho Bảo tàng Cố Cung (tên khác của Tử Cấm Thành) để được bảo quản một cách tốt nhất và trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng. Hiện tại, 6 bức tranh quý giá này đã được trưng bày tại Bảo tàng Cố Cung.