Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 29: “Còng lưng” vì chồng chất nợ công trong... ngành điện!

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trong khi dự án cũ chưa đem lại những khoản bù chi ban đầu thì dự án mới lại “gánh” thêm những thiệt hại do các nhà thầu Trung Quốc... chậm trễ.

(ĐSPL) - Nợ công trong ngành nhiệt điện của EVN đang ngày một chồng chất. Trong khi dự án cũ chưa đem lại những khoản bù chi ban đầu thì dự án mới lại “gánh” thêm những thiệt hại do các nhà thầu Trung Quốc... chậm trễ. Khoản nợ ngày càng một phình to càng nổi lên mối lo “cõng” nợ cho... thế hệ sau.

Càng chậm... càng nợ!

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một trong 10 nước có tiềm năng lớn về phát triển các nguồn năng lượng, nhưng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự thiếu hụt điện. Thực tế thời gian qua cho thấy, phát triển năng lượng của Việt Nam còn nhiều hạn chế, tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm đều chậm, trong khi đó các nguồn năng lượng hiện tại không có dự phòng, vì thế không những không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển mà còn thiếu hụt, gây cản trở trong công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Đáng nói, các dự án chậm tiến độ kéo theo khoản nợ công trong lĩnh vực này bị đội lên với con số không hề nhỏ.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) cho thấy, dự kiến đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện khoảng 929.700 tỉ đồng, tương đương 48,8 tỉ USD. Dự báo đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 75.000MW. Trong đó thủy điện chiếm 23,1\%, thủy điện tích năng 2,4\%, nhiệt điện than 48\%, nhiệt điện khí đốt 16,5\%, nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 5,6\%, điện hạt nhân 1,3\% và nhập khẩu điện 3,1\%.

Như vậy, có thể thấy tỷ trọng nguồn cung cấp điện giá rẻ (thủy điện) sẽ ngày càng giảm (tính đến cuối năm 2010 chiếm khoảng 38\%). Điều đó đồng nghĩa suất đầu tư các nhà máy điện và giá điện sẽ ngày càng tăng, nhằm đảm bảo việc cung ứng đầy đủ điện cho nền kinh tế và đời sống xã hội.

Trong báo cáo đánh giá về Quy hoạch điện VI, Bộ Công Thương cho rằng, sự chậm trễ của nhiều dự án trong Quy hoạch điện VI do các chủ đầu tư phải dàn trải nguồn vốn, nhân lực hạn hẹp cùng lúc vào một số lượng lớn dự án nhưng công tác điều hành chưa thực sự quyết liệt, chưa ưu tiên đúng mức những dự án trọng tâm.

Bên cạnh đó là tình trạng các nhà thầu không đủ năng lực, kể cả năng lực tài chính dẫn đến kéo dài thời gian xây dựng, các công trình xây dựng xong vận hành không ổn định, liên tục phải dừng máy để sửa chữa, thay thế, hiệu chỉnh.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về tính khả thi của việc triển khai Quy hoạch điện VII, một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, việc có thêm 50.000MW công suất điện vào năm 2020 (hiện tổng công suất nguồn điện cả nước khoảng 25.000MW) là điều rất khó thực hiện. Bài học này đã thể hiện ngay khi thực hiện Quy hoạch điện VI. Chưa bao giờ ngành điện đáp ứng được nhu cầu phát triển hàng năm (khoảng 3.780MW) nên đã dẫn đến tình trạng thiếu điện kéo dài.

Theo tính toán của vị chuyên gia này, kế hoạch đưa vào 4,060MW công suất thiết kế trong năm 2014 (tương đương 13,32\% tổng công suất toàn quốc) sẽ bị lùi lại ít nhất là hai năm. Theo Quy hoạch điện VII, hệ số đàn hồi theo thu nhập của Việt Nam là 2, nghĩa là để có tăng trưởng 1\% GDP thì cần tăng trưởng 2\% nhu cầu điện. Như vậy, nếu mất đi 13,32\% tăng trưởng về nguồn điện thì khả năng tương ứng cũng mất đi 6,66\% tăng trưởng GDP. Đây chỉ là suy luận mang tính ước lượng, tuy nhiên qua đó cũng thấy rằng việc tăng trưởng GDP trong năm 2014 và 2015 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên nhân khiến nợ công ngành điện tăng là do các dự án nhiệt điện chậm tiến độ.

Nợ công: Báo động!

Trong một báo cáo được phát đi từ Bộ Tài chính cho thấy, năm 2013 tổng số vốn vay nợ công (gồm vay Chính phủ, vay được bảo lãnh Chính phủ và vay của chính quyền địa phương) ước đạt 513.720 tỉ đồng, tăng 23,4\% so với năm 2012. Tổng số dư nợ công đến ngày 31/12/2013 ở mức 1.913 nghìn tỉ đồng, bằng 53,4\% GDP.

Trong đó dư nợ Chính phủ ở mức 1.488 tỉ nghìn đồng, bằng 41,5\% GDP. Cũng tính đến cuối năm 2013, tổng số dự án được cấp bảo lãnh vay nước ngoài là 104 dự án, trong đó có 23 dự án đã kết thúc trả nợ, còn 81 dự án vẫn đang trong giai đoạn được bảo lãnh. Các dự án được nhắc đến khá nhiều trong lĩnh vực điện.

Số liệu từ Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, trong năm 2013, có những dự án nhiệt điện đã hoàn thành rút vốn và nghiệm thu quá 6 tháng nhưng chưa đăng ký tài sản đảm bảo theo quy định. Kiểm toán Nhà nước dẫn chứng nhiều trường hợp như dự án Nhiệt điện Cẩm phả (vay bảo lãnh Chính phủ 225,25 triệu USD); Dự án Nhiệt điện Cà Mau (216,25 triệu USD); Dự án Nhiệt điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2 (164, 62 triệu USD); Dự án Nhiệt điện Sơn Động (247,2 triệu USD)...

Trong một dữ liệu của mình, EVN phải thừa nhận, đối với nguồn vốn vay nước ngoài, tuy có ưu điểm là hạn mức vay lớn, lãi suất vay thấp, thời gian ân hạn cả trả gốc và lãi dài, lãi suất vay ổn định. Nhưng thực tế thì gần như EVN vẫn chưa thể chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vốn này. Với mỗi hiệp định vay lại có những tiêu chí lựa chọn dự án tham gia và điều kiện giải ngân khác nhau. Chung quy lại thủ tục vay thường phức tạp và có những điều kiện riêng của các tổ chức cho vay mà nhiều khi EVN không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận.

Hơn nữa, các hiệp định vay có thời hạn giải ngân rất cụ thể, hết thời hạn giải ngân sẽ không được giải ngân nữa, dù hạn mức vay vẫn còn và dự án vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, các ngân hàng trong nước sẽ không cho vay tiếp đối với các dự án đã được cho vay bởi một nguồn vốn vay khác mặc dù khối lượng còn lại của dự án chưa được giải ngân là khá lớn (có những dự án còn khối lượng cần giải ngân từ 15 - 20 tỉ đồng).

Tuy nhiên, khi trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, nhiều chuyên gia cho rằng, dư nợ công trong lĩnh vực điện tăng nhanh qua các năm, trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có việc huy động và sử dụng vốn vay chưa hợp lý, phân bổ sử dụng vốn vay còn dàn trải và tập trung vào việc tăng quy mô mà chưa đề cao hiệu quả. Mặt khác, trong thời gian gần đây, xu hướng dự án được Chính phủ bảo lãnh/cho vay lại gặp khó khăn trả nợ gia tăng, làm tăng nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, đồng thời tiếp tục tạo ra tâm lý dựa dẫm vào sự bảo đảm của ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp được bảo lãnh, trong đó có EVN.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), nhiều dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VI trước đây bị chậm, đặc biệt các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận đang là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng nợ công ngành điện tăng lên. VEA cũng cho rằng cần có cơ chế, chính sách để động viên, khuyến khích các nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, kể cả tư nhân có vốn, có điều kiện liên doanh, liên kết với nước ngoài (các nước G7, châu âu) đầu tư các nguồn nhiệt điện, nên lựa chọn các nhà đầu tư từ các nước phát triển... Bên cạnh đó EVN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan ngoài việc rà soát, hiệu chỉnh lại các quy hoạch về ngành điện, cần tiếp tục triển khai đồng thời việc rà soát quy hoạch, tiến độ đầu tư các dự án điện trên toàn quốc để hạn chế việc đầu tư dàn trải.

Nợ công Việt Nam vượt 905 USD/người

Theo bảng đồng hồ nợ công toàn cầu được đăng tải trên trang web của tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist, tính đến giữa tháng 6/2014, mỗi người Việt Nam đang gánh trên vai 905,18 USD nợ công. Tổng cộng, nợ công của Việt Nam ở mức 81,855 tỉ USD. Nợ công chiếm 47,7\% GDP và đã tăng 10,9\% so với năm 2013.

Theo số liệu của ngân hàng Nhà nước, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN tính đến cuối tháng 7/2013 là 118.840 tỉ đồng - mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một doanh nghiệp Nhà nước. Còn theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, nợ vay ngắn hạn, dài hạn từ các ngân hàng thương mại của EVN là hơn 103.000 tỉ đồng, chưa kể, khoản nợ nước ngoài 112.625 tỉ đồng.

Tin nổi bật