Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Bà hỏa” ghé thăm chung cư: Ai là người chịu trách nhiệm?

(DS&PL) -

Vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư Carina Plaza rạng sáng nay khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và 28 người bị thương. Câu hỏi đặt ra, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm

Vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại chung cư Carina Plaza (TP.HCM) rạng sáng nay đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và 28 người bị thương. Câu hỏi đặt ra, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại này?

Để rộng đường dư luận về trách nhiệm trong vụ hoả hoạn xảy ra tại chung cư Carina Plaza (Quận 8, TP.HCM), PV Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội). Theo luật sư Cường, việc quan trọng đầu tiên là phải chờ kết quả điều tra nguyên nhân gây ra vụ cháy; trách nhiệm thuộc về ai, từ đó mới xác định được trách nhiệm của các đối tượng liên quan đến sự việc để xảy ra sự cố.

Các thống kê được cập nhật đến thời điểm sáng 23/3. (Ảnh: Soha)

Luật sư Cường cho biết, với vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng như trên, nếu nguyên nhân xuất phát từ hệ thống phòng cháy chữa cháy thì phải nói đến trách nhiệm đầu tiên là của chủ đầu tư. Bởi luật PCCC quy định Chủ đầu tư thực hiện thủ tục trình duyệt dự án, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; chỉ được thi công khi thiết kế về an toàn phòng cháy và chữa cháy của công trình đã được duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng.Trong quá trình thi công công trình, nếu có thay đổi thiết kế thì phải giải trình hoặc thiết kế bổ sung và phải được duyệt lại.

Trong quá trình thi công công trình, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Việc không đảm bảo quy định về an toàn PCCC là chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên hiện nay các tòa nhà chung cư lại có các hình thức quản lý  khá đa dạng như: Ban Quản lý tòa nhà, Ban Quản trị, Doanh nghiệp kinh doanh nhà… do đó phải căn cứ vào hình thức quản lý của tòa nhà chung cư để tính đến trách nhiệm khi xảy ra các vụ cháy nổ.

Bởi trong quá trình sử dụng công trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thường xuyên kiểm tra, duy trì các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy. Qúa trình vận hành, sử dụng nhà chung cư thì cần bảo trì nhà chung cư. Hoạt động bảo trì nhà chung cư bao gồm việc kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, sửa chữa nhỏ, sửa chữa định kỳ và sửa chữa lớn phần xây dựng nhà chung cư; kiểm tra, duy trì hệ thống an toàn phòng cháy, chữa cháy; thay thế các linh kiện hoặc các thiết bị sử dụng chung của tòa nhà, cụm nhà chung cư. Trong các hạng mục của nhà chung cư được sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung để bảo trì thì có hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

Hình ảnh đầy ám ảnh, những chiếc chăn mềm được buộc lại để cư dân trèo xuống. (Ảnh: Zing)

Nếu chủ đầu tư, những người có liên quan để xảy ra vụ cháy sẽ phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho những người bị hại trong vụ cháy.

Thiệt hại này theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 bao gồm thiệt hại tính mạng, sức khỏe của nhưng người bị chết, bị thương và tài sản thiệt hại...(Quy định cụ thể về trách nhiệm dân sự liên quan đến bồi thường thiệt hại trong trường hơp này được Bộ luật Dân sự quy định tại các Điều từ 584 đến 593).

Cũng theo luật sư Cường, theo quy định pháp luật liên quan đến quản lý nhà chung cư thì Chủ đầu tư bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ đối với nhà chung cư theo quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Như vậy, nếu chủ đầu tư đã mua bảo hiểm cháy nổ theo đúng quy định thì trách nhiệm bồi thường dân sự sẽ được xem xét đối với đơn vị đã bán bảo hiểm đối với nhà chung cư này.

Lan can ở block B của tòa chung cư bị móp méo do một nạn nhân bị rơi từ tầng 19 xuống, hiện máu vẫn vương xung quanh. (Ảnh: Zing)

Có thể nói, hiện nay trong việc xây dựng các tòa nhà cao tầng, thì các vi phạm về điều kiện thoát nạn, thiếu phương tiện PCCC, các vi phạm về quản lý, sử dụng điện (nguyên nhân dễ dẫn đến cháy, nổ) vẫn chiếm tỷ lệ cao. Ngay cả các tòa nhà cao tầng, chung cư hiện đại khi tiến hành kiểm tra thì vẫn phát hiện các lỗi sai phạm này. Do đó khi có sự cố xảy ra thì cần xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, tổ chức thi công xây dựng tòa nhà đó.

Tuy nhiên, không thể không nhắc trong một số trường hợp hỏa hoạn là do ý thức của người dân tại tòa nhà kém, lấn chiếm, cơi nới các hành lang, lối đi thoát nạn do đó dễ dấn đến xảy ra cháy nổ. Trường hợp này cần điều tra, xem xét trách nhiệm của những cá nhân liên quan để có biện pháp xử lý thích hợp.

Lực lượng PCCC phải làm việc vất vả nhiều giờ mới có thể khống chế được ngọn lửa. (Ảnh: Zing)

Bên cạnh đó cũng cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc quản lý, giám sát hoạt động nghiệm thu, việc bàn giao tòa nhà cao tầng của các chủ đầu tư cho người dân nếu việc quản lý, giám sát không đầy đủ, thiếu trách nhiệm,…dẫn đến gây thiệt hại, nguy hiểm cho người dân khi vào sinh sống, làm việc trong tòa nhà.

Như vậy, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có cơ chế kiểm soát việc bàn giao nhà chung cư cho người mua vào ở; chỉ khi đảm bảo các điều kiện về môi trường sống, an toàn cho sức khỏe tính mạng cư dân, đảm bảo an toàn PCCC và đảm bảo công tác vệ sinh môi trường thì cơ quan quản lý mới cho phép chủ đầu tư thực hiện việc bàn giao nhà chung cư cho người mua.

Điều 313 Bộ luật luật Hình sự Việt Nam năm 2015 về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy quy định:

Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".


Dương Nhung

Tin nổi bật