65 doanh nghiệp chậm nghĩa vụ trái phiếu
Tạp chí Tài chính dẫn số liệu từ VNDirect, trong tháng 8/2023, sẽ có khoảng hơn 27.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, cao hơn khoảng 31% so với tháng 7/2023 (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 26/7/2023).
Tính đến ngày 26/7/2023, có khoảng 65 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 172.620 tỷ đồng, chiếm khoảng 15,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường.
172.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán: Vì đâu nên nỗi?
Theo danh sách niêm yết trên trang HNX, phần lớn trong số các tổ chức phát hành chậm thanh toán trái phiếu doanh nghiệp dù đã đến hạn là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.
Ví dự như Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ đầu tư Horizon. Trong văn bản gửi HNX ngày 1/8 cho biết, lô trái phiếu HRZCH2023001 đến hạn ngày 31/7/2023, nhưng đã phải chậm thanh toán cả gốc lẫn lãi, hơn 6.000 tỷ đồng, với lý do tiền lãi chưa thu xếp được, còn tiền gốc đã có thỏa thuận với trái chủ để gia hạn thời gian thanh toán.
Hay Công ty cổ phần Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu HQNCH2124002 trị giá hơn 2.000 tỷ đồng. Lý do cũng là thị trường bất động sản đóng băng nên công ty không thu xếp được tiền để thanh toán trái phiếu.
Tương tự, Công ty cổ phần Signo Land đã "khất" thanh toán lô trái phiếu trị giá hơn 1.000 tỷ đồng với lý do "đang trong quá trình đàm phán cùng người sở hữu trái phiếu".
Hay với lý do "thị trường không thuận lợi", Công ty TNHH Saigon Glory - công ty con của Tập đoàn Bitexco - cũng mới chỉ trả được số tiền lãi gần 29 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng gốc phải "khất".
Còn Novaland đã phải gia hạn thanh toán nhiều lô trái phiếu giá trị lớn vì "chưa thu xếp được nguồn thanh toán". Tổng nợ trái phiếu ngắn và dài hạn đến ngày 30/6/2023 của Novaland lên đến 43.100 tỷ đồng.
Trong mục "Tin bất thường" của HNX, danh sách những cái tên được liệt kê so với đầu năm ngày càng dài thêm. Để có thể gia hạn thời gian trả nợ trái phiếu, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận một số thiệt thòi khi thỏa thuận với trái chủ.
Thấy gì từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp chậm nghĩa vụ trái phiếu?
Thông tin trên báo Công an nhân dân, theo phân tích của FiinGroup, bên cạnh các yếu tố tác động chung của môi trường kinh doanh như chính sách kiểm soát tín dụng, môi trường lãi suất cao, pháp lý dự án bị đình trệ..., các tổ chức phát hành rơi vào tình trạng trên đều có những đặc điểm chính về chất lượng tín dụng yếu trong một thời gian dài trước khi vi phạm nghĩa vụ nợ.
Các đặc điểm chung gồm mức đòn bẩy nợ rất cao; dòng tiền trả nợ yếu do vốn chủ yếu tồn đọng ở các khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn, thay vì tạo ra tài sản cố định hữu hình hoặc hàng tồn kho hoàn thành, từ đó dẫn đến rủi ro thanh khoản.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng bị mất cân đối về kỳ hạn, kỳ hạn nợ ngắn trong khi dòng tiền kinh doanh âm nhiều kỳ liên tiếp trước khi xảy ra sự kiện vi phạm nợ.
Cụ thể, phân tích FiinGroup dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính của 33 doanh nghiệp bất động sản chậm trả cho thấy, đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp này tăng gấp 9,5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Tuy nhiên, tài sản hữu hình, thường là tài sản sinh lời của các công ty bất động sản, có mức tăng khiêm tốn từ 25.000 tỷ đồng (năm 2017) lên 33.000 tỷ đồng (năm 2021).
Trong khi đó, khoản phải thu (thường đến từ hợp đồng cho vay các bên liên quan) và khoản đầu tư dài hạn (thường là khoản đầu tư vào các công ty con và liên kết) lại tăng gấp hơn 4 lần.
Theo FiinGroup, vì dòng tiền không được tập trung đầu tư vào tài sản sinh lời nên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính không tăng trưởng tương xứng với nợ vay. Khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này giảm mạnh do EBITDA (hiệu quả kinh doanh) chỉ tăng 4 lần trong khi nợ vay tăng 15 lần.
Điều đáng quan tâm đó là theo các chuyên gia tài chính, con số 65 doanh nghiệp chậm thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp sẽ chưa phải là con số cuối cùng, mà trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp "gia nhập" tiếp.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán VNDirect, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong quý III năm nay. Áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn đang gia tăng ở 2 quý cuối năm nay, trong khi nhiều tổ chức phát hành vẫn còn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và dòng tiền. Việc có thể đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn là một trong những giải pháp tốt nhất để có thêm thời gian phục hồi.
Trước tình trạng doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu, báo VOV dẫn lời ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) cho biết, tổ chức phát hành phải chịu trách nhiệm đến cùng với trái phiếu phát hành ra.
Theo Phó Chủ tịch SSC, cần phát triển thị trường trái phiếu bởi đây là kênh huy động vốn quan trọng, song phải đảm bảo tính minh bạch, công khai. Để thị trường ngày càng phát triển, phía cơ quan quản lý cũng phải tăng cường khâu giám sát; các nhà đầu tư cần xem xét, cân nhắc các rủi ro khi giao dịch…
Vân Anh (T/h)