(ĐSPL) - Việc các nhà thầu Trung Quốc thi công dự án nhiệt điện ở Việt Nam chậm tiến độ kéo dài, tỉ lệ nội địa hóa bằng 0\% khiến nhiều chuyên gia cảm thấy lo ngại.
Nhận xét về thực trạng này, các chuyên gia ngành năng lượng cho rằng, sở dĩ các nhà thầu Trung Quốc thoải mái “câu giờ” tiến độ dự án là do năng lực quản lý của chủ đầu tư còn kém. Bên cạnh đó, để được trúng thầu thi công tại các dự án điện, các nhà thầu Trung Quốc rất biết cách “chiều” chủ đầu tư Việt Nam...
Nhà thầu Trung Quốc biết cách “chiều” chủ đầu tư?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Trường Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho rằng, Luật Đấu thầu, đầu tư của nước ta không giống bất cứ nước nào trên thế giới. Trong công tác đấu thầu các dự án nhiệt điện, chúng ta luôn có tư duy chọn nhà thầu bỏ rẻ. Cái tư duy này vô tình biến Luật Đấu thầu thành đấu giá và không cho các nhà thầu Việt Nam cơ hội để tham gia vào các công trình trọng điểm. Ngược lại với Việt Nam, các nước trên thế giới lại không chọn những nhà thầu bỏ quá rẻ. Họ chọn nhà thầu bỏ giá hợp lý nhất có thể.
“Tôi lấy ví dụ, ở nước ngoài, một công trình nhiệt điện có 11 nhà thầu chào thầu, trong đó có 5 nhà thầu bỏ cao, 5 nhà thầu bỏ thấp thì nhà thầu đứng ở giữa thường thường sẽ được chọn. Rõ ràng việc chọn nhà thầu bỏ rẻ đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận sẽ sử dụng công nghệ không tiên tiến, hiện đại. Bởi nguyên tắc “tiền nào của ấy” ai cũng biết”, ông Tiến dẫn chứng.
Ông Nguyễn Trường Tiến. |
Cũng theo ông Tiến, các chủ đầu tư của Việt Nam từ trước đến nay tỏ ra không chuyên nghiệp trong lĩnh vực đấu thầu. Họ vốn kém chuyên môn lại không thiết lập một hệ thống tư vấn độc lập cho chủ đầu tư. Bởi chủ đầu tư không có chuyên môn nên phải có một đơn vị có chuyên môn để thẩm định dự án, chất lượng khi hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư không có tiêu chí kỹ thuật để đánh giá các nhà máy nhiệt điện. Cái “bẫy thầu” giá rẻ đã được rất nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo nhưng dường như nó không có tác dụng đối với các chủ đầu tư. Bởi khi bỏ thầu rẻ, họ sẽ thực hiện chậm tiến độ, đòi tăng giá thì mới tiếp tục thi công. Chúng ta đã mời họ vào nhà, đã bị ràng buộc thì phải cho họ làm tiếp. Giá lúc này có thể bị đội lên gấp rưỡi hoặc gấp hai lần.
Ông Tiến cũng cho rằng, bỏ thầu giá rẻ chỉ là một phần, còn quan trọng nhất là các nhà thầu Trung Quốc rất biết cách “chiều” các chủ đầu tư để liên tiếp trúng thầu trong những nhà máy nhiệt điện.
“Ai cũng có thể thấy rõ, chẳng có một nhà máy nhiệt điện, thủy điện, xi măng... nào của tư nhân mà lại giao cho các nhà thầu Trung Quốc thi công và mua các thiết bị của nước này. Bởi các chủ nhà máy tư nhân không như chủ đầu tư của tập đoàn Nhà nước, họ rất đề cao vấn đề chất lượng. Còn các chủ đầu tư của tập đoàn Nhà nước thì sau 4-5 năm, họ sẽ “hạ cánh an toàn” với “một khoản” kha khá và người quản lý nhà máy nhiệt điện đó sẽ “chịu trận” với các thiết bị Trung Quốc có thể “dở chứng” bất cứ lúc nào. Đây không phải là câu chuyện mới mà nó đã xảy ra rất lâu rồi, từ thập kỷ 60 đến nay. Theo tôi được biết, các công trình Trung Quốc xây cho Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ XX cho đến năm 1979, không có công trình nào có hiệu quả cả, từ nhà máy nhiệt điện, phân bón, cơ khí...”, vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam khẳng định.
Năng lực chủ đầu tư kém dẫn đến nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ? |
Cần chế tài phạt chủ đầu tư khi nhà thầu “câu giờ”?
Dẫn lời ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), từ năm 2003 đến nay, nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu 5/6 dự án hóa chất; 2/2 dự án chế biến khoáng sản; 49/62 dự án xi măng; 16/27 dự án nhiệt điện... Nhưng hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, rất nhiều công trình chậm 2 - 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều, một số phải thay thế. Nhà thầu Trung Quốc cũng hay thay đổi thiết bị, tiêu chuẩn vật liệu so với cam kết ban đầu... nên trúng thầu với giá thấp nhưng rồi lại đội giá lên.
Theo ông Thụ, công tác kiểm tra giám sát, đánh giá năng lực nhà thầu của chủ đầu tư còn yếu. Việc thương thảo và ký kết hợp đồng chưa chặt chẽ, chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp chế tài xử lý vi phạm nhà thầu. Đồng thời chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các chủ đầu tư không quản lý tốt các dự án đầu tư. Vì thế, dẫn đến nhà thầu sử dụng 100\% thiết bị vật liệu và lao động phổ thông trên các công trường xây dựng. Chủ đầu tư - người được giao quyền sử dụng vốn Nhà nước, nếu có trách nhiệm với xã hội khi tiêu dùng tiền đó thì hoàn toàn có cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước được tham gia.
Cùng quan điểm, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Trường Tiến khẳng định, chúng ta có một thỏa thuận với các nước trên thế giới về đạo đức nghề nghiệp trong xây dựng. Thỏa thuận trên đã được các Thủ tướng của các nước ký. Nội dung thỏa thuận này xoay quanh việc tham nhũng và xây dựng đạo đức nghề nghiệp của các chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam chủ đầu tư của tập đoàn Nhà nước không ai phải chịu trách nhiệm với những việc họ đã quyết định cả. Ví dụ như họ quyết định chọn nhà thầu để chậm tiến độ dự án, mua thiết bị kém chất lượng... nhưng không bị xử lý. Đó là điều vô lý. Theo ông Tiến, phải có một chế tài xử lý người cụ thể ra quyết định chọn nhà thầu xây dựng các nhà máy chậm tiến độ, trục trặc trong quá trình vận hành. Tuy nhiên, để làm được việc đó có vẻ như rất khó khăn.
Dẫn lời chuyên gia kinh tế Phạm Sỹ Thành (viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) - thuộc đại học Kinh tế Quốc dân), hiện nay Việt Nam đang thiếu một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ liên quan đến việc đấu thầu và xử lý sai phạm. Bên cạnh nhiều dự án tổng thầu của Việt Nam với Trung Quốc được thực hiện bởi vốn ODA của Trung Quốc nên Việt Nam bị các ràng buộc về việc lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, có thể thấy nhiều trường hợp nhà thầu nước ngoài chậm tiến độ, hoặc đội giá công trình với các lý do không thuyết phục, nhưng các bộ, ngành chủ quản của Việt Nam vẫn không xử lý mạnh tay. Bởi với vai trò người bỏ vốn, cơ quan chủ quản của Việt Nam thường chỉ có khả năng đánh giá chất lượng công trình sau khi đã hoàn thành nên rất khó ngăn chặn sai phạm của các nhà thầu.
Cũng theo chuyên gia Phạm Sỹ Thành, hiện nay, một số quốc gia trên thế giới cấm đấu thầu đối với một số nhà thầu nước ngoài khi thực hiện các công trình liên quan đến an ninh (bao gồm cả an ninh truyền thống và phi truyền thống) và quốc phòng. Australia, Mỹ, Canada đều đã từng không chỉ cấm một số tập đoàn viễn thông và dầu mỏ của Trung Quốc đấu thầu các dự án trọng điểm của mình mà còn bác bỏ các vụ mua bán - sáp nhập của các tập đoàn này với các công ty trong nước vì lý do an ninh. Việt Nam cũng có thể làm tương tự đối với các dự án điện.
Hợp đồng lỏng lẻo Việc nhà thầu Chengda của Trung Quốc tuyển 2.100 lao động Trung Quốc sang nhà máy nhiệt diện Duyên Hải 3 xuất phát từ việc hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư Việt Nam và nhà thầu Trung Quốc không phải hợp đồng quốc tế. Hiện nay có một mẫu hợp đồng xây dựng quốc tế và đã vào Việt Nam khoảng 20 năm nay. Tuy nhiên, tôi không hiểu vì sao Việt Nam không sử dụng hợp đồng này mà sử dụng những mẫu hợp đồng rất lỏng lẻo. Hợp đồng lỏng lẻo dẫn đến việc nhiều sự cố ngoài hợp đồng xảy ra rất dễ dẫn đến tranh chấp và chắc chắn sẽ bất lợi cho chủ đầu tư. (Một chuyên gia ngành xây dựng phân tích) Những bài học bị bỏ quên “Những năm 1990, chúng ta nhập một loạt nhà máy đường của Trung Quốc với giá 6 triệu USD, được trả chậm và những năm sau, mỗi tỉnh lại nhập thêm nhà máy xi măng lò đứng. Sau thời điểm đó, chúng ta mới nhận ra mình đã trở thành “bãi rác” công nghệ của Trung Quốc. Bởi, họ đẩy sang Việt Nam toàn công nghệ lạc hậu, đã qua sử dụng. Tuy nhiên, bài học về nhà máy đường, xi măng vẫn còn đó nhưng chúng ta không rút được kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà máy nhiệt điện. Tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa, việc giao cho các nhà thầu Trung Quốc thực hiện các dự án nhiệt điện là do sự thiếu chuyên nghiệp của các chủ đầu tư”. (Ông Nguyễn Trường Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam) |