(ĐSPL) – "Các ngành các cấp làm sao để các doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, cần có các chính sách vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước. Tôi tin rằng trong thời gian tới "cục máu đông" đó sẽ tan dần ra", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Nợ xấu tăng là xu hướng chung của toàn hệ thống ngân hàng trong kỳ báo cáo tài chính vừa qua. 4,17\% là con số của toàn hệ thống tính đến hết ngày 31/6/2014.
Từ ngày 1/6, Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước chính thức được áp dụng. Với Thông tư 09 những khoản không thể hồi sinh được cơ cấu lại buộc phải ghi nhận đúng nhóm, giống như một tấm rèm được kéo lên. Con số nợ xấu tăng nhưng sự công khai minh bạch cũng được sáng tỏ. Nếu như trước đây con số nợ xấu chênh lệc ở mức cao thì Thông tư 09 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng này.
"Nợ xấu tăng lên do chuẩn của Thông tư 02 và Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước được nâng cao hơn. Và quá trình đó, các ngân hàng thương mại đã hoạch toán và số nợ xấu được minh bạch hơn. Đồng thời, chất lượng nợ xấu cũng được xác định rõ ràng, cụ thể hơn. Đây là một quyết tâm của hệ thống ngân hàng, hệ thống doanh nghiệp và của nền kinh tế Việt Nam", ông Trần Quốc Tính - Phó chánh Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nói.
4,17\% là con số của toàn hệ thống ngân hàng tính đến hết ngày 31/6/2014. |
Khi ra đời, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC được kỳ vọng là công cụ giải quyết "cục máu đông" nợ xấu, khơi thông dòng chảy cho nền kinh tế. Sau hơn 1 năm, VAMC đã mua được hơn 56.600 tỷ đồng nợ xấu của 33 tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, "cục máu đông" dường như vẫn chưa suy giảm nếu như không có thêm những "liều thuốc" khác.
Đưa ra bài toán kinh tế để giải quyết vấn đề nợ xấu, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT VAMC cho biết: "Các ngành các cấp làm sao để các doanh nghiệp phát triển. Mà doanh nghiệp phát triển họ mới có nhu cầu vay vốn. Từ đó, các tổ chức tín dụng mới có cơ hội bơm vốn cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp có vốn hoạt động sản xuất kinh doanh. Lúc đó, tôi tin rằng nền kinh tế sẽ khởi sắc.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước. Tôi tin rằng trong thời gian tới "cục máu đông" đó sẽ tan dần ra".
Sau một loạt các động thái nỗ lực như sáp nhập, hợp nhất hơn 10 tổ chức tín dụng, liên tục cắt giảm lãi suất, ổn định thị trường vàng, ngoại tệ, xử lý khoanh nợ, giãn nợ, mua nợ… mà Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực thực thi trong suốt thời gian qua, đã tạo ra một sự ổn định cần thiết cho nền kinh tế.
TS Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế cho biết: "Sau những thành công bước đầu mà chúng ta đã đạt được, thì giai đoạn 2 này khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Bởi vì chúng ta không chỉ muốn ổn định hệ thống ấy mà chúng ta phải lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng như một tiền đề để tái cấu trúc và đưa nền kinh tế này vào quỹ đạo bằng các nguồn lực. Đặc biệt trong đó nguồn lực tài chính cần được phân bổ một cách hiệu quả hơn.
Ở Việt Nam có một cái rất hay chúng ta có thể vượt qua được mà không cần phải chờ dư luận, tức là làm tạm thời, thí điểm cho VAMC quyền. Như trường hợp của một số nước Bắc Âu, Quốc hội cho họ quyền, phải nghĩ ra những cách đặc biệt mới tạo được ta tiền nếu như chúng ta chưa có cách để bơm tiền".
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch thì cho rằng: "Nợ xấu là vấn đề không còn riêng của Ngân hàng Nhà nước mà là bài toán kinh tế vĩ mô phải chấm dứt dứt điểm trong kế hoạch 5 năm này để chúng ta tạo điều kiện phát triển trong giai đoạn mới.
Còn đến năm 2016 mà còn ngồi bàn vấn đề này nữa thì tôi nghĩ rằng chúng ta khó giải quyết bài toán tái cơ cấu".
Việc giữ được ổn định hệ thống không làm phình to "cục máu đông" của cả nền kinh tế cũng là cả một cố gắng nhưng tình trạng này cũng không thể kéo dài hơn. Vì vậy, cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa, bởi tiến trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang là đòi hỏi bức thiết của cả nền kinh tế.