Bệnh Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể.
Bệnh có thể lây truyền truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể gây lây nhiễm cho người khác.
Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen.
Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.
Bệnh Bạch hầu sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Ảnh minh họa
Người mắc bệnh Bạch hầu khi không được phát hiện và điều trị kịp thời để sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.
Bệnh bạch hầu cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh gây biến chứng và dẫn đến tử vong.
Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Bạch hầu" theo quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10/7/2020. Liệu pháp điều trị chính của bệnh bạch hầu là huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD), cần được sử dụng càng sớm càng tốt để trung hòa độc tố bạch hầu còn lưu hành trong máu (hiệu quả nhất là trong vòng 48 giờ đầu).
Ngoài ra, kháng sinh (thường là Penicillin và Erythromycin) cũng được sử dụng để ngăn chặn sự phát triển và sinh độc tố của vi khuẩn và làm giảm sự lây nhiễm bệnh.
Các biện pháp điều trị phối hợp khác cũng được sử dụng như corticosteroid, quản lý đường thở, quản lý tim mạch và chế độ dinh dưỡng.
Tất cả người bệnh nghi Bạch hầu phải được vào viện để cách ly, theo dõi, chẩn đoán và điều trị. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải được tẩy uế và sát khuẩn.
Thực hiện rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Người tiếp xúc với bệnh nhân Bạch hầu cần được sử dụng kháng sinh dự phòng.
Vaccine bạch hầu có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể tránh nhiễm bệnh và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh trong quần thể dân số nói chung. Do đó, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ vaccine (Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván, DPT) theo chương trình tiêm chủng. Người lớn nên tiêm nhắc lại vaccine Bạch hầu mỗi 10 năm để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.