Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 10: Cuộc “thoái lui” khi nhà thầu Trung Quốc... “chiếm sân”

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Hệ lụy của việc EVN ưu ái quá nhiều cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện nhiều dự án nhiệt điện không chỉ đẩy các doanh nghiệp trong nước bên bờ... vực thẳm, mà còn khiến các nhà thầu uy tín nước ngoài sẽ dần rút chân ra khỏi thị trường Việt Nam.

(ĐSPL) - Hệ lụy của việc EVN ưu ái quá nhiều cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện nhiều dự án nhiệt điện không chỉ đẩy các doanh nghiệp trong nước bên bờ... vực thẳm, mà còn khiến các nhà thầu uy tín nước ngoài sẽ dần rút chân ra khỏi thị trường Việt Nam. Rốt cuộc, một nền công nghiệp nhiệt điện với những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật và trang thiết bị hiện đại lại đang tiềm ẩn nguy cơ... "hàng lởm".

Nhà thầu ngoại xin... xin rút!

Trong khi thực hiện loạt bài viết này, PV báo Đời sống và Pháp luật nhận được thông tin từ một nhà thầu uy tín đến từ G7 (khối các nước có nền công nghiệp hiện đại nhất thế giới), những phản ánh không mang tính tố cáo nhưng nó thể hiện sự chán nản và buồn bã trước một sự thật... "có một không hai" trong các dự án nhiệt điện mà hẳn chỉ có những người dấn thân quá sâu trong lĩnh vực này mới có thể hiểu đến từng... "chân tơ kẽ tóc".

Dẫn lời với điều kiện giấu danh tính từ phía nhà thầu này, họ được mời tham dự một gói thầu EPC để xây dựng nhà máy nhiệt điện có công suất lớn. Đây là một dự án được thực hiện cấp bách theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng điện trong giai đoạn 2017-2018 và những năm tiếp theo.

Thực tế cấp bách đó đòi hỏi các nhà thầu tham dự phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chủ đầu tư, đặc biệt là tiến độ, chất lượng và độ tin cậy của nhà máy nhiệt điện...

Tuy nhiên, khi bắt tay tham gia, nhà thầu này mới té ngửa, thời gian cho mình chuẩn bị hồ sơ chào thầu chỉ vẻn vẹn có một tháng. Đáng nói, nhìn vào quy mô và tính chất của gói thầu, bằng bề dày kinh nghiệm của mình, nhà thầu này cũng phải lắc đầu ngao ngán với thời gian yêu cầu... "thần tốc". Chỉ bằng phép nhẩm nhanh của nhà thầu, thì riêng công tác thiết kế căn bản, thực hiện đàm phán với các nhà chế tạo thiết bị, phối hợp cùng các đối tác liên quan... cũng chiếm trọn vài tháng.

"Thực tế yêu cầu một tháng cũng sẽ có một bản chào đầy đủ, tuy nhiên nó sẽ cho ra một bản chào tùy tiện và thiếu chuyên nghiệp, như thế sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn cho quá trình thực hiện sau này. Thời gian đưa ra chỉ có các nhà thầu thực hiện theo hình thức copy và dán từ gói thầu trước vào gói thầu này mới thực hiện được.

Đây là dự án mở rộng, dự án cạnh dự án này có quy mô và các điều kiện khác tương tự nhau do nhà thầu Trung Quốc thi công. Thời gian một tháng chỉ kịp nếu như "sao y" bản chính hồ sơ của dự án bên cạnh do nhà thầu Trung Quốc thi công.  Cách làm đó sẽ không tính đến tính chất, quy mô và độ phức tạp khác nhau giữa các gói thầu.

Với các nhà thầu uy tín và có thương hiệu, chúng tôi không bao giờ làm việc thiếu trách nhiệm như vậy. Nếu cứ tiếp tục kiểu chào thầu này, chúng tôi không sớm thì muộn sẽ xin rút khỏi Việt Nam", đại diện nhà thầu đề nghị giấu tên này nói.

Đáng nói, phản ánh từ nhiều nhà thầu nước ngoài có uy tín trong lĩnh vực nhiệt điện còn cho thấy, rất nhiều tiêu chí và cách thức chủ đầu tư Việt Nam đưa ra đang có ý nghiêng về các nhà thầu Trung Quốc.

"Bên cạnh việc ưu ái cho giá rẻ, xem nhẹ tiêu chí chất lượng và tuổi thọ dự án, chủ đầu tư còn đưa ra nhiều định khung khiến các nhà thầu nước ngoài khác khi vào tham dự cũng gặp muôn vàn cái khó", đại diện một nhà thầu bức xúc nói.

Thực tế trên đang khiến các nhà thầu uy tín rơi vào cảnh chán nản và tính chuyện rút khỏi Việt Nam khi thị trường nhiệt điện đã nằm trọn trong tay các nhà thầu Trung Quốc. Lúc đó, nền công nghiệp nhiệt điện đòi hỏi kỹ thuật và chất lượng cao của Việt Nam sẽ vướng vào đầy rẫy những rủi ro vì lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Nhà thầu uy tín quốc tế xin rút, nhà thầu nội thì "chết yểu" vì sự ưu ái của EVN với nhà thầu Trung Quốc trong các dự án nhiệt điện.

Nhà thầu Việt Nam... "chết yểu"?!

Còn nhớ cách đây không lâu, đại diện một tập đoàn kinh tế lớn trong nước phải lên tiếng khi chứng kiến lần lượt từng dự án nhiệt điện do EVN làm chủ đầu tư rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc.

Để dẫn chứng cho sự thất bại của các doanh nghiệp Việt Nam ngay trên sân nhà, vị này đưa ra số liệu của Bộ Công thương, tính đến năm 2020, ngành nhiệt điện ngốn hết 43.500 triệu USD, trong đó giá trị thiết bị chiếm từ 70-75\%.

"Thế nhưng, chúng ta lại tay trắng khi các nhà thầu Trung Quốc nhảy vào, tất cả máy móc thiết bị lẫn nhân công lao động phổ thông. Việc bỏ điều khoản nêu xuất xứ thiết bị để có hệ số đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật và giá trị, vô hình trung biến luật đấu thầu thành đấu giá. Thử hỏi trên thế giới này, có nước nào có thể đấu giá lại được với các nhà thầu Trung Quốc?

Đây cũng là nguyên nhân chính giải thích cho việc hầu hết các gói thầu nhiệt điện nước ta rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc và tất yếu các nhà thầu Việt Nam sẽ “chết yểu” ngay trên sân nhà", vị này nói.

Ông Phạm Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam thẳng thắng nhìn nhận: "Đã đến lúc chúng ta phải thể hiện ý chí của mình - ý chí quốc gia. Chúng ta không thể biện minh bằng việc đổ lỗi cho nhà thầu trong nước không đủ năng lực để thực hiện.

Thử hỏi 70 năm trước ở Nhật, 40 năm trước ở Hàn Quốc mà ngay chính Trung Quốc 25 năm trước, họ phải trải qua những chặng đường như chúng ta bây giờ, và lúc đó họ đã có những nhà thầu có đủ năng lực như bây giờ chưa? Bằng chính sách khuyến khích sản xuất, chế tạo trong nước, họ bắt buộc các nhà sản xuất, nhà thầu trong nước phải tự thực hiện, dù một vài dự án chưa thành công".

Cũng theo ông Hùng, chúng ta cần có một quyết sách mạnh mẽ để xây dựng, hình thành và phát triển bằng được một số tập đoàn công nghiệp của Việt Nam nhằm thực hiện vai trò tổng thầu EPC trong nước và tiến tới tham dự thầu quốc tế tại khu vực và thế giới. Các tập đoàn này sẽ góp phần tạo được một bước phát triển tăng trưởng cao về kinh tế và GDP hàng năm cho đất nước.

"Xây dựng thành công được một số tập đoàn công nghiệp nặng này chính là chúng ta hình thành được hệ thống xương sống cho nền công nghiệp nước nhà. Chúng ta có được một số trung tâm cơ khí chế tạo máy.

Sản phẩm của các trung tâm cơ khí này sẽ thay thế dần máy móc thiết bị nhập khẩu phục vụ cho nền kinh tế quốc dân trong thời bình, đồng thời cũng là những nền tảng cho ngành công nghiệp quốc phòng trong những hoàn cảnh cần thiết", ông Hùng khẳng định.

Đại biểu Quốc hội chất vấn về nhà thầu Trung Quốc

Theo tổng hợp của đoàn thư ký kỳ họp, tính đến chiều ngày 2/6/2014, đã có 95 văn bản chất vấn với 110 câu hỏi gửi đến Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ được tập trung vào nội dung các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.

Trong đó, nhiều trường hợp chậm trễ, kéo dài thời gian thi công rồi yêu cầu chủ đầu tư bù giá làm đội vốn đầu tư. Đáng chú ý là trong số chậm trễ đó có tới 30 dự án trọng điểm quốc gia, có nhiều dự án "tỷ đô" của ngành điện. Nếu trực tiếp đăng đàn, người đứng đầu Chính phủ sẽ trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội vào chiều 12/6 tới.

"Ở nước ta, nhiều dự án hạ tầng lớn đều do doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu thì vấn đề an ninh năng lượng, an ninh quốc gia, hiệu quả đầu tư thật sự rất đáng lo ngại, nhất là trong tình hình Biển Đông hiện nay...

Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của mình cũng như các bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu đề xuất cho nhà thầu Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Đồng thời Chính phủ cũng cần có giải pháp để sớm khắc phục tình trạng trên trong tình hình hiện nay.

(Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM)

Tin nổi bật