Xyanua "tiếp tay" âm mưu tàn độc của kẻ thủ ác (Kỳ 1): Dùng xyanua giết 3 người thân ở Đồng Nai
Xyanua "tiếp tay" âm mưu tàn độc của kẻ thủ ác (Kỳ 2): Nữ sinh 21 tuổi đầu độc cha ruột bằng Xyanua
Lê Thanh Vân (SN 1956, ngụ TP.HCM) từng được mệnh danh là "phù thủy" xyanua bởi Vân chuyên dùng chất độc này để giết người.
Thủ đoạn của Vân là làm quen nạn nhân, tạo tình cảm, nhận làm con nuôi, sau đó rủ nạn nhân đi ăn uống rồi dùng chất độc xyanua sát hại họ để cướp tài sản.
VnExpress thông tin, từ năm 1998, trên địa bàn một số tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ chết người không rõ nguyên nhân gây bàng hoàng trong nhân dân. Cơ quan điều tra đã vào cuộc xác định được đối tượng và yêu cầu Lê Thanh Vân đến trụ sở làm việc.
Khám xét trong giỏ xách của Vân, cơ quan công an thu được một gói hóa chất màu vàng được giám định là hóa chất kịch độc đối với con người. Chỉ cần một lượng nhỏ từ 0,15 đến 0,20 gram là đủ làm chết một người có trọng lượng 70-90kg. Thử nghiệm chất độc này đối với chó thì khoảng 7 phút sau chó chết.
Tuy nhiên, khi giám định tử thi của nạn nhân cũng như mẫu ngũ tạng của chó, cơ quan chức năng không tìm ra chất độc mà thời hạn điều tra đã hết nên buộc phải thả đối tượng.
Không lâu sau đó, Lê Thanh Vân lại tiếp tục gây án tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM.
Nhận thấy các nạn nhân đều có các triệu chứng giống nhau trước khi chết đồng thời lại luôn có sự hiện diện của Vân nên công an các tỉnh đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an điều tra làm rõ.
Lần theo các dấu vết, cơ quan chức năng đã xác định được chính xác loại thuốc độc mà đối tượng sử dụng. Đó là loại thuốc có đặc tính khuyếch tán nhanh khi vào cơ thể nên ngay lập tức Lê Thanh Vân bị bắt giữ.
Nữ "phù thủy xyanua" Lê Thanh Vân. (Ảnh: Pháp luật TP.HCM)
Quá trình điều tra đã xác định được Vân giết chết 13 người, trong đó có số vụ Vân phối hợp với chồng "hờ" - Dìu Dãnh Quang (SN 1973) thực hiện. Những nạn nhân mà Vân ra tay sát hại bất kể là ai, dù thân quen hay xa lạ chỉ "cần" người đó có tiền hoặc đã từng gây mâu thuẫn đối với Vân.
Cuối năm 1997, anh Đinh Văn Khảm đến thăm người nhà đang điều trị bệnh tại quân y viện 7A TP.HCM đã làm quen với một người phụ nữ khá xinh đẹp cũng đang nằm điều trị giường bên cạnh.
Qua vài câu xã giao, người phụ nữ tự giới thiệu mình là Lê Thanh Vân, bác sĩ chuyên khoa về răng đã đi học ở Đức, biết đến 7 thứ tiếng. Mừng rỡ vì gặp được người "tài" nên anh Khảm đã mời Vân về làm việc tại tiệm trồng răng Đài Các của gia đình ở huyện Long Khánh, Đồng Nai. Tại đây, Vân nhanh chóng quen thân rồi chung sống như vợ chồng với Dìu Dãnh Quang.
Do làm ăn khó khăn, bà Võ Thị L. (mẹ anh Khảm) có ý định cho chồng "hờ" của Vân nghỉ việc, Vân rất khó chịu, hơn nữa lại thấy bà L. có tiền nên nảy sinh ý định ra tay sát hại bà L..
Tối ngày 3/1/1998, khi "sếp" vắng nhà, Vân đã ra tay giết người bằng cách lén bỏ chất độc xyanua vào ly nước chanh cho bà L. uống.
Khoảng 30 phút sau, bà L. la đau đầu, khó thở, chân tay lạnh và co cứng, không nói được lời nào. Để cho "phải đạo", Vân và Quang đưa bà L. đi cấp cứu nhưng đến khuya thì bà qua đời. Ngay sau đó, Vân trở về lục giỏ của bà L. lấy 900.000 đồng đút túi.
Cặp đôi tội lỗi Lê Thanh Vân và Dìu Dãnh Quang tại phiên tòa phúc thẩm. (Ảnh: Công lý)
Tháng 6/1998, vợ chồng Vân - Quang cùng mẹ chồng là bà Hín Vân D. thuê nhà tầng 2 của một căn nhà trên đường Lạc Long Quân, phường 9, quận Tân Bình, TP.HCM để làm răng. Chung sống cùng nhau không được bao lâu thì Vân lại nảy sinh ý định sát hại mẹ chồng.
Đợi lúc cả nhà ăn cơm tối xong, Vân lén bỏ chất độc xyanua vào ly trà của bà D. khiến 3 giờ sau đó bà gục xuống sàn nhà. Quang cùng anh ruột của mình nhanh chóng đưa mẹ đi cấp cứu còn Vân ở nhà lục giỏ quần áo bà D. lấy được 2,8 triệu đồng. Bà D. chết tại bệnh viện Trưng Vương với chẩn đoán nghi bị xuất huyết não. Từ đó, Vân cũng dọn về nhà cha mẹ ruột cư ngụ.
Không lâu sau đó, do có mâu thuẫn với em rể là Lê Văn C., Vân lại tiếp tục thực hiện âm mưu độc ác của mình. Cuối tháng 2/1999, Vân điện thoại mời anh C. đến nhà cha mẹ ruột để giới thiệu anh C. xây nhà cho một người quen.
Sau khi ăn sáng xong, anh C. nhờ Vân chích giùm thuốc giảm đau vì anh đang bị đau tay. Nắm được cơ hội, Vân đã hòa chung thuốc độc xyanua với thuốc giảm đau rồi chích cho anh C.. Chiều cùng ngày, anh C. đã chết với những triệu chứng như các nạn nhân của Vân trước đó.
Đáng nói, trong số những vụ giết người, có vụ mà Vân đã “điều” nạn nhân lên tận chùa rồi mới ra tay giết hại.
Đến cửa phật là nơi con người về với cái thiện, nhưng với Vân lại thẳng tay làm việc ác tại nơi linh thiêng. Đó là vụ giết ông Võ Hữu Kh. (SN 1945, ngụ tại đường Bùi Thị Xuân, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM), Giám đốc Công ty TNHH Như Quân.
Ông Kh. là người bị đầu độc và tử vong với những triệu chứng dữ dội nhất và như một sự quả báo, từ vụ án này, Lê Thanh Vân đã dần lộ mặt…
Dù là kẻ sát nhân máu lạnh nhưng Vân lại mê vào chùa cúng bái, trò chuyện với những nhà tu hành. Trong vụ giết hại ông Kh., kế hoạch giết người cướp xe được Vân dựng lên quá nhẫn tâm và độc ác.
Sáng 4/9/1999, Vân rủ ông Kh. đi chùa cúng, chọn ngày tốt để nhờ ông Kh. khởi công sửa nhà mẹ của Vân. Ông Kh. không mảy may nghi ngờ, mượn chiếc xe Dream II của một người bạn chở Vân bon bon chạy về hướng chùa ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Khi hai người vào quán ăn trưa, ông Kh. lấy chai rượu thuốc mang theo trong người rót ra uống. Lợi dụng lúc ông Kh. đi vệ sinh, Vân rắc ngay chất độc xyanua vào ly rượu. Ông Kh. quay ra uống hết ly rượu độc liều kêu mệt.
Ăn uống xong, Vân kéo ông Kh. lên chùa ở Bình Dương lễ bái. Khi đến cửa phật, Vân vào trò chuyện với các sư, riêng ông Kh. trúng độc và nằm chết gục cạnh gốc cây bên lối đường đi trong chùa. Nghe các sư báo tin dữ, Vân liền giả bộ hớt hải chạy ra ngồi bên xác nạn nhân than khóc.
Ngoài giết 13 mạng người, Lê Thanh Vân còn liên quan trực tiếp đến 8 vụ án khác gồm 16 người bị đầu độc, trong đó có 3 người chết, 13 người thoát chết nhờ được cấp cứu kịp thời.
Vân còn là nghi can trong cái chết của người hàng xóm Bùi Thị Ch. (SN 1971, ngụ phường 11, quận 10). Chị Ch. tử vong ngày 15/11/1992 do ngộ độc, bị ói mửa sau khi ăn mì gà, còn Vân thì ung dung ngồi... quan sát.
Điều đáng sợ là các ông chồng của “phù thuỷ” đều chết bất đắc kỳ tử. Lê Thanh Vân là nghi can số một về cái chết đột ngột của 2 người chồng quá cố.
Ông chồng thứ nhất của thị là Nguyễn Quang M. (SN 1929), cưới Vân được 4 năm thì chết vào ngày 2/4/1989. Ông M. là người khoẻ mạnh nhưng đột ngột phải nhập bệnh viện An Bình và mất sau 1 tiếng đồng hồ cấp cứu. Lúc chết, ông M. đang là Phó Giám đốc Nhà máy kính Biên Hoà.
Sau đó, Vân bán nhà và ôm tiền chuyển lên TP.HCM sống với ông chồng mới là Lê Văn M. (SN 1935). Năm 1992, Vân và ông M. thuê nhà ở cư xá Bắc Hải cùng xây dựng “tổ ấm”. Ông M. vốn khoẻ mạnh bỗng đổ bệnh và chết tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vào ngày 18/6/1992. Bệnh viện chẩn đoán ông M. bị suy hô hấp, yếu nửa người…
Cơ quan công an làm giám định tại Phân viện Khoa học hình sự. (Ảnh: Pháp luật TP.HCM)
Vân giết chết 13 người, cướp tài sản với tổng tài sản trị giá trên 311 triệu đồng, một khoản tiền lớn tại thời điểm gây án.
Ngày 1/9/2004, TAND tỉnh Bình Dương đưa Lê Thanh Vân ra xét xử, tuyên phạt nữ sát thủ mức án tử hình về các tội Giết người, Cướp tài sản và Tàng trữ trái phép chất độc. Đến ngày 2/2/2005, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM y án sơ thẩm.
Vân có làm đơn gửi Chủ tịch nước nhưng với tội trạng quá tày đình, ngày 4/10/2005, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1159 bác đơn xin ân giảm án tử hình đối với Vân. Việc đưa Vân ra pháp trường được ấn định vào ngày 26/10/2005, thi hành án tại nghĩa trang thị xã Thủ Dầu Một.
Ông Nguyễn Dũng, nguyên Thẩm phán TAND tỉnh Bình Dương là một trong những thành viên Hội đồng thi hành án tỉnh Bình Dương. Ông Dũng kể lại trên báo Công lý, hơn 4 giờ sáng, ông cùng mọi người đến trại giam làm thủ tục thi hành án tử hình. Giữa sự tĩnh lặng nơi trại giam, tiếng chìa khóa buồng biệt giam va vào nhau lách cách lúc về sáng là nỗi ám ảnh của các tử tù, báo hiệu thời khắc cuối cùng của cuộc đời sắp điểm.
Khi bị dẫn giải ra khỏi phòng giam, Vân chửi bới, vùng vẫy chống trả, sau đó bật khóc nghe quyết định bác đơn ân xá của Chủ tịch nước với vẻ mặt đầy tuyệt vọng.
Các thành viên Hội đồng thi hành án và các cán bộ trại giam đã chuẩn bị cho Lê Thanh Vân bữa cơm cuối cùng nhưng tử tù này không sao nuốt nổi và vẫn tỏ thái độ bất hợp tác.
Khoảng 5h sáng, chiếc xe bít bùng chở Lê Thanh Vân tiến thẳng ra pháp trường. Lúc này Vân đã hoàn toàn bình tĩnh đón nhận thời khắc định mệnh...