(ĐSPL) - Trường học là mái nhà chung ươm mầm, nuôi dưỡng thế hệ trẻ. Thầy cô là người cha, người mẹ cần mẫn dạy con trẻ từng nét chữ, từng kinh nghiệm sống, dặn dò trước những vấp ngã của cuộc đời. Gắn bó bao đời, bỗng một ngày thiếu vắng đi tiếng cười con trẻ, liệu họ có còn vui (!?).
Trong không khí đón chào ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11, PV báo Đời sống và Pháp luật trở lại ngôi trường THCS Hương Bình, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nơi diễn ra vụ 600 em học sinh thất học suốt 4 tháng qua bởi những hiểu lầm không đáng có trong việc sáp nhập ngôi trường này.
Mặc cho cơn mưa nặng hạt và cái rét đã ùa về, từ sáng sớm rất đông người dân đã đến dựng lều, bao quanh kín mít trước cổng trường THCS Hương Bình để đòi quyền lợi cho con em mình. Có mặt tại đây lúc này, chúng tôi đã không thể chen vào sâu bên trong khi lượng người đổ về ngày một đông hơn. Kế bên là trường Tiểu học Hương Bình cũng trở nên đìu hiu, vắng vẻ hơn khi không có một bóng học sinh vui đùa, qua lại.
|
Rất đông người dân tụ tập trước cổng trường THCS Hương Bình phản đối việc sát nhập trường. |
Chúng tôi tiếp tục đi về ngôi trường THCS Phúc Đồng, một trong 2 địa điểm được sáp nhập. Tại đây, khoảng sân trường rộng rãi nhuốm một màu u ám, ảm đạm. Gần đến giờ vào học nhưng chỉ lác đác một số ít học sinh đến trường. Bốn tháng trôi qua, dường như khung cảnh này đã trở nên quá đỗi quen thuộc với các thầy cô trong trường. Sự buồn bã, âu lo hiện rõ trên nét mặt những con người làm nhiệm vụ "gieo hạt".
“Hiện tại, trong trường chỉ còn 8 lớp học. Số lượng học sinh ngày một giảm dần. Tôi thấy rất buồn và thương các em, bởi không được đến trường đó là một thiệt thòi rất lớn. Để khắc phục tình trạng này, thầy và cô trong trường đã không quản ngại đường xá xa xôi, tạo điều kiện đến tận nhà động viên, thuyết phục các bậc phụ huynh nhưng cũng không có kết quả khả quan. Bản thân tôi đã 7 lần đến nhà học sinh. Mấy ngày đầu, dân họ phản ánh gay gắt, thậm chí là đòi đánh cả thầy, cô giáo nhưng về sau, họ hiểu ra được phần nào nên thái độ cũng mềm mỏng hơn, chỉ có điều vẫn không chấp nhận cho con em mình đi học. Bản thân chúng tôi, chỉ là thầy, là cô khi đứng trên bục giảng nhưng khi về nhà, chúng tôi cũng là cha, là mẹ. Chúng tôi hiểu rõ sự lo lắng, bất an của các bậc phụ huynh đối với con cái của mình. Vì thế, tôi cũng chỉ mong muốn sự việc sớm được giải quyết ổn thỏa, êm đẹp để mọi thứ lại trở về nề nếp. Các em được ăn học đầy đủ, sớm được bù lấp kiến thức trong những tháng vừa qua”, cô Lê Hải Yến, một trong những cô giáo được chuyển từ trường THCS Hương Bình sang trường THCS Phúc Đồng tâm sự.
Cùng chung nỗi lòng, cô Dương Thị Thảo, giáo viên trường THCS Phúc Đồng chia sẻ: “Hiện, lớp tôi đang chủ nhiệm chỉ có 19 học sinh. Sau vụ việc vừa rồi, những học sinh cũ tôi đã từng dạy có nhiều em đã chuyển lên các trường trên thị trấn, hoặc vào tận miền Nam học, một số còn lại nghỉ ở nhà. Lên lớp, thiếu vắng những gương mặt thân quen, tôi thấy rất nhớ. Bản thân tôi, số lần đi vận động phụ huynh đã lên tới con số 16, mỗi lần đến đều mang theo đơn trình, giải thích, tha thiết mong muốn các em được đi học trở lại nhưng đa phần phụ huynh họ chỉ nghe vậy rồi cũng lắc đầu ngán ngẩm, không ưng thuận. Một số vì hoàn cảnh khó khăn, học sinh không đủ sức đi học nên họ cho nghỉ, một số hứa hẹn khi nào trường THCS Hương Bình mở, họ sẽ cho con đi học lại dù là chờ đợi 3 năm, 5 năm hay 10 năm họ cũng chấp nhận”.
|
Học sinh trường Tiểu học Hương Bình nhớ trường, nhớ lớp nhưng chỉ lén đến đứng trước cổng nhìn vào trường. Ảnh: M.T |
|
Nghỉ học, những em nhỏ suốt ngày lang thang chăn thả trâu bên đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Hương Khê. Ảnh: T.L |
Theo chân thầy cô, đi qua các dãy lớp, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt non nớt của các em học sinh đang hướng nhìn ra phía cổng trường ngóng trông, mong mỏi. Một dãy lớp học khác đóng kín cửa, những hàng ghế trống trơn người học, tấm bảng đen thiếu vắng những con chữ khiến bản thân chúng tôi ai nấy đều không khỏi chạnh lòng.
Trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11, nếu như những năm trước, cô và trò cùng nhau tập văn nghệ, rạo rực đón chờ ngày lễ, nhưng năm nay, không khí ấy không còn khi thiếu vắng những lời chúc, tiếng cười nói, những bó hoa tươi thắm, rạng ngời. Dù trong lòng mỗi người đều mang một nỗi buồn khó tả, nhưng các thầy cô vẫn đội mưa gió đến trường để chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này.
Rời khỏi trường THCS Phúc Đồng, trong lòng chúng tôi tự hỏi: “Không biết đến bao giờ chính quyền mới đứng ra giải quyết ổn thỏa, người dân ngừng kêu gọi, con trẻ được đến trường và các thầy cô, giáo sẽ lại được đón một ngày 20/11 cho đúng nghĩa...".