Nước Mỹ tiếp tục đứng trước mối lo về tình trạng bất ổn an ninh khi vừa xảy ra vụ tấn công bằng xe tải tại New York.
Từ năm 2001 đến nay, 16 năm đã trôi qua, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và các đồng minh đã gây ra những tiêu hao đáng kể, cả về người và của, tuy nhiên kết quả mà nó mang lại không tương xứng. Dù đạt được một số kết quả quan trọng song cuộc chiến này đã bộc lộ nhiều sai lầm, bất cập và khó có hồi kết.
Vụ tấn công ngày 11/9/2001 vào một góc Lầu Năm Góc - Ảnh tư liệu của FBI. |
Theo giới phân tích quốc tế, sau 16 năm với 3 đời Tổng thống cùng với những chiến lược khác nhau, Mỹ đã giành thắng lợi “thần tốc” trong hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan vào năm 2001 và ở Iraq vào năm 2003, song lại bị “sa lầy” tại hai chiến trường này trong hơn một thập kỷ qua.
Cuộc chiến chống khủng bố trong 16 năm qua còn để lại cho nước Mỹ những hệ lụy nhiều mặt về kinh tế, chính trị và đối ngoại. Riêng về kinh tế, theo thống kê mới nhất, Mỹ đã phải chi cho cuộc chiến chống khủng bố hàng chục nghìn tỷ USD. Trong đó, riêng trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, Mỹ đã tiêu tốn khoảng 6.000 tỷ USD.
Cuộc chiến do Mỹ tiến hành tại Afghanistan đã trải qua gần 16 năm và xung đột vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Theo nhận định của các quan chức trong chính quyền Mỹ mới đây, cuộc chiến tại Afghanistan đã rơi vào bế tắc khi lực lượng an ninh nước này vẫn đang phải chật vật chống lại phiến quân Taliban và tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng, bất chấp có được sự hỗ trợ từ Mỹ và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hồi tháng10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược mới tại quốc gia châu Á này mà điển hình nhất là việc triển khai thêm binh sĩ quân đội tới đây. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng, chiến lược mới của Mỹ sẽ khiến cho tình hình Afghanistan càng thêm bế tắc.
Dư luận cho rằng, để việc chống khủng bố hiệu quả, Mỹ cần phải tiến hành giải pháp đồng bộ với sự hợp tác của cả cộng đồng quốc tế, nhất là giải quyết tận gốc sự đói nghèo, bất công, bất bình đẳng.
Chủ nghĩa khủng bố sinh ra từ sự thù hận, tư tưởng cực đoan mà nguồn gốc chính là sự bất công, phân cực trên thế giới. Chính vì vậy, cần có những giải pháp bền vững hơn và cách tiếp cận mới về chống chủ nghĩa khủng bố. Nếu không, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sẽ có thể trở thành cuộc chiến không có hồi kết
Sau hàng loạt vụ khủng bố xảy ra tại Mỹ và nhiều nước khác, chính quyền Mỹ đã có những thay đổi về chính sách an ninh nội địa cũng như cách thức đối phó với cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu.
Washington đã buộc phải thay đổi trọng tâm chiến lược an ninh quốc gia khi phải đối mặt với một kẻ thù gần như “vô hình”. Hàng loạt vũ khí, trang bị hiện đại bỗng trở nên kém hiệu quả trước đối thủ mới. Bộ An ninh Nội địa Mỹ được cơ cấu lại với quy mô chưa từng có và “ngốn” một khoản kinh phí khổng lồ là 1.000 tỷ USD. Chính quyền Mỹ cũng ban hành sắc lệnh cho phép Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) được nghe lén điện thoại và bí mật kiểm tra thư tín của những người bị nghi có liên quan đến khủng bố. Hiếm có khi nào quyền tự do của người dân Mỹ lại bị xâm phạm nhiều đến thế và khủng bố được coi là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Ở ngoài nước, Mỹ đã tiến hành hai cuộc chiến tranh trên bộ tại Afghanistan và Iraq và chiến dịch không kích tại Syria nhằm xóa bỏ các cứ địa của khủng bố. Hàng loạt chiến dịch chống khủng bố ở Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi cũng đã được phát động nhằm tiêu diệt các nhóm khủng bố. Theo thống kê mới nhất của Lầu Năm Góc, cuộc chiến chống khủng bố hiện đang tiêu tốn ngân sách của Chính phủ Mỹ hàng chục nghìn tỷ USD.
Trước mối lo về tình trạng bất ổn an ninh, các nhà phân tích cho rằng, nước Mỹ cần có những giải pháp bền vững hơn và cách tiếp cận mới về chống chủ nghĩa khủng bố. Nếu không, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sẽ có thể trở thành một cuộc chiến không có hồi kết.
Hằng Thanh (T/h)