Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

10 phát ngôn gây "dậy sóng" thế giới tuần qua: Ông Putin ra tuyên bố bất ngờ về điều kiện đàm phán

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Cùng Đời sống & Pháp luật nhìn lại những tin nóng cùng 10 phát ngôn gây chú ý trong tuần qua (15-21/12/2024).

"Nếu người nào được bầu hợp pháp, chúng tôi sẵn sàng đàm phán với người đó"

Tại cuộc họp báo cuối năm thường niên diễn ra tại Moscow ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai giữa Nga và Ukraine sẽ phải được ký kết bởi các cơ quan có thẩm quyền hợp pháp ở Kiev, hiện là quốc hội Ukraine.

"Nếu người nào được bầu hợp pháp (ở Ukraine), chúng tôi sẵn sàng đàm phán với người đó, bao gồm cả ông Zelensky. Nếu đi đến ký kết hiệp ước hòa bình, chúng tôi chỉ ký với đại diện của các cơ quan có thẩm quyền hợp pháp", chủ nhân Điện Kremlin nói.

Ông Putin giải thích, theo hiến pháp Ukraine, không có cơ chế kéo dài nhiệm kỳ tổng thống trong thời gian thiết quân luật và chỉ có quốc hội Ukraine mới có thẩm quyền kéo dài nhiệm kỳ của mình mà không cần tổ chức bầu cử trong thời chiến.

Tổng thống Ukraine chịu trách nhiệm bổ nhiệm người đứng đầu các bộ, cơ quan an ninh cũng như các cơ quan chính phủ và khu vực khác. Trong khi đó, thực tế là nhiệm kỳ của ông Zelensky đã hết vào đầu năm nay, có nghĩa là tất cả những người đứng đầu cơ quan này của Ukraine đều là bất hợp pháp.

Theo quy định của Hiến pháp Ukraine, nhiệm kỳ của Tổng thống Volodymyr Zelensky chấm dứt từ ngày 21/5.

Theo kế hoạch ban đầu, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra tại Ukraine vào ngày 31/3 để chọn ra người kế nhiệm ông Zelensky. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, ông Zelensky cho biết, Ukraine sẽ không tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào trong giai đoạn thiết quân luật như hiện nay.

 

"Thỏa thuận này là kết quả của quá trình thương lượng, nghĩa là không bên nào đạt được mọi thứ mình mong muốn"

Ngày 21/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành dự luật cấp ngân sách cho chính phủ Mỹ hoạt động sau khi quốc hội nước này đã thông qua trước đó, chính thức ngăn chặn nguy cơ đóng cửa.

Nhờ đó, gói ngân sách tài trợ cho chính phủ Mỹ được duy trì ở mức hiện tại cho đến ngày 14/3/2025, bao gồm cả 100 tỷ USD viện trợ thiên tai và khoản tiền chi cho dự luật nông trại một năm nhưng không gia hạn giới hạn nợ theo yêu cầu của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

"Thỏa thuận này là kết quả của quá trình thương lượng, nghĩa là không bên nào đạt được mọi thứ mình mong muốn", ông Biden cho biết.

"Tuy nhiên, luật bác bỏ tiến trình đẩy mạnh cắt giảm thuế cho các tỷ phú mà đảng Cộng hòa đang tìm cách thực hiện và đảm bảo rằng chính phủ có thể tiếp tục hoạt động đầy đủ theo năng lực", vị tổng thống nói thêm.

Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật vào đêm thứ Bảy ngay sau khi Hạ viện thông qua. Kết quả bỏ phiếu ở Thượng viện là 85 phiếu thuận, 11 phiếu chống và ở Hạ viện là 366 phiếu thuận và 34 phiếu chống.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

"Tôi đã nói với Liên minh Châu Âu rằng họ phải bù đắp thâm hụt khổng lồ với Mỹ bằng việc mua dầu và khí đốt của chúng tôi"

Reuters đưa tin ngày 20/12, ông Trump cho biết EU nên tăng cường nhập khẩu dầu và khí đốt từ Mỹ hoặc đối mặt với các thuế quan áp đặt lên hàng xuất khẩu của khối, bao gồm ô tô và máy móc.

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, EU đang mua phần lớn dầu và khí đốt xuất khẩu của Mỹ. Ông Trump tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng dầu khí khai thác của đất nước.

"Tôi đã nói với Liên minh Châu Âu rằng họ phải bù đắp thâm hụt khổng lồ với Mỹ bằng việc mua dầu và khí đốt của chúng tôi với quy mô lớn. Nếu không, thuế quan sẽ áp lên mọi hàng hóa", ông Trump viết trên Truth Social.

Ủy ban Châu Âu cho biết họ sẵn sàng thảo luận với ông Trump về cách tăng cường mối quan hệ vốn đã mạnh mẽ, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng.

"EU cam kết loại bỏ nhập khẩu năng lượng từ Nga và đa dạng hóa các nguồn cung cấp của chúng tôi", một phát ngôn viên cho biết.

Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê EU, Mỹ đã cung cấp 47% lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và 17% lượng dầu nhập khẩu của EU trong quý đầu tiên của năm 2024.

 

Viện trợ quân sự của Mỹ đủ cho Ukraine chiến đấu tới hết năm 2025

Chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cho rằng viện trợ quân sự mà Washington đã chuyển hoặc dự kiến chuyển cho Ukraine đủ để Kiev chiến đấu tới hết năm sau.

Cụ thể, tại một buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã được hỏi rằng liệu Ukraine có thể chống lại Nga trong bao lâu bằng các nguồn lực do chính quyền Tổng thống Biden cung cấp.

Ông Miller cho biết chính quyền Mỹ tin rằng các nguồn lực đã viện trợ cho Ukraine, cùng với các nguồn lực được lên kế hoạch chuyển cho Kiev vào cuối nhiệm kỳ của ông Biden, sẽ giúp Ukraine có đủ vũ khí và thiết bị cần thiết để tiếp tục cuộc chiến cho đến cuối năm 2025.

Theo báo cáo của Tổng thanh tra Lầu Năm Góc công bố hôm 14/11, quốc hội Mỹ đã phân bổ gần 183 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022.

Trong tổng số khoản viện trợ trên, khoảng 131,36 tỷ USD đã được chuyển cho các hoạt động liên quan đến an ninh. Trong đó bao gồm 45,6 tỷ USD dành cho việc tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Âu và gần 46 tỷ USD để thay thế vũ khí được cung cấp cho Ukraine. Ngoài ra, gần 44 tỷ USD được phân bổ cho các chương trình quản lý, bao gồm cả tiền lương cho các công chức Ukraine và 4 tỷ USD cho viện trợ nhân đạo.

Lựu pháo Mỹ trên đường vận chuyển đến Ukraine. Ảnh: Reuters

"Tại sao tôi làm việc này ư? Vì tôi được hứa thù lao 100.000 USD và một hộ chiếu châu Âu"

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 18/12 thông báo đã bắt giữ nghi phạm Akhmad Kurbanov, 29 tuổi, quốc tịch Uzbekistan trong vụ sát hại Trung tướng Igor Kirillov, chỉ huy Lực lượng phòng thủ phóng xạ, hóa học và sinh học thuộc quân đội Nga.

Nghi phạm khai nhận được cơ quan tình báo Ukraine tuyển dụng để thực hiện phi vụ. Theo lệnh của phía Ukraine, Kurbanov đã đến Moscow, nhận một thiết bị nổ tự chế công suất lớn và đặt nó lên một chiếc xe điện gần lối vào nơi ở của Trung tướng Kirillov.

Để theo dõi nơi ở của tướng Kirillov, nghi phạm đã thuê một ô tô và lắp camera Wi-Fi trong đó, truyền video trực tiếp tới "chủ mưu" ở Dnipro, Ukraine.

Sau khi nhận được đoạn video quay cảnh tướng Kirillov và trợ lý của ông rời khỏi tòa nhà, Kurbanov đã kích nổ thiết bị nổ từ xa.

Nghi phạm cho biết, anh ta được hứa trả 100.000 USD và chuyển đến một quốc gia Liên minh châu Âu (EU) để đổi lấy việc thực hiện vụ tấn công.

"Tại sao tôi làm việc này ư? Vì tôi được hứa thù lao 100.000 USD và một hộ chiếu châu Âu", nghi phạm khai trong một video về cuộc thẩm vấn được FSB công bố.

Một nguồn tin điều tra cho hay, trước khi thực hiện phi vụ, Akhmad Kurbanov trú ở thành phố Kazan của Nga và có một cuộc sống rất đơn giản.

 

"Trên thực tế, có khoảng 2.000 quân nhân Mỹ ở Syria"

"Trước đây, chúng tôi thường xuyên thông báo với các bạn rằng có khoảng 900 quân nhân Mỹ được triển khai tại Syria. Hôm nay tôi biết rằng, trên thực tế, có khoảng 2.000 quân nhân Mỹ ở Syria", người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói với các phóng viên hôm 19/12.

"Những lực lượng này, tăng cường cho nhiệm vụ đánh bại IS, đã có mặt ở đó trước khi chính quyền Assad sụp đổ", ông Ryder cho biết, đề cập tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Ông Ryder không nêu rõ nhóm quân nào đã được Mỹ đưa đến Syria để đối phó với IS. Ông mô tả họ là "lực lượng luân phiên tạm thời được triển khai để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ thay đổi, trong khi 900 quân nhân cốt lõi đang trong thời gian triển khai dài hạn".

"Về mặt quân sự, Ukraine đang thua trong cuộc chiến này"

Ngày 19/12, Thủ tướng Fico phát biểu tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ: "Thưa quý vị, tôi phải nói rằng: ông Zelensky hoàn toàn bác bỏ bất kỳ lệnh ngừng bắn nào. Ông ấy có ý tưởng rằng trước tiên phải có được mọi thứ trên thế giới, và sau đó mới có thể nói về một số lệnh ngừng bắn nào đó"

Ông Fico lưu ý rằng bản thân không hiểu vì sao có những người có thể bình tĩnh nói về việc tiếp tục xảy ra một cuộc xung đột trong đó mọi người đang chết dần, vào thời điểm mà các bên xung đột cần được thúc đẩy đàm phán.

"Hình ảnh được tạo ra hiện nay là mọi thứ đều ổn, nhưng chúng tôi biết rất rõ rằng không có gì ổn cả. Về mặt quân sự, Ukraine đang thua trong cuộc chiến này", nhà lãnh đạo Slovakia nói thêm.

Theo vị lãnh đạo, Kiev phải tuyên bố từ bỏ ý định gia nhập NATO và phi quân sự hóa cũng như áp dụng quy chế trung lập, không liên kết và không có vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Nga cũng đề cập đến việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga.

 

 5 yếu tố quan trọng để Ukraine cân nhắc thương lượng với Nga

Ngày 19/12, Phát biểu trước giới truyền thông tại Brussels, Bỉ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nêu ra những yếu tố quan trọng mà ông tin rằng Ukraine cần đạt được trước khi cân nhắc khả năng đàm phán với Nga.

Thứ nhất, ông Zelensky cho rằng cần có một chiến trường ổn định, nơi quân đội Nga không còn khả năng tiến công. Ông mô tả đây là điều kiện cơ bản nhưng rất khó khăn để bắt đầu các cuộc đàm phán.

Thứ hai, về trang bị và phối hợp lực lượng, ông Zelensky cho biết việc các đối tác giữ lời hứa về việc hỗ trợ đào tạo, trang bị vũ khí là quan trọng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine bày tỏ lo ngại vì các đồng minh chậm trễ trong quá trình này và tiến độ viện trợ không đạt được như cam kết ban đầu.

Thứ 3, ông Zelensky muốn Ukraine phải có sự ổn định về kinh tế và tài chính vĩ mô và ông mong đợi sự hỗ trợ gia tăng từ phương Tây, ví dụ như G7.

Thứ 4, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh nước này cần đồng minh cung cấp các bảo đảm an ninh rõ ràng, nhằm ngăn chặn Nga phát động một cuộc tấn công khác trong tương lai gần. Ông cũng lưu ý rằng khoảng 8 triệu người Ukraine đang ở nước ngoài sẽ khó quay về nếu không có những đảm bảo về an ninh.

Cuối cùng, ông Zelensky nhắc tới sự ủng hộ từ chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ukraine mong đợi chính quyền mới của Mỹ sẵn sàng tăng cường hỗ trợ Kiev và áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện đối với Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty

" Chỉ có AfD mới có thể cứu được nước Đức"

Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, tỷ phú Elon Musk, đã khiến dư luận ở Berlin "dậy sóng" sau khi bày tỏ quan điểm ủng hộ đảng cực hữu AfD ở nước này.

"Chỉ có AfD mới có thể cứu được nước Đức", tỷ phú Musk viết trên mạng xã hội X ngày 20/12, không lâu sau khi chính phủ liên minh của Đức sụp đổ tuần trước.

AfD đề cao quan điểm "Nước Đức trên hết" theo chủ nghĩa dân túy và chống người nhập cư.

Ông Christian Lindner, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Đức, hôm 20/12 kêu gọi ông Musk không "vội vàng kết luận từ xa". Nghị sĩ này lập luận: "Mặc dù kiểm soát nhập cư có ý nghĩa quan trọng với Đức, nhưng AfD chống lại tự do và kinh doanh, đó là một đảng cực đoan cực hữu".

Vào tháng 5, một thẩm phán đã ra phán quyết rằng cơ quan tình báo nội địa của Đức có thể tiếp tục giám sát AfD vì mối đe dọa mà đảng này có thể gây ra cho nền dân chủ Đức.

AfD gần đây đã trở thành đảng cực hữu đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp bang ở Đức kể từ thời Đức Quốc xã, mặc dù tất cả các đảng chính trị chính thống của nước này đều cho biết họ sẽ không ngồi cùng họ trong một liên minh.

 

“Hãy tiến hành một loại thử nghiệm công nghệ nào đó, một cuộc đấu tay đôi công nghệ cao của thế kỷ 21"

Ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin được yêu cầu bình luận về ý kiến của một số chuyên gia quân sự nước ngoài cho rằng Oreshnik có thể dễ dàng bị hệ thống phòng thủ tên lửa phương Tây bắn hạ.

Tổng thống Nga nói: "Không có cơ hội bắn hạ những tên lửa Oreshnik này. Nếu những chuyên gia phương Tây mà quý vị đề cập nghĩ rằng Oreshnik có thể bị bắn hạ, thì chúng tôi đề xuất họ hãy tiến hành một loại thử nghiệm công nghệ nào đó, một cuộc đấu tay đôi công nghệ cao của thế kỷ 21. Hãy để họ kể tên một số đối tượng, chẳng hạn như ở Kyiv, tập trung tất cả lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa của họ ở đó, và chúng tôi sẽ tấn công [địa điểm đó] bằng Oreshnik và xem điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi đã sẵn sàng cho một thử nghiệm như vậy. Bên kia đã sẵn sàng chưa?"

Nhà lãnh đạo Nga giải thích rằng với các đặc tính kỹ thuật của Oreshnik và các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện do phương Tây triển khai, sẽ không thể ngăn chặn tên lửa hoặc đầu đạn bội siêu thanh của nó sau khi nó được phóng.

Ông Putin cho rằng kết quả của một cuộc “đấu tay đôi” như vậy sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn từ cả Nga và Mỹ, là những nước đang triển khai các tổ hợp phòng không hiện đại nhất trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Tin nổi bật