Ngày 4/7, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Zimbabwe John Mangudya cho biết, các đồng tiền vàng sẽ được bán từ ngày 25/7 bằng đồng nội tệ (ZWL), USD và các ngoại tệ khác với mức giá được ấn định theo giá vàng quốc tế và chi phí sản xuất.
Ngân hàng Trung ương này tiết lộ, loại tiền đặc biệt này có tên là "Mosi-oa-tunya", được đặt theo tên của thác nước Victoria (tọa tại biên giới Zambia và Zimbabwe). Ưu điểm lớn nhất của loại tiền này là có thể chuyển đổi thành tiền mặt và được giao dịch cả trong và ngoài nước.
Vàng miếng tại Ngân hàng Trung ương Zimbabwe.
Thông báo cũng cho biết thêm đồng tiền sẽ gồm 1 ounce vàng (8,3 chỉ vàng) và sẽ được bán thông qua công ty tinh luyện và xuất khẩu vàng ở Fidelity Gold Refinery (Zimbabwe), công ty trang sức Aurex và các ngân hàng sở tại khác.
Được biết, tiền vàng thường được giới đầu tư quốc tế sử dụng như một công cụ bảo hiểm trước lạm phát và chiến tranh.
Lạm phát tăng vọt ở quốc gia miền Nam châu Phi đã gây áp lực lên người dân vốn đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt hàng hóa cùng những kí ức về sự hỗn loạn kinh tế cách đây vài năm.
Tại Zimbabwe, lạm phát tại đây đã tăng đến 192% trong tháng 6/2022, mức cao nhất trong 1 năm qua. Giá lương thực thậm chí tăng gấp 3 lần. Đà lạm phát này một phần chịu ảnh hưởng của sự mất giá đồng nội tệ, Zimbabwe Dollar. Kể từ đầu năm đến nay, đồng Zimbabwe Dollar đã mất đến 2/3 giá trị so với đồng USD và đang là đồng tiền tệ nhất Châu Phi.
Tuần trước, Ngân hàng trung ương Zimbabwe bày tỏ quan ngại lớn về lạm phát và đã nâng lãi suất từ 80% lên 200% để hạn chế đầu cơ tiền tệ. Với động thái trên, Zimbabwe đã tăng lãi suất lũy kế trong năm nay lên 140%, mức cao nhất trên toàn cầu.
"Ủy ban chính sách tiền tệ bày tỏ quan ngại về đà tăng lạm phát thời gian gần đây. Ủy ban nhận thấy rằng sự gia tăng lạm phát sẽ làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng cũng như niềm tin của người dân. Bởi vậy nếu không kiểm soát lạm phát thì chúng sẽ làm đảo lộn thành quả kinh tế đã đạt được trong 2 năm qua", Thống đốc John Mangudya tuyên bố.
Từ những năm 2009, Zimbabwe đã phải từ bỏ đồng nội tệ bị lạm phát làm mất giá trị và thay vào đó sử dụng ngoại tệ, phần lớn là USD. Đến năm 2019, Chính phủ Zimbabwe áp dụng trở lại đồng nội tệ, nhưng đồng tiền này cũng một lần nữa mất giá nhanh chóng.
Linh Chi (T/h)