Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 9: “Nốt nhạc” bị bỏ quên trong “bài ca thiếu điện” của EVN

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Một nguyên nhân dẫn đến việc “bài ca” thiếu điện được EVN “ngân nga” mãi chính là do những “bùng nhùng” ở các dự án nhiệt điện chưa được giải quyết.

(ĐSPL) - Đã rất nhiều lần, các doanh nghiệp và người dân phản ứng rất mạnh khi EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) liên tục diễn “bài ca” cắt điện luân phiên.

TS. Lê Đăng Doanh từng nhấn mạnh rằng, có những đợt cắt điện đã gây ra những tác hại to lớn về kinh tế xã hội và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Và rồi, nhiều người nhận ra rằng, một nguyên nhân dẫn đến việc “bài ca” thiếu điện được EVN “ngân nga” mãi chính là do những “bùng nhùng” ở các dự án nhiệt điện chưa được giải quyết.

Thiếu điện vì nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ

Tháng 8/2008, nhiều chuyên gia kinh tế “sốc” khi EVN tuyên bố trả lại cho Chính phủ 13 dự án nguồn điện và tất cả đều là nhiệt điện chạy bằng than có công suất lớn.

Nguyên nhân mà EVN đưa ra là do tập đoàn này thiếu vốn đầu tư và những dự án trên được quy hoạch phải sử dụng những công nghệ mới mà EVN chưa có kinh nghiệm để thực hiện! Theo báo cáo, EVN đã đàm phán với nhiều ngân hàng trong và ngoài nước, nhưng do giá điện thấp và tình hình lạm phát tăng cao, nên tình trạng thu không đủ chi của EVN sẽ không đảm bảo khả năng trả nợ và các ngân hàng từ chối cho vay.

Được biết, tổng vốn đầu tư các dự án điện của EVN năm 2008 ước tính hơn 43.000 tỷ đồng, nhưng khi đó, EVN chỉ cân đối được xấp xỉ 36.000 tỷ đồng. Thiếu vốn cũng là lý do được EVN lý giải về tình trạng chậm tiến độ của nhiều dự án phát triển nguồn điện năm 2008-2009.

Lúc đó, đã có nhiều người đặt câu hỏi, liệu nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ cả năm trời ở hàng loạt các dự án nhiệt điện chỉ đơn thuần do thiếu vốn hay nhà thầu Trung Quốc thiếu năng lực.

Giải thích về việc thiếu điện trong những năm qua, một chuyên gia ngành năng lượng dẫn chứng, theo Quy hoạch điện VI giai đoạn 2006-2010, 25 công trình nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư hoặc góp cổ phần phải hoàn thành có tổng công suất đến 7.730 MW.

Tuy nhiên, tính đến hết năm 2010, EVN mới thực hiện hơn 81\% kế hoạch nói trên. Tính riêng năm 2010, các nguồn điện của EVN và các đơn vị khác được đưa vào vận hành chỉ đạt chưa đến 70\% tổng công suất theo quy hoạch đã được phê duyệt. Hầu hết các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ một năm.

Đáng chú ý là cả hai tổ máy nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 bị chậm tiến độ 27 tháng. Trong đó, tổ máy 1 vận hành từ cuối năm 2009, phát lên lưới được 260 triệu KWh, sau đó bị sự cố phải dừng từ 16/7/2010, mãi đến tháng 10/2010 mới khôi phục vận hành nhưng chưa ổn định, chưa rõ thời điểm được cấp chứng chỉ vận hành thương mại.

Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1 đã vận hành tổ máy 1 và 2 nhưng gặp liên tiếp sự cố, phải ngừng để sửa chữa. Còn nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 2 và Quảng Ninh 2 theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2009 và 2010 thì nay phải lùi sang năm 2011 do đều vướng mắc về hợp đồng tín dụng vay vốn với đối tác, dẫn đến khối lượng thực hiện được rất ít.

Thậm chí, nhà thầu EPC Trung Quốc đang đề nghị chủ đầu tư hiệu chỉnh thời hạn hợp đồng và tính toán các ảnh hưởng giá hợp đồng EPC. “Chính vì những nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ kéo dài là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện trầm trọng. Những năm qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất “kêu trời” vì thiệt hại từ việc bị cắt điện. Thậm chí, không ít doanh nghiệp điêu đứng, phá sản vì không có điện để sản xuất”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Theo các chuyên gia ngành năng lượng, nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ ở nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 được xác định do nhà thầu Trung Quốc.

Cụ thể, hợp đồng nhà máy là hợp đồng thiết kế, mua sắm thiết bị và xây dựng trọn gói (EPC), bàn giao cho chủ đầu tư sau khi nhà máy vận hành tốt. Nhưng do khó khăn về kinh tế giai đoạn cuối 2008-2009 nên nhà thầu không cung cấp được nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ xây dựng.

Viện lý do này, Tập đoàn điện khí Đông Phương (tổng thầu công trình) từng đề nghị chủ đầu tư bù giá 100 triệu USD do trượt giá nhưng không được chấp nhận. Không những thế, nhà thầu cũng không bố trí đủ công nhân cho công trình nên tiến độ đã chậm lại càng chậm.

Đáng chú ý, đến thời điểm đó, chủ thầu mới kết luận được nhà thầu Tập đoàn điện khí Đông Phương có năng lực quản lý hạn chế, thậm chí yếu kém. Theo hồ sơ dự thầu, Tập đoàn điện khí Đông Phương lần đầu thi công tại Việt Nam nên không có kinh nghiệm.

Mối quan hệ giữa tổng thầu và các thầu phụ kém, không liên kết được các thầu phụ trong từng hạng mục công trình, không có kế hoạch về tiến độ hoàn thành hạng mục, dẫn đến chậm theo dây chuyền.

Tương tự, tại Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (chủ đầu tư) cũng xác định Tập đoàn điện khí Thượng Hải (Trung Quốc) hoàn thành các phần việc không đúng tiến độ, mới vận hành thử và chạy tin cậy đã xuất hiện nhiều sự cố, công tác sửa chữa của nhà thầu chậm chạp do không có sẵn vật tư, thiết bị thay thế đặt hàng từ Trung Quốc gửi sang chậm. Nhà thầu này cũng không đủ nhân lực, chủ đầu tư phải hỗ trợ cả nhân lực cho nhà thầu.

Việc chậm tiến độ ở các nhà máy nhiệt điện là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu điện.

Lại “nóng” vì nỗi lo thiếu điện                     

Theo EVN, miền Nam đang tiếp tục đối mặt với nguy cơ tái diễn thiếu điện do trong năm 2014 khi chỉ có hai tổ máy của Nhiệt điện than Vĩnh Tân hai đưa vào vận hành với công suất 1.200 MW, các nguồn bổ sung khác hầu như chưa có.

Như thường lệ, nhu cầu điện sẽ tăng cao trong suốt thời gian từ tháng 3-6 với mức tăng dự báo khoảng 15\%. Trong khi đó, miền Nam không tự cân đối được công suất điện và luôn phải nhận thêm công suất từ miền Bắc và miền Trung.

Dự phòng công suất rất thấp, nhiều tháng gần như không có công suất dự phòng và thiếu công suất đỉnh nên tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối cung - cầu một số thời điểm trong năm. Bên cạnh đó, do sản xuất tăng trưởng nóng, nhiều dự án điện chậm tiến độ... cũng là nguyên nhân khiến EVN chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu về điện trong giai đoạn hiện tại, đặc biệt là điện sản xuất.

Mới đây, ngày 9/3, phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ khởi công dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, nhu cầu điện của Việt Nam có tốc độ tăng cao nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo đó, giai đoạn 2000-2013 nhu cầu điện của Việt Nam tăng bình quân 13\%/năm, gấp gần hai lần tăng trưởng GDP. Việc tăng trưởng nhu cầu điện nhanh là kết quả của quá trình công nghiệp hóa, điện khí hóa, chương trình đưa điện về nông thôn và nhu cầu sử dụng các thiết bị điện khi mức sống của người dân được nâng cao.

Dự báo đến năm 2020 nhu cầu điện toàn quốc đạt khoảng 300 tỉ KWh, gấp ba lần nhu cầu điện năm 2010. Do đó, để đáp ứng nhu cầu trên, Việt Nam phải khẩn trương xây dựng thêm rất nhiều công trình nhà máy điện mới.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lo ngại, do vừa qua, theo Quy hoạch 7, nhiều công trình nguồn điện, nhất là các công trình khu vực phía Nam bị chậm, nhiều khả năng sẽ xảy ra thiếu điện trong khu vực này giai đoạn 2017-2019.      

Có dự án có đến 400 yêu cầu thay đổi thiết kế!

Theo Viện trưởng viện Năng lượng Phạm Khánh Toàn, các nhà thầu nước ngoài đang thực hiện các dự án điện tại Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện hợp đồng EPC: Thiết kế của nhà thầu phải sửa đổi nhiều, không đúng tiêu chuẩn, không phù hợp nên chậm được phê duyệt, có dự án đến 400 yêu cầu thay đổi thiết kế so với hợp đồng; công nghệ xây lắp không tiên tiến; công tác mua sắm sai lệch so với hợp đồng về nhà cấp hàng, nhà thầu phụ, đặc tính kỹ thuật của hàng hóa.

Chưa có thị trường điện đích thực

Dẫn lời Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, vấn đề đáng chú ý là Việt Nam chưa có thị trường điện đích thực. Thị trường điện hiện nay chỉ là thị trường giả tạo, do cả lĩnh vực truyền tải và phân phối đều nằm trong tay EVN và mọi doanh nghiệp sản xuất điện đều phải bán hàng thông qua EVN.

Tình trạng độc quyền này làm cho chi phí sản xuất và phân phối điện trở nên thiếu minh bạch và có lẽ đây là điều làm cho người tiêu dùng và doanh nghiệp không dễ chấp nhận khi ngành điện đề xuất tăng giá bán.

Tin nổi bật