Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 22: EVN làm gì khi nhiệt điện “đói” than?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Ước tính đến năm 2015, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 3 triệu tấn than và đến năm 2020 ít nhất thiếu hơn 40 triệu tấn, bằng tổng sản lượng than toàn ngành năm 2013.

(ĐSPL) - Ước tính đến năm 2015, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 3 triệu tấn than và đến năm 2020 ít nhất thiếu hơn 40 triệu tấn, bằng tổng sản lượng than toàn ngành năm 2013. Và,với hàng loạt nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, EVN sẽ giải quyết bài toán thiếu than như thế nào?

Đây là số liệu được đưa ra trong báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV), so sánh nhu cầu dự báo và khả năng khai thác trong nước cho thấy, từ năm 2015 sẽ thiếu than và đến năm 2020, việc khai thác than tối đa chỉ đáp ứng được 50\% nhu cầu.

Người dân lại "lo sốt vó" vì điện

Chiều ngày 2/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong tháng 7 này, nguồn cung cấp khí để phát điện ở miền Nam bị cắt giảm. Cụ thể, từ ngày 6-19/7 sẽ ngừng toàn bộ khí PM3 cung cấp cho nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 với tổng công suất 1.500MW. Các ngày còn lại trong tháng 7, sản lượng khí PM3 sẽ cấp ở mức 4,7 triệu m3/ngày. Bên cạnh đó, miền Bắc và miền Trung đang bước vào mùa mưa bão với những diễn biến và ảnh hưởng khó lường đối với tất cả các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Ngay sau khi thông tin này đưa ra, nhiều chuyên gia tỏ ra hết sức lo ngại. Bởi trước đây, khi chưa bị cắt giảm khí để phát điện, EVN đã đắm chìm vào "vũng lầy" thiếu điện. Sắp tới, khi bị cắt giảm, Tập đoàn Điện lực lấy gì để bù đắp vào khoản thâm hụt điện chắc chắn sẽ thiếu. Tuy nhiên, ngay sau đó, EVN đã lên tiếng trấn an rằng, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt với công suất khả dụng trên 22.000MW (kể cả trong giai đoạn cắt khí). Theo tập đoàn này, để đảm bảo cung cấp đủ điện, an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, EVN đã yêu cầu một số hồ thủy điện miền Nam có mức nước cao là Đa Nhim, Trị An, Hàm Thuận, Đại Ninh, Đồng Nai 3 tăng cường khai thác ngay từ đầu tháng Bảy và đặc biệt trong các ngày cắt khí PM3. Nguồn nhiệt điện than sẽ khai thác cao theo tình hình phụ tải và điều chỉnh kịp thời khi có lũ về ở miền Bắc. Nguồn nhiệt điện dầu được huy động để đảm bảo cung cấp điện trong những ngày cắt khí PM3 và chống quá tải khi cần thiết. Riêng nguồn tuabin khí sẽ khai thác cao theo khả năng cấp khí, đảm bảo cấp điện miền Nam. Tuy nhiên, dù có trấn an như thế nào đi chăng nữa, việc thiếu điện ở miền Nam vẫn khiến cho cả EVN và người dân lo lắng.

Từ trước đến nay, nhiều người đã quá quen với những cái "cớ" mà EVN đưa ra để tăng giá điện. Việc cứ "than khó, than khổ" để rồi đề xuất tăng giá đang làm xấu đi hình ảnh của tập đoàn Nhà nước này. Nhiều chuyên gia từng lên tiếng, việc EVN giao hàng loạt nhà máy nhiệt điện cho nhà thầu Trung Quốc thi chậm tiến độ, "lười" sản xuất điện để mua điện nước ngoài chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện.

Giai đoạn đầu năm 2013, chứng kiến sản lượng điện của EVN quá "khiêm tốn", một chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn lên tiếng khẳng định, trong giai đoạn từ tháng Ba đến tháng Sáu thường là giai đoạn nắng nóng ở miền Nam và miền Bắc nên nhu cầu điện tăng rất cao. Trước tình hình sản xuất điện phục vụ mùa khô khó khăn như vậy, EVN đã ngay lập tức đề xuất tăng giá điện. Theo vị chuyên gia này, phân tích số liệu cho thấy, EVN đang rất “lười” sản xuất điện. Sản lượng điện do EVN sản xuất đang có xu hướng giảm mạnh, đồng nghĩa với việc điện mua ngoài tăng nhanh.

Nhiều người đặt câu hỏi EVN sẽ duy trì nhà máy nhiệt điện như thế nào khi thiếu than (Ảnh minh họa)

Thiếu than, thiếu điện và cái "cớ" để đưa giá điện "lên trời"(!)

Theo Báo cáo của TKV, ngày 16/12/2013 về tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển than đã được phê duyệt theo Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg (Quy hoạch 60) thì tổng trữ lượng và tài nguyên bể than Đông Bắc và vùng Nội địa giảm 1.875.988 ngàn tấn (giảm 20,8\%) so với Quy hoạch 60, do việc cập nhật tài nguyên, trữ lượng theo Báo cáo kết quả giai đoạn 1 Đề án "Điều tra, đánh giá tiềm năng than dưới mức -300m, bể than Quảng Ninh" đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trước đó.

Như vậy, chỉ sau một năm phê duyệt Quy hoạch 60, trữ lượng than đã "bốc hơi" gần 2 tỉ tấn do mức độ tin cậy thấp của số liệu báo cáo thăm dò. Tính đến 31/12/2013, tổng trữ lượng và tài nguyên bể than Đông Bắc và vùng Nội địa còn lại là 6.933.125 ngàn tấn, trong đó phần tài nguyên đạt cấp trữ lượng rất thấp, chỉ khoảng 30\%. Ngoài ra, việc khai thác bể than Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) hiện chưa rõ về công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường, ngay cả khả năng khai thác thử nghiệm theo dự kiến cũng bị lùi lại. Hiện còn chưa biết sẽ làm ở địa điểm nào và khi nào bắt đầu. Thứ hai, khả năng nâng cao sản lượng khai thác bị hạn chế và giảm so với Quy hoạch đã được duyệt. Đến thời điểm này có thể khẳng định, việc khai thác than ở ĐBSH trong giai đoạn này là chưa thể thực hiện được. Do vậy, mức sản lượng tối đa đến năm 2025-2030 theo Quy hoạch 60 có thể đạt chỉ là khoảng 65 triệu tấn. Tuy nhiên, theo báo cáo của TKV về tình hình thực hiện Quy hoạch 60 sau khi rà soát lại tình hình tài nguyên, trữ lượng than thì khả năng tối đa chỉ đạt sản lượng than thương phẩm khoảng 55 triệu tấn/năm, hụt so với Quy hoạch 60 khoảng 10 triệu tấn.

Như vậy, so sánh nhu cầu dự báo và khả năng khai thác trong nước cho thấy, từ năm 2015 sẽ thiếu than và đến năm 2020 tối đa chỉ đáp ứng được 50\% nhu cầu, đặc biệt than cho sản xuất điện sẽ thiếu trầm trọng. ước tính đến năm 2015 thiếu khoảng 3 triệu tấn và đến năm 2020 ít nhất thiếu hơn 40 triệu tấn, bằng tổng sản lượng than toàn ngành năm 2013.

Để đáp ứng nhu cầu than, Quy hoạch 60 đã đề ra chủ trương nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than đưa về nước. Tuy nhiên, việc nhập khẩu than dài hạn với khối lượng hàng chục triệu đến hơn trăm triệu tấn/năm là vô cùng khó khăn do nguồn cung than ngày càng hạn chế trong khi nhu cầu than của các nước ngày càng tăng với sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường.

Trước thông tin này, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, một chuyên gia đứng đầu ngành năng lượng khẳng định: Việc thiếu than cho các nhà máy nhiệt điện là điều rất đáng lo ngại trong ngành điện. Qua các con số này có thể thấy được rằng, việc EVN xây nhiều các nhà máy nhiệt điện than nhưng họ chưa mấy chú trọng đến quy hoạch nguyên liệu để duy trì các nhà máy. Tôi tự hỏi, khi thiếu than, các nhà máy nhiệt điện do EVN làm chủ đầu tư sẽ hoạt động thế nào. Trong trường hợp duy trì được sự vận hành của các nhà máy bằng nguồn than nhập khẩu nước ngoài với giá cao thì ai biết được "ông điện" sẽ tiếp tục đòi tăng giá và đưa giá điện lên cao đến mức nào?

Được biết, từ ngày 1/1/2014 giá than bán cho ngành điện đã được điều chỉnh theo giá thị trường với mức tăng từ 4-10\% tùy theo từng loại than. Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, giá than bán cho ngành điện trong thời điểm hiện nay đã đủ bù chi phí sản xuất, TKV không phải bù lỗ nữa sau lần điều chỉnh theo giá thị trường từ ngày 1/1/2014 với mức tăng từ 4 - 10\% tùy loại than.  Tuy nhiên, ông Biên cho biết, mức giá than đủ bù chi phí sản xuất là trong điều kiện hiện tại, và sau này khi khai thác than ở các tầng sâu hơn thì chi phí sản xuất than sẽ tăng cao hơn.

Vị chuyên gia ngành năng lượng cho rằng, trước đây, giá than bán cho điện chỉ chiếm khoảng 70\% giá thành. Mỗi năm, TKV phải bù lỗ cho điện gần 7.000 tỉ đồng nên xu hướng tăng giá than theo giá thị trường có thể sẽ xảy ra vì không thể để ngành than bù lỗ cho điện mãi được. Điện sản xuất đang có xu hướng giảm, trong khi giá than đầu vào tăng bằng giá thành sản xuất, chắc chắn, thời gian tới, EVN lại tiếp tục điệp khúc đề xuất tăng giá điện để bù lỗ. 

Do tiêu chuẩn ngành không đáp ứng thông số đầu vào nên than antraxit của Việt Nam dùng cho các nhà máy điện là than rất xấu, không phân loại cỡ hạt nên ảnh hưởng đến chi phí đầu tư và vận hành. Thậm chí, có những hạt than to như mũ cối thì làm sao có thể thiết kế được chi tiết, chính xác và đảm bảo an toàn cho nhà máy. Việc quy hoạch nguồn than nội cho các dự án cũng vướng khiến cho có dự án sau khi hoàn thành quy hoạch rồi thì lại lúng túng với dự án nguồn than.

(Một chuyên gia ngành năng lượng bày tỏ)

Còn nữa

Tin nổi bật