Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

30 năm Gạc Ma: Không bao giờ quên lãng…

(DS&PL) -

“Có những lần, chúng tôi ngồi kể chuyện cho nhau nghe về cái đêm cuối cùng trước khi hải chiến Gạc Ma diễn ra...", một cựu binh Gạc Ma chia sẻ.

“Có những lần, chúng tôi ngồi kể chuyện cho nhau nghe về cái đêm cuối cùng trước khi hải chiến Gạc Ma diễn ra, chuyện chia nhau một điếu thuốc chờ bình minh lên rồi những trăn trở, lo âu về gia đình, về tương lai… rồi cứ thế bị cuốn vào dòng ký ức. Giật mình, hóa ra cũng đã 30 năm biển khơi ôm trọn đồng đội của chúng tôi vào lòng”, ông Lê Hữu Thảo (52 tuổi, trú phường Thạch Linh, TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) - một cựu binh Gạc Ma chia sẻ.

Năm nào cũng vậy, càng gần đến ngày 14/3, ông Lê Hữu Thảo và những người cựu binh Gạc Ma khác đều bận rộn với những kế hoạch tưởng nhớ đồng đội theo cách riêng của mình. Người theo thuyền ra khơi với mâm cơm cúng đơn sơ, người lặn lội đi thăm viếng gia đình những người đã nằm xuống, thắp nén tâm linh cho đồng đội và cũng để an ủi lòng mình.

Năm nay chẵn 30 năm sự kiện Gạc Ma, ông Thảo bận, lúc thì đi đón cha mẹ liệt sỹ này, lúc lại đi sắm sửa hoa đăng để thả trên biển hồi đêm, lúc vội vàng điều chỉnh lịch trình khi có sự đột xuất, chuẩn bị bài nói chuyện với các cháu nhỏ ở trường học… Điện thoại ông lúc nào cũng trong tình trạng “cháy máy”. Bận, mệt, nhưng cảm động vì những hy sinh mất mát của đồng đội ông luôn được mọi người ghi nhớ.

Đêm đến, giữa bốn bề tĩnh lặng, chỉ còn lại những người lính già và chúng tôi, câu chuyện về Gạc Ma, Len Đao, về đảo Cô Lin trong ngày lịch sử ấy lại trở về như mới hôm qua… Đầu năm 1988, chiến dịch CQ-88 diễn ra, 3 tàu hải quân HQ 505, HQ 605 và HQ 604 được điều ra làm nhiệm vụ xây dựng và giữ đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc cụm đảo Sinh Tồn.

Ngày 10/3/1988, 3 tàu xuất phát từ cảng Cam Ranh, nhưng bất ngờ có gió mùa cục bộ và bão lớn nên kế hoạch phải lùi sang ngày 11. Đây là một điều khá bất ngờ, kể cả với những người đi biển lâu năm, bởi thông thường cứ đến tháng 3 là đã hết bão rồi. Chiều ngày 13/3, tàu và đoàn thủy thủ HQ 604 mới đến được đảo Gạc Ma sau hành trình hơn 500 cây số trên biển. Vừa đến nơi được một lúc thì bất ngờ có tàu Trung Quốc kéo đến. Họ bắc loa thông báo đây là lãnh thổ của mình, yêu cầu bộ đội Việt Nam rời khỏi ngay lập tức. Quân ta cũng đáp trả lại và yêu cầu tương tự. Sau khoảng 30 phút thì tàu Trung Quốc bỏ đi. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một sự bắt đầu cho cuộc chiến đấu.

“Tối hôm đó, mọi người trên tàu tranh thủ ngồi với nhau. Vì đến từ nhiều đơn vị nên anh em cũng muốn biết rõ về những người sẽ gắn bó lâu dài với mình trên chuyến hải trình này. Chúng tôi ngồi thành từng nhóm trên boong, mỗi người một tâm tư, một hi vọng. Đêm thì dài mà ai cũng chỉ chợp mắt được một chút. Đa phần anh em là lính trẻ, mới ra đảo thì gặp ngay địch nên sự lo lắng cũng là lẽ thường tình.

Tàu HQ 604 đã chiến đấu anh dũng đến phút cuối cùng trước khi bị địch đánh chìm vào ngày 14/3/1988.

Đến 2h sáng ngày 14/3, khi thủy triều rút xuống, bộ phận công binh được lệnh xuống đảo, tìm và lựa chọn địa điểm dựng lán. Họ chôn một cái cột để làm cột cờ, khẳng định mốc chủ quyền của mình. Đợi đến 5h thì hai thủ trưởng Trần Văn Phương và Nguyễn Mậu Phong gọi tôi dậy, cùng hai đồng đội khác là Hoàng Văn Trúc và Đậu Xuân Tư mang 2 khẩu AK xuống đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ giữ cờ và bảo vệ cho công binh xây dựng.

Xuống đảo, anh em kiểm tra công tác xây dựng ở cột cờ rồi tranh thủ chia nhau điếu thuốc, tranh thủ chuyện trò giữa lúc trời tảng sáng. Chừng một tiếng sau, có 3 tàu khu trục của Trung Quốc ập đến gần đảo Gạc Ma, còn một tàu thì ở xa. Họ đe dọa, chĩa súng vào bộ đội ta và yêu cầu tàu HQ 604 rút lui. Nhưng công binh vẫn làm việc bình thường, chèo thuyền xuống và chở vật liệu ra đảo còn chúng tôi thì làm nhiệm vụ cảnh giới. Sau đó, tàu Trung Quốc đổ bộ xuống đảo, chừng 50 lính có trang bị vũ trang.

Khiêu khích, đe dọa không được, lính Trung Quốc bắt đầu dùng vũ lực, quân đông để ép ta rút lui. Một cuộc giao tranh quanh cột cờ diễn ra ngay trên đảo. Chúng dùng súng AK có lưỡi lê để tấn công còn quân ta chỉ có gậy gộc, cuốc xẻng và 2 khẩu súng. Người này ngã xuống thì có người khác đứng lên để giữ cờ. Cuộc giằng co đang diễn ra thì bên phía địch có lệnh nổ súng. Dưới đảo, quân Trung Quốc dùng súng AK bắn vào tàu HQ 604, trên tàu, đối phương dùng hỏa lực nã liên hồi vào cả 3 tàu hải quân của ta. Chừng 20 phút sau thì tàu HQ 604 bị bắn chìm”, ông Thảo nhớ lại.

Dù tàu HQ 604 bị bắn chìm, anh em vẫn kiên cường chiến đấu. Đa phần quân ta hy sinh, chỉ còn số ít sống sót trôi dạt trên biển và bị địch bắt. Sau đó, quân Trung Quốc dần rút đi, chỉ để lại một bộ phận trên đảo. Lúc này, ông Thảo cùng với những chiến sỹ còn sống sót trên đảo vội bơi ra để cứu những người bị thương và tìm kiếm những thi thể đồng đội còn lại. Thủy triều dần lên cao, theo kinh nghiệm của những người đi biển thì lúc này, một mối nguy hiểm khác đang dần kéo đến. Cá mập ngửi thấy mùi máu tanh có thể sẽ xuất hiện. Một cuộc chạy đua cùng thời gian diễn ra.

May mắn là vẫn còn một chiếc xuồng của công binh bị bắn nát còn dùng tạm được. Anh em chiến sỹ để thương binh và các thi thể đồng đội lên xuồng, còn những người khỏe mạnh thì bám vào thành. Sinh mệnh đánh cược với cá mập. Họ dùng tay làm chèo, bơi về phía tàu 505 đang neo trên bãi của đảo Cô Lin. "Đến tầm 3h chiều, chúng tôi phát hiện ra một chiến sỹ khác vẫn còn trôi trên biển. Quyết không bỏ rơi đồng đội, anh em lại nhanh chóng đưa vào xuồng”, ông Thảo nhớ lại.

Sáng hôm sau, việc an táng các chiến sỹ hy sinh được diễn ra ở đảo Sinh Tồn. “Đó một cuộc thảm sát hèn hạ. Đó không thể gọi là một cuộc chiến vì không cân sức về hỏa lực, về quân số, về trang bị kỹ thuật. Đối phương thì có phương tiện, vũ khí hiện đại còn chúng ta chỉ có vài khẩu súng, cuốc thuổng, lực lượng thì mỏng. Quân Trung Quốc còn tìm cách phá sóng, cô lập ta về điện đài, ngăn chặn liên lạc với nhau. Thế nhưng, trong những giờ phút cam go ấy, anh em bộ đội vẫn vững lòng, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.

Đó là điều mà chúng tôi có quyền được tự hào về những đồng đội của mình. Không chỉ anh Phương (Trần Văn Phương), anh Lanh (Nguyễn Văn Lanh), anh Lễ (Vũ Huy Lễ) mà tất cả những chiến sỹ khác, những người đã ngã xuống, đã chiến đấu quên mình trong ngày 14/3/1988 đều là những Anh hùng thực sự. 64 người họ, là anh em, là đồng đội, họ bất tử cùng với Gạc Ma, họ bất tử trong tim chúng tôi”, ông Thảo như nói với chính mình.

Ông Lê Hữu Thảo cùng thả đèn hoa đăng tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh.

Câu chuyện giữa những người cựu binh trong đêm cứ hun hút vào lịch sử. Có những lúc, họ dường như đang độc thoại. Họ gọi tên những đồng đội của mình, Trúc ơi, Tư ơi, anh Phương ơi, anh Phong ơi,… kết thúc cuộc chiến rồi, biển đã êm nhưng nỗi nhớ, nỗi đau thì vẫn còn ở lại. Những người vợ trở thành góa phụ, những cha già, mẹ yếu mất con, những ước mơ không bao giờ có thể trở thành sự thực… Mẹ biển khơi đã ôm những chiến sỹ Gạc Ma của ngày lịch sử 14/3/1988 vào lòng 30 năm nay, nhưng câu chuyện về các anh thì không bao giờ bị rơi vào quên lãng…

Đ.Huệ

Tin nổi bật