Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhà nước bị sụt giảm kết quả kinh doanh nửa đầu năm, trong đó, Vietnam Airlines lỗ 7.474 tỷ đồng, Petrolimex cũng lỗ 1.360 tỷ và VNR lỗ 450,6 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ các đơn vị, nửa đầu năm nay, các tập đoàn, tổng công ty trong khối doanh nghiệp nhà nước ghi nhận hơn 663.000 tỷ đồng doanh thu và 41.090 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, kết quả này so với cùng kỳ năm 2019 đã giảm lần lượt 17,7% và 41,8%. Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước 6 tháng qua cũng giảm 22,7%, ước đạt 97.800 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực giao thông, thương mại, dịch vụ (Vietnam Airlines; Petrolimex; VNPT; Vinalines; VNR; Mobifone; VTC; VNPost; Vinafood 1; Vinafood 2) là nhóm bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh.
Trong đó, hoạt động hàng không đình trệ, nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giảm mạnh, xuất khẩu hàng hóa khó khăn. Ngoài ra, do nguồn cung, giá xăng dầu biến động bất thường, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà mạng và thị trường viễn thông đã bão hòa khiến các chỉ tiêu kinh doanh của đơn vị trong ngành đều giảm so với cùng kỳ.
Vietnam Airlines hiện diện top doanh nghiệp thua lỗ, ghi nhận mức lỗ gần 7.500 tỷ đồng sau nửa năm. Ảnh minh họa |
Tổng doanh thu 10 doanh nghiệp thuộc nhóm này nửa năm qua ước đạt 161.200 tỷ, giảm 27%. Số nộp ngân sách nhà nước cũng giảm 19%, đạt 25.090 tỷ và các doanh nghiệp trong nhóm lỗ 3.720 tỷ đồng.
Đáng chú ý, riêng Vietnam Airlines đã ghi nhận khoản lỗ 7.474 tỷ đồng trong kỳ, Petrolimex cũng lỗ 1.360 tỷ và VNR lỗ 450,6 tỷ đồng.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng có 10 đơn vị, bao gồm Tập đoàn Dầu khí; Tập đoàn Dệt May; Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản; Tập đoàn Điện lực; Tập đoàn Hóa chất; TCT Thép; TCT Phát triển nhà và đô thị; TCT Sông Đà; TCT Xi măng; và TCT Công nghiệp Tàu thủy. Nhóm này cũng gặp nhiều khó khăn do thị trường không thuận lợi.
Ước tính tổng doanh thu 10 đơn vị đạt khoảng 457.000 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế thu về cũng giảm 50,3%, đạt 11.940 tỷ và số tiền nộp ngân sách Nhà nước đạt 55.900 tỷ, giảm 25%.
Riêng về Vietnam Airlines, hồi tháng 6, kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, sản lượng cả năm 2020 sẽ giảm 48% so với 2019; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng; sau cắt giảm chi phí còn lỗ khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng. Hơn 3 tháng chỉ bay 2 -5% năng lực trong khi vẫn phải trả, hạch toán các chi phí, trong đó nặng nhất tiền thuê tàu bay (1.300 tỷ đồng) và chi phí khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay, nhân công.
Với các đơn vị thành viên của Vietnam Airlines cũng rất khó khăn,trong đó Jetstar Pacific lỗ 1.200 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020; hãng hàng không K6 lỗ 14,5 triệu USD.
Ngoài việc cắt giảm triệt để các chi phí sản xuất, chấp nhận giảm lương của người lao động, ngay khi dịch Covid – 19 mới bùng phát tại Trung Quốc, hãng đã sớm chủ động đàm phán với các đơn vị cho thuê tàu bay, các định chế tài chính trong và ngoài nước, qua đó đạt được những thỏa thuận rất tích cực, thậm chí có đơn vị cho thuê tàu bay chấp nhận hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, tất cả những biện pháp này cũng chỉ giúp Vietnam Airlines giảm bớt được một phần khó khăn. Theo dự báo, sản lượng cả năm của Vietnam Airlines sẽ giảm 48% so với 2019; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng; lỗ gần 20.000 tỷ đồng/tháng, sau cắt giảm chi phí còn lỗ khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cố định hàng tháng 2.100 tỷ đồng/tháng chủ yếu là thuê tàu bay (1.300 tỷ đồng) và chi phí khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay, nhân công.
Với các đơn vị thành viên như Jetstar Pacific, sản lượng tháng Sáu giảm 64% so cùng kỳ, lỗ 1.200 tỷ đồng, doanh thu giảm 64,2%. Hãng hàng không K6 sản lượng giảm 24,9, doanh thu giảm 27,4 và lỗ 14,5 triệu USD...
Vũ Đậu (T/h)