Theo báo Người lao động, sáng 22/8, một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) cho biết đang tiếp tục điều trị cho 5 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận 5 bệnh nhân ngộ độc cây cà độc dược. Ảnh minh họa
Báo cáo của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên nêu rõ, tối 21/8, bệnh viện tiếp nhận 5 bệnh nhân gồm: S.M.L. (SN 1966), P.V.Ph. (SN 2003), P.V.P. (SN 2015), P.T.T. (SN 2016) và P.V.Q. (SN 2019, cùng trong 1 gia đình, ngụ xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk).
Thông tin ban đầu, trưa và chiều 21/8, các bệnh nhân cùng ăn cà độc dược. Sau ăn khoảng 30 phút các bệnh nhân bị sốt, nôn ói, co giật nên được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cấp cứu. Đến tối cùng ngày, các bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và được chẩn đoán ngộ độc cà độc dược.
Sau khi được cấp cứu, đến sáng nay, sức khỏe của các bệnh nhân đã tạm ổn định và đang được các bác sĩ theo dõi.
Theo thông tin trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec, trong Đông y, cây cà độc dược vị cay, tính ôn có độc, vào kinh phế có tác dụng khử phong thấp, chữa hen suyễn. Nước sắc có thể dùng để rửa những nơi da tê dại, hàn thấp.
Cây cà độc dược là loài cây có tính độc cần hết sức lưu ý. Ảnh minh họa
Tuy nhiên người thể lực yếu không dùng được. Hai thành phần chính của cà độc dược ở liều độc có thể gây ra các triệu chứng như:
Liều độc atropin tác động lên não làm tăng hô hấp, sốt, ức chế thần kinh trung ương và tê liệt.
Hyoxin ở liều độc ức chế thần kinh nhiều hơn là kích thích nên thường dùng ở khoa thần kinh để chữa co giật do Parkinson, phối hợp với atropin để chống say phi cơ, tàu thuỷ hoặc thuốc làm dịu thần kinh.
Cây cà độc dược đều thuộc nhóm độc do đó cần được chỉ định bởi bác sĩ, theo dõi liên tục.
Triệu chứng ngộ độc tuỳ thuộc vào liều nhưng có thể nhận biết từ các biểu hiện nhẹ như khô miệng, giảm tiết mồ hôi, nhịp chậm hay ở liều cao hơn có thể gây nhịp tim nhanh, giãn đồng tử, da khô nóng đỏ, ảo giác, mê sảng và hôn mê.
Nguyễn Linh (T/h)