Bộ Tài chính vừa đưa ra quy định áp trần giá cho 25 sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi cách đây không lâu. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân. Nhưng sau nhiều ngày thực hiện quy định này, nhiều chủ doanh nghiệp, đại lý sữa vẫn tỏ ra lơ là, thậm chí tìm cách lách luật khiến cho người dân vô cùng hoang mang. PV báo Đời sống và Pháp luật đã thâm nhập thực tế tìm hiểu vấn đề này tại nhiều cửa hàng, đại lý sữa ở TP.HCM.
Cho rằng quy định về áp trần giá sữa có hiệu lực ngày 21/6, nhiều người dân tin tưởng rằng con mình sẽ có cơ hội uống sữa tốt. Tuy nhiên khi họ hớn hở đến các đại lý sữa tìm mua thì bỗng dưng có cảm giác hụt hẫng. Chị Bùi Minh Hà (35 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) kể: "Tôi là người mẹ của hai đứa con, đứa đầu bốn tuổi, đứa thứ hai mới hơn 10 tháng tuổi. Biết tin sẽ có sự điều chỉnh giá cho tất cả các mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi, cụ thể sẽ giảm nhiều nhất 30\% nên tôi rất mừng.
Chờ đến ngày 21/6, khi quy định của Bộ Tài chính về việc áp trần giá bán lẻ các loại sữa có hiệu lực, tôi đến đại lý sữa T.H trên quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức, TP.HCM) chọn mua sữa. Nhân viên bán sữa của đại lý cho biết, mỗi hộp Similac Gain Plus IQ với Intelli có giá 510 ngàn đồng. Trong khi đó quy định theo giá mới của bộ Tài chính chỉ 405 ngàn đồng".
Sau khi chị Hà thắc mắc tại sao đại lý vẫn chưa giảm giá sữa, thì nhân viên bán hàng cho biết, do quy định giảm giá chỉ dành cho một số sản phẩm của hãng Atbott, chứ không phải sản phẩm nào cũng giảm nhiều. Cụ thể sản phẩm chị Hà mua cũng đã giảm 30 ngàn đồng, trước đây đại lý này bán giá 540 ngàn đồng/hộp. Trước sự giải thích của nhân viên, chị Hà chỉ biết ngậm ngùi từ chối mua sản phẩm mà mình đã chọn.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ các đại lý bán giá chênh lệch so với giá trần mà ngay cả những siêu thị lớn cũng có hiện tượng này. Tại siêu thị Coopmart thuộc phường 7, quận Gò Vấp nhiều mặt hàng sữa đã có ghi chú giảm giá nhưng chưa nhiều. Cụ thể sản phẩm sữa Fisolac Gold 1 và 2, loại 900gram quy định giá chỉ 400 ngàn đồng, 406 ngàn đồng. Tuy nhiên siêu thị vẫn bán giá 435 ngàn đồng/hộp. Sự chênh lệch giá còn thể hiện rõ qua nhiều mặt hàng khác như sữa Enfagrow A+, Diealac Alpha 123HT...
Trao đổi về vấn đề không giảm giá bán lẻ sữa cho trẻ dưới sáu tuổi, bà Thu, một chủ đại lý bán sữa tại quận Thủ Đức (TP.HCM) phân trần: "Chúng tôi cũng muốn bán cho người dân giá sữa như quy định, nhưng khổ nỗi doanh nghiệp không giảm thì làm sao chúng tôi giảm được. Nhà nước chỉ quy định một số mặt hàng thôi chứ những sữa chất lượng cao thuộc hàng xách tay hay hàng nhập khẩu thì giá cả vẫn như trước. Hầu hết những mặt hàng người dân ưa chuộng là những hàng ngoại. Tuy nhiên giá không giảm được bao nhiêu so với giá trị cả hộp sữa, có chăng chỉ giảm được 10 đến 20 ngàn đồng thì cũng chẳng ăn thua gì".
Thay đổi nhãn mác, trọng lượng để lách luật
Nhiều người dân cho rằng, quy định mới của Bộ Tài chính giúp họ an tâm khi bỏ tiền mua sữa cho con. Tuy nhiên một số chủ doanh nghiệp, đại lý vẫn có thể dễ dàng lách luật để bán giá cao.
Chị Mai Hương (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: "Tôi là khách hàng thân thiết nhiều năm của hãng sữa Mead Johnson. Khi quy định của Bộ Tài chính về áp trần giá với các mặt hàng sữa cho trẻ dưới sáu tuổi được thực thi thì vấn đề mua sữa cho con của tôi gặp nhiều khó khăn. Tìm hiểu nguyên nhân tôi được các chủ đại lý sữa giải thích rằng hiện trên thị trường loại sữa tôi mua rất hiếm. Bởi vì nhà sản xuất đã thay thế sản phẩm Enfa A+ bằng sản phẩm mới Enfa A+36* Brain Plus, Enfa GrowA+ được thay bằng Enfa Grow A+360* Brain Plus. Giá bán không chỉ giảm mà còn tăng hơn so với lúc trước. Tại thời điểm chưa tăng giá, tôi mua sản phẩm này chỉ với giá 550 ngàn đồng/hộp 900gram. Còn bây giờ sản phẩm mới được bán với giá 610 ngàn đồng/hộp với khối lượng tương tự. Thật không hiểu nổi những kiểu làm ăn mập mờ của chủ doanh nghiệp này. Tôi nghĩ nhà nước cần xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm".
Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, nhiều chủ đại lý sữa giải thích sở dĩ có sự thay đổi về bảng giá hoặc mẫu mã sữa là do chủ doanh nghiệp, chủ sản xuất muốn lách luật để dễ bề làm ăn hơn. Một trong những chiêu mới đó là họ liên tục thay nhãn mác các loại sữa bột, thậm chí thay đổi trọng lượng hộp sữa của loại sữa bị áp giá trần.
Một khách hàng tham gia mua sữa Pediasure của hãng Abbott tại quận Bình Thạnh bức xúc cho biết: "Tôi không đồng tình với cách làm này của chủ doanh nghiệp. Trước đây tôi mua một hộp sữa Pediasure trọng lượng 900gram với giá 585 ngàn đồng. Nhưng kể từ khi có quy định mới về giá trần, nhà sản xuất ăn bớt của khách hàng 50 gam (còn 850gram/hộp) nhưng vẫn giữ nguyên giá cũ. Là người tiêu dùng lâu năm của hãng sữa này tôi cảm thấy đang có sự bất công ở đây. Thiết nghĩ cơ quan chức năng nên vào cuộc điều tra làm rõ về vấn đề lách luật của một số chủ doanh nghiệp, nhà sản xuất sữa tại thành phố".
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Hòa, Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương cho biết, sau khi quy định áp trần về giá sữa, chúng tôi đã thông báo rộng rãi đến công chúng biết qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn cả nước vẫn có sự chênh lệch giá so với quy định đề ra.
Để quy định này được phổ biến rộng rãi chúng tôi đã công bố đường dây nóng cho người dân biết, nếu phát hiện được những đại lý, cơ sở bán sỉ và lẻ sữa không đúng như quy định thì sẽ có biện pháp xử lý. Cụ thể sẽ tùy từng mức độ vi phạm để áp dụng xử lý về mặt pháp luật theo Điều 5 Nghị định 109 về hành vi vi phạm quy định về bình ổn giá, hoặc Điều 8 Nghị định 109 về hành vi không chấp hành đúng giá do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định. Hoặc Điều 12, 13 tại Nghị định 109 về vấn đề xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn...
Người dân cần lên án Theo ông Hoàng Thanh Hải, Cục Quản lý giá Bộ Công thương, khi người dân phát hiện những chủ đại lý, cửa hàng bán sữa không đúng với quy định như đã đề ra thì cần phải kịp thời liên hệ với đường dây nóng của Chi cục Quản lý thị trường thuộc địa phương mình cư trú để phản ánh. Nếu ở địa phương không giải quyết được thì có thể liên hệ với đường dây nóng của Bộ Công thương qua Chi cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương: 0913020529; hoặc Cục Quản lý giá qua số 0932240509 để phản ánh. Khi gọi điện phản ánh người dân cần cho biết chính xác về tên, địa chỉ cửa hàng, đại lý bán sữa có giá chênh lệch so với quy định. |