Sống bất an mỗi ngày
Đầu tháng 10/2021, PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật nhận được thông tin phản ánh của một số độc giả về tình trạng khai thác, vận chuyển cát ngay sát chân cầu Tuần Quán. Hoạt động này không chỉ gây mất an toàn mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân tại tổ 14, phường Yên Ninh, TP.Yên Bái.
Trao đổi với PV, ông Vũ Quốc Hưng (tên đã thay đổi – PV), sinh sống ở phường Yên Ninh bày tỏ bức xúc: “Cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc khai thác, vận chuyển cát, sỏi không kể giờ giấc của hộ gia đình nhà ông Đinh Trọng Đức. Môi trường xung quanh luôn trong tình trạng ô nhiễm vì bụi bẩn. Qua tìm hiểu, chúng tôi nghi ngờ rằng, việc khai thác là nằm ngoài phạm vi cho phép”.
Theo ông Hưng, cứ đến giờ gà lên chuồng (khoảng từ 17h), những chiếc xe tải trọng lớn lại vào “ăn” cát. Tiếng động cơ máy xúc, ô tô đua nhau gầm rú, bụi bặm cũng theo đó bay lên mù mịt, thậm chí bay cả vào nhà khi đang ăn cơm.
Không chỉ vậy, việc bến bãi hoạt động tại đây còn làm mất mỹ quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tôn nghiêm, thanh tịnh của khu quần thể di tích lịch sử Đền Tuần Quán. Nhiều người dân đến dâng hương tại Đền cũng không khỏi hoảng loạn khi nhìn thấy những chiếc xe tải cỡ lớn lao xồng xộc xuống dốc để vào bến bãi lấy cát, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chết người.
Hiện trường khai thác cát trên sông.
Bà Lệ Thu – Ban Quản lý di tích đền Tuần Quán cho biết, bến bãi này đã tồn tại ở đây nhiều năm, người dân đến thăm quan, lễ đền cũng phàn nàn, thậm chí có người còn bức xúc gọi điện phản ảnh đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết.
“Việc tàu thuyền hoạt động quanh khu vực Đền Tuần Quán rất mất mỹ quan. Nhiều du khách thập phương đến thăm quan đền cũng không khỏi thắc mắc về sự ồn ào quanh khu di tích lịch sử. Trong khi đó, người dân sinh sống tại đây có thể họ đã quá quen mắt với tình cảnh này nên ít ai đứng ra phản ánh”, bà Thu nói.
Hình ảnh khai thác cát sỏi trên sông.
Ngay sau khi nhận được phản ánh của độc giả, PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã đến hiện trường ghi nhận. Tại đây, chỉ cần đứng trên cầu Tuần Quán đã có thể quan sát được hoạt động khai thác đang diễn ra tấp nập như thế nào!? Những chiếc tàu hút, tàu quăng làm hết công suất, điểm tập kết tấp nập với hàng chục lượt xe ra vào chở hàng.
Phóng viên gặp khó khi làm rõ thông tin
Ngày 2/11, trao đổi với PV, ông Lê Biên Giới – Phó Chủ tịch UBND phường Yên Ninh, TP. Yên Bái, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn phường Yên Ninh có một đơn vị khai thác, kinh doanh cát sỏi là hộ gia đình nhà ông Đinh Trọng Đức tại tổ 14. Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị thuộc Nhà nước và quản lý địa phương đã tiến hành kiểm tra. Quá trình kiểm tra đối với hộ gia đình ông Đức đều có giấy phép kinh doanh, giấy phép mở bến thủy nội địa. Về nguồn cát để kinh doanh, hộ gia đình nhà ông Đức có hợp đồng mua bán với công ty Minh Phú (Mỏ cát Minh Phú) địa điểm ở xã Giới Phiên, TP.Yên Bái”.
Theo vị lãnh đạo phường Yên Ninh, tình trạng vận chuyển cát sỏi vượt quá tải trọng cho phép, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân là có thật.
“Chúng tôi đã nhận được phản ánh, thời gian tới sẽ phối hợp với cơ quan, sở, ban ngành cấp thành phố, cấp tỉnh kiểm tra xử lý dứt điểm. Mặc dù, UBND TP.Yên Bái cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức cân tải lưu động để xử lý những trường hợp vi phạm, nhưng chưa ngăn chặn triệt để. Đặc biệt hoạt động khai thác, vận chuyện diễn ra vào đêm khuya nhằm trốn tránh lực lượng chức năng…”, ông Giới nói thêm.
Các giấy tờ để đủ điều kiện hoạt động kinh doanh, vận chuyển cát sỏi của hộ gia đình ông Đinh Trọng Đức mà UBND phường Yên Ninh cung cấp cho PV bao gồm: (1) Biên bản xác nhận báo hiệu và vùng nước an toàn bến thủy nội địa, Biên bản xác nhận lắp đặt báo hiệu (Công trình báo hiệu bến thủy nội địa) – Do trạm quản lý đường thủy nội địa lập;
(2) Giấy chứng nhận kinh doanh hộ kinh doanh cá thể (Đăng ký lần đầu) do phòng Tài chính – Kế hoạch TP.Yên Bái cấp ngày 01/10/2009; (3) Văn bản chấp thuận xây dựng công trình bến thủy nội địa từ Km 371+000 – Km 371+025 – do sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái ra văn bản ngày 29/5/2015.
Theo nội dung văn bản này: “Căn cứ Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của bộ Giao thông Vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa; căn cứ Công văn số 352/ĐTNĐPB-PC ngày 15/5/2015 của chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc về việc cho ý kiến về vị trí xây dựng bến thủy nội địa.
Sau khi kiểm tra xem xét, sở Giao thông Vận tải Yên Bái chấp thuận xây dựng công trình bến thủy nội địa từ Km thứ 371-000-Km371-025 bên bờ trái sông Hồng thuộc tổ 39 (nay là tổ14 - PV), phường Yên Ninh, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái của ông Đinh Trọng Đức.
Yêu cầu ông Đinh Trọng Đức hoàn thiện các thủ tục tiếp theo để cấp phép theo quy định hiện hành”.
Ngoài ra, UBND phường Yên Ninh không có thêm bất cứ giấy tờ, hồ sơ nào của hộ gia đình nhà ông Đức.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, ngày 9/11/2021 PV đã đến sở Tài nguyên & Môi Trường đặt lịch phỏng vấn. Tuy nhiên, sau vài ngày không nhận được thông tin phản hồi, PV đã liên hệ lại và được một cán bộ phòng văn thư xác nhận, lãnh đạo Sở đã chuyển nội dung qua phòng chuyên môn để trả lời báo chí. Ngoài ra, vị này cũng gửi số điện thoại của chuyên viên phòng Khoáng sản để PV liên hệ.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của cơ quan báo chí, một chuyên viên phòng Khoáng sản tên Thủy phản hồi như sau: “Giấy giới thiệu của PV hết hạn, đề nghị xin giấy mới và chuyển lại thì mới cung cấp thông tin”.
Ngay sau đó, PV đã xin ý kiến ban biên tập cấp lại giấy giới thiệu và đặt lịch làm việc lần hai. Tuy nhiên, đến ngày hết hạn đợt giấy giới thiệu thứ hai, PV vẫn không nhận được thông tin phản hồi nào từ cơ quan này.
Trước tình trạng trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái cần sớm xem xét, di dời địa điểm tập kết, khai thác cát gây ô nhiễm, làm mất mỹ quan khu di tích. Cùng với đó là nguy cơ ảnh hưởng đến chân cầu cũng như bờ kè hai bên sông…
Tạp chí Đời sống và Pháp Luật sẽ tiếp tục thông tin!
Đỗ Tuấn