(ĐS&PL) - Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines mất tích một cách bí ẩn, đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn bị phát hiện hay vụ giết chết bạn thân để tống tiền... là một trong số những sự kiện nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận trong tuần qua.
1. Máy bay Malaysia mất tích: Nhiều bí ẩn vẫn chưa có lời giải
Malaysia cho rằng, vụ máy bay mất tích có thể do "không tặc". |
Vào lúc 0h41 ngày 8/3, chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines dự kiến tới Bắc Kinh đã mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu sau khi rời thủ đô Kuala Lumpur. Ngay sau đó, 4 quốc gia đã mở chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích, trong đó có Việt Nam.
Cho đến nay, quá nhiều thông tin về chiếc máy bay mất tích, nhưng chưa có thông tin nào xác đáng. Việt Nam cũng đã thông báo dừng tìm kiếm chiếc máy bay mất tích này và cho biết sẵn sàng hỗ trợ nếu Malaysia cần.
Hiện, Chính phủ Malaysia đang nghi ngờ cơ trưởng MH370 đã cướp máy bay...
2. Triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh ở TP. HCM.
Các đối tượng tại cơ quan điều tra. |
Ngày 13/3, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TP. HCM cho biết, vừa phối hợp cùng Công an quận 7 khám phá một đường dây chuyên mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, hàng ngày, Thương, Phương, Quỳ và Nhân lang thang ở BV phụ sản Từ Dũ, BV Nhi Đồng 1 để tiếp cận với các bà mẹ trẻ lỡ có con ngoài ý muốn, hay những cặp vợ chồng nghèo khó không đủ điều kiện nuôi con và dụ họ bán con. Sau khi tìm được mối, các đối tượng trên sẽ môi giới cho các bà mẹ này bán con cho Thương hay Lan để hưởng tiền hoa hồng. Bọn chúng đã thực hiện hàng chục vụ mua bán trẻ sơ sinh trót lọt, phần lớn các trẻ được mang sang Trung Quốc bán lại.
3. Giết bạn thân, ném xác xuống sông để tống tiền
Nguyễn Kim An (trái) chính là hung thủ giết chết bạn thân. |
Nguyễn Kim An và Lư Vĩnh Đạt là 2 bạn học cùng nhau. Nghe Đạt tâm sự gia đình có tiền tiết kiệm khá lớn, An đã lên kế hoạch bắt cóc, tống tiền bạn thân của mình. Tối 26/2, sau khi chuốc thuốc mê Đạt, An đã buộc chân, bỏ nạn nhân vào bao tải, ném xuống sông nhằm phi tang xác. Tại cơ quan điều tra, An đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đang nghi vấn An có đồng phạm cùng thực hiện hành vi trên.
4. Tuyên án tử hình nguyên giám đốc ngân hàng Đắk Lắk.
Công an áp giải đối tượng Vũ Việt Hùng sau khi rời Tòa án. |
Chiều 13/3, sau 3 ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “đại án” tham nhũng đối với Vũ Việt Hùng (SN 1957), nguyên Giám đốc NH PT Việt Nam (VDB) khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông, cùng 12 đồng phạm đã rút ngân hàng hơn 2.500 tỷ đồng, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên án tử hình ông Vũ Việt Hùng, buộc bị cáo phải bồi thường 10 tỷ đồng sung vào công quỹ nhà nước; tịch thu 7 căn nhà và đất của bị cáo được xác định là do phạm tội mà có.
HĐXX cho rằng, hành vi phạm tội của ông Hùng và các bị cáo gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, làm rối loạn hoạt động tín dụng tiền tệ, gây mất lòng tin của nhân dân vào chính sách cho vay ưu đãi, dư luận không tốt đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng Nhà nước. HĐXX xác định, cáo trạng buộc tội các bị cáo của VKSND Đắk Nông là đúng người, đúng tội, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
5. Kết luận chính thức về vụ sập cầu treo ở Lai Châu.
Cầu Chu Va 6 và đại tang đẫm nước mắt. |
Theo Bộ Giao thông vận tải, nguyên nhân dẫn đến sự cố sập cầu ở Chu Va 6 có thể khẳng định, do việc chế tạo ắc neo tăng đơ có 2 sai sót lớn là: không đúng thiết kế và không tuân thủ quy trình kỹ thuật. Cụ thể: "Ắc neo bị đứt, bị phá hoại giòn gây ra đứt vỡ đột ngột. Bề mặt lỗ chốt ắc neo phía trong lồi lõm, biểu hiện có khả năng được gia công tạo lỗ bằng cách gia nhiệt thổi xuyên chiều dày, làm thay đổi tính chất cơ lý của vật liệu".
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu xem xét, khởi tố vụ án để truy cứu trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân liên quan đến sự cố sập cầu treo Chu Va 6 (Lai Châu).
Nguyễn Hương (tồng hợp)