Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

8 F1 tiếp xúc với nữ sinh ở Bắc Giang âm tính với bệnh Bạch hầu

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, 8 F1 tiếp xúc với nữ sinh ở Bắc Giang âm tính với bệnh Bạch hầu, 7 mẫu còn lại chưa có kết quả.

Theo Cổng thông tin điện tử huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa thông tin đã có kết quả xét nghiệm 8/15 mẫu CDC tỉnh gửi giám định bệnh Bạch hầu.

Cụ thể, có 8 mẫu đều có kết quả âm tính, 7 mẫu còn lại chưa có kết quả do mới gửi.

Quá trình truy vết xác định, ngày 7/7, trên địa bàn huyện Hiệp Hòa ghi nhận một ca dương tính với bệnh Bạch hầu. Bệnh nhân là Moong thị B. (SN 2006), quê ở xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), đang tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa).

Trước đó, B. và một người bạn cùng quê là Moong Thị S. (SN 2006) ở chung phòng tại ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn với Pịt Thị C. (sáng 5/7, C. tử vong do mắc bệnh Bạch hầu).

Ngày 1/7, B. và S. bắt xe từ huyện Kỳ Sơn về huyện Hiệp Hòa, làm việc tại cơ sở karaoke Quán Lá, thôn Trung Tâm.

Từ ngày 2 đến 5/7, B. và S. có mặt tại 4 quán karaoke trên địa bàn các xã: Hợp Thịnh, Thường Thắng, Đại Thành (cùng huyện Hiệp Hòa) và quán karaoke 1990 ở thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội). Thời gian có mặt từ 19h30 đến 23h.

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa điều trị cho các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm bệnh Bạch hầu cao. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Hiệp Hòa

Ngay sau khi xác định dương tính với bệnh Bạch hầu, chiều 7/7, B. được chuyển ra Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) điều trị.

Cũng trong chiều 7/7, CDC tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa xác định có 8 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh (F1), đồng thời lấy mẫu gửi xét nghiệm.

Trong đó lấy mẫu lần 2 đối với Moong Thị S.; lấy mẫu lần 1 đối với các trường hợp F1 khác. Đến sáng 9/7, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo, các mẫu này đều có kết quả âm tính.

Mở rộng truy vết, chiều 8/7, CDC tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa xác định có thêm 7 trường hợp F1 nên thực hiện cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm (chưa có kết quả).

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang cho biết, Dù có kết quả âm tính song các trường hợp F1 vẫn phải cách ly, theo dõi sức khỏe và được điều trị dự phòng bằng kháng sinh trong vòng 7 ngày; theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với ca bệnh.

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng mũi họng cấp tính, gây ra bởi một trực khuẩn ái khí, gram dương có tên là Corynebacterium tấn công vào niêm mạc vùng mũi họng. Vi khuẩn này tạo nên một loại giả mạc trắng dai, bám chặt và lan nhanh ra bao phủ toàn bộ lớp niêm mạc của đường hô hấp. Độc tố do bạch hầu tiết ra tác động vào tim và các mô ngoại vi, gây nên tình trạng nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân.

Theo các chuyên gia y tế, có hai nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân bạch hầu đó là: Độc tố tiết ra từ vi khuẩn bạch hầu tấn công vào các tế bào vật chủ, ngăn cản sự tổng hợp chuỗi Protein và gây chết tế bào; giả mạc vùng họng bít lấp đường thở.

Về phương thức truyền bệnh: Trực khuẩn bạch hầu có dạng hình que, sắp xếp thành đám, 2 đầu của trực khuẩn mầu tím, giống hình chùy. Thông thường vi khuẩn bạch hầu nhân lên trên hoặc gần bề mặt của màng nhầy của cổ họng. Do đó, bạch hầu lây chủ yếu qua đường dịch tiết.

Lây truyền trực tiếp: Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ phát ra một giọt nước có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu. Bạch hầu lây lan nhanh chóng theo cách này, đặc biệt ở những nơi đông người.

Lây truyền gián tiếp: Thông qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh. Một số trường hợp mắc bệnh Bạch hầu từ việc chưa làm sạch các vật dụng mà người nhiễm bệnh đã sử dụng từ cốc uống nước chưa rửa của người bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với các giấy ăn mà người bệnh đã sử dụng…

Để chủ động phòng, chống bệnh Bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phòng bệnh Bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh Bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Tin nổi bật